Thép trong nước lại giảm sốc; Tỷ giá Yen Nhật có dấu hiệu tăng nhẹ sau thời gian trượt dốc

Việt Phương (Theo Congthuong.vn/Vov.vn) 08/09/2023 06:53

(Baonghean.vn) - Thông tin tình hình thị trường hôm nay: Thép trong nước lại giảm sốc; Tỷ giá Yen Nhật có dấu hiệu tăng nhẹ sau thời gian trượt dốc; Giá cà phê trong nước tăng nhẹ trở lại; Giá gạo xuất khẩu tiếp tục điều chỉnh giảm, mất mốc 643 USD/tấn...

Thép trong nước lại giảm sốc

Giá thép hôm nay (8/9): Thép cuộn CB240 của các thương hiệu trong nước ghi nhận giảm sâu. Đây là đợt giảm giá lần thứ 19 và dự báo đà giảm còn tiếp tục.

Chiều 7/9, một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm 100.000-310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên giá bán.

Cụ thể, ở lần giảm giá thứ 19 này, thương hiệu Thép Hòa Phát hạ giá 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240 ở cả 3 miền. Giá sau điều chỉnh, giá dòng thép này ở miền Bắc, miền Trung xuống còn 13,43 triệu đồng/tấn; trong khi ở miền Nam có giá bán 13,53 triệu đồng/tấn.

cac-doanh-nghiep-thep-cung-phai-kiem-ke-khi-nha-kinh20230510185630.jpeg
Giá thép trong nước tiếp tục giảm.

Còn giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 13,74-13,79 triệu đồng/tấn.

Thép Việt- Ý tại miền Bắc giảm 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, giá còn 13,43 triệu đồng/tấn; dòng thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ ở mức giá 13,69 triệu đồng/tấn.

Thép Việt- Đức cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, giá bán về mức 13,74 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu này vẫn có giá bán là 13,89 triệu đồng/tấn…

Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước giảm sâu tới 19 lần liên tiếp. Sau 19 phiên giảm này, giá thép đã “về đáy” thấp nhất trong 3 năm qua. Dự kiến đà giảm của giá thép còn chưa dừng lại từ nay đến cuối năm.

Tỷ giá Yen Nhật có dấu hiệu tăng nhẹ sau thời gian trượt dốc

Khảo sát vào sáng 8/9 tại các ngân hàng, cụ thể như sau:

Tại Vietcombank, tỷ giá Yen Nhật Vietcombank có tỷ giá mua là 158,74 VND/JPY và tỷ giá bán là 168,07 VND/JPY, lần lượt giảm 0,28 đồng và 0,29 đồng.

Tại Vietinbank, tỷ giá Yen tăng 0,74 đồng ở cả chiều mua và chiều bán, tương đương với mức 159,38 VND/JPY và 169,08 VND/JPY.

ty-gia-yen-hom-nay-ngay-157202320230904230402.jpeg
Tỷ giá Yen Nhật có dấu hiệu tăng nhẹ sau thời gian trượt dốc.

Tại BIDV, ở chiều mua giảm 0,22 đồng ở chiều mua và giảm 0,25 đồng ở chiều bán về mức 159,33 VND/JPY và 167,77 VND/JPY.

Tại Agribank, ở chiều mua và chiều bán lần lượt là 160,38 VND/JPY và 164,38 VND/JPY – giảm 0,7 đồng ở chiều mua và giảm 0,73 đồng ở chiều bán.

Tại Eximbank, tỷ giá mua và tỷ giá bán tăng 0,19 đồng ở chiều mua và tăng 0,12 đồng ở chiều bán, lần lượt lên mức giá 160,74 VND/JPY và 165,18 VND/JPY. Tại Techcombank, tăng 0,07 đồng ở chiều mua và tăng 0,5 đồng ở chiều bán với mức giá lần lượt là 156,48 VND/JPY và 168,73 VND/JPY. Tại Sacombank, tăng 0,07 đồng ở chiều mua tương ứng với mức giá 160,64 VND/JPY.

Theo khảo sát, Eximbank là ngân hàng có tỷ giá mua Yen Nhật cao nhất và Vietcombank là ngân hàng có tỷ giá bán cao nhất trong số các ngân hàng khảo sát.

Giá cà phê trong nước tăng nhẹ trở lại

Giá cà phê trong nước được cập nhật lúc 5 giờ 30 sáng 8/9 như sau, giá cà phê trong nước tăng nhẹ 100 đồng/kg, ở mức giá trung bình 65.900 đồng/kg, cao nhất tại tỉnh Đắk Nông với giá 66.300 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê tại các tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đứng ở mức giá 65.700 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá 65.300 đồng/kg.

Ở huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk giá cà phê hiện ở mức 66.100 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 66.000 đồng/kg.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 ước đạt khoảng 90 ngàn tấn, giảm 20,57% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm nay đạt tổng cộng 1,2 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà quan sát, cà phê xuất khẩu từ Việt Nam hầu như chỉ giao trực tiếp cho doanh nghiệp nước ngoài theo phương thức Aas, không ghi nhận có một lượng hàng nào được giao về sàn London để tham gia bán đấu giá.

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục điều chỉnh giảm, mất mốc 643 USD/tấn

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung lớn trên thế giới tiếp tục điều chỉnh giảm từ 4-12 USD/tấn.

Trong đó, giá gạo Thái Lan điều chỉnh giảm mạnh nhất, từ 4-12 USD/tấn cho cả 3 loại gạo 5%, 25% và 100% tấm. Theo đó, gạo 5% tấm giảm 10 USD/tấn, xuống còn 618 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 12 USD/tấn, xuống còn 563 USD/tấn và gạo 100% tấm giảm nhẹ 4 USD/tấn, còn 470 USD/tấn.

Tương tự, gạo của Việt Nam cũng điều chỉnh giảm 5 USD/tấn cho cả 2 loại gạo gồm 5% và 25% tấm, xuống còn lần lượt là 628 USD/tấn và 613 USD/tấn.

Một nguồn cung gạo khác là Pakistan cũng điều chỉnh đồng loạt giảm 5 USD/tấn cho các loại gạo. Sau khi giảm, gạo 5% tấm của nước này còn 608 USD/tấn, gạo 25% tấm là 538 USD/tấn và 100% tấm ở mức 518 USD/tấn.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đột ngột giảm mạnh 15 USD/tấn và gạo của Thái Lan cũng có mức điều chỉnh tương tự.

Trong khi giá gạo xuất khẩu giảm thì giá lúa gạo nội địa ghi nhận ổn định và vẫn giữ ở mức cao. Đơn cử tại An Giang, lúa OM 5451 có mức giá 7.800 - 8.100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 được dao động quanh mốc 8.000 - 8.200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang tươi ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg; nếp Long An tươi dao động quanh mốc 7.300 - 7.450 đồng/kg.

Mới nhất
x
Thép trong nước lại giảm sốc; Tỷ giá Yen Nhật có dấu hiệu tăng nhẹ sau thời gian trượt dốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO