Thị trường Trung thu ở Nghệ An "lắng" theo diễn biến mưa bão!
Hướng về đồng bào miền Bắc đang chịu thiên tai, hầu hết các địa phương, đơn vị dừng tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu để quyên góp hỗ trợ. Do đó, thị trường Trung thu ở Nghệ An nói riêng đang khá trầm lắng.
Mặc dù dựng quầy mở bán bánh gần 2 tháng nay và thời điểm này được coi là cao điểm để người dân mua bánh Trung thu, nhưng tại các quầy bánh rất vắng vẻ, thưa thớt khách. Dọc các con phố Lê Mao, Lê Lợi, Quang Trung, các nhãn hàng, các thương hiệu bánh Trung thu dựng quầy, trưng bày hàng từ sớm với màu sắc bắt mắt, đa dạng các dòng bánh từ bình dân tới cao cấp nhưng có rất ít khách hàng ghé mua.
Chị Trần Hường, nhân viên một quầy hàng ở đường Lê Mao cho biết: “Mọi năm, từ sau Rằm tháng Bảy, nhất là đầu tháng Tám âm lịch, khách đã rất đông, phải huy động thêm nhân viên bán hàng, gói hàng và ship hàng.
Năm nay, chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu nhưng lượng hàng bán ra rất èo uột, chỉ bằng 30% doanh thu của năm ngoái. Đa phần là khách ghé vào hỏi giá, tham khảo thông tin rồi lại đi. Vì thế, trong 1 – 2 ngày tới chúng tôi đang tính đến phương án giảm giá, khuyến mại để kích cầu”.
Thậm chí, có những quầy hàng, số bánh bán được chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhân viên “sáng dọn ra, tối dọn vào”. Tại các đại lý tạp hóa, trước đây, chủ yếu bán sỉ cho các cơ quan, đơn vị, trường học hoặc các tổ chức thiện nguyện để tổ chức Trung thu tập thể cho các cháu với số lượng lên đến hàng nghìn chiếc/mùa Trung thu. Thế nhưng năm nay, lượng khách đặt bánh số lượng lớn hầu như không có, bánh bán lẻ cũng rất hạn chế.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, chủ đại lý tạp hóa ở thị trấn Đô Lương cho biết: “Chúng tôi chỉ bày bán dòng bánh bình dân, có giá từ 25.000 đồng - 70.000 đồng/chiếc; đối tượng khách hàng chúng tôi hướng tới là các tập thể; người dân mua lẻ cho con cháu vui Trung thu. Mặc dù dự đoán thị trường năm nay sẽ khó khăn, do đó, tôi chủ động nhập lượng hàng ít hơn, sợ tồn kho không bán được thì lỗ. Không ngờ, năm nay, lượng tiêu thụ lại kém đến vậy”.
Ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn tỉnh, thời điểm này, bánh trung thu với đủ sắc màu sặc sỡ, đa dạng chủng loại kèm nhiều khuyến mãi hấp dẫn được trưng bày ngay lối ra vào để thu hút khách. Vậy nhưng, theo ghi nhận, số lượng bán ra khá ít ỏi. Mặc dù đã sát Tết Trung thu song các dòng bánh Trung thu khá ế ẩm.
“Các năm trước, bán chạy nhất là các dòng bánh cao cấp, có giá từ 700.000 đồng đến vài triệu đồng/hộp được khách mua làm quà biếu tặng. Song năm nay, lượng khách sụt giảm mạnh”, chị Thu Thuỷ, phụ trách gian hàng bánh Trung thu ở một siêu thị trên đường Lê Nin cho biết.
Không chỉ bánh Trung thu mà các mặt hàng đồ chơi trẻ em - vốn dĩ bán rất chạy vào dịp này cũng vậy; từ các cửa hàng đồ chơi trẻ em, các siêu thị mẹ và bé đến các nhà sách, các chợ dân sinh tràn ngập đèn ông sao, đèn lồng, đồ chơi, thú bông, cánh tiên… dành cho trẻ nhưng số lượng bán ra rất hạn chế.
“Đã mồng 10 âm rồi, vẫn không mấy người hỏi mua. Năm nay, xác định là tồn kho”, chị Nguyễn Thị Hồng Sâm, chủ một quầy hàng ở chợ Hưng Dũng (TP.Vinh) cho biết.
Sức mua yếu là ghi nhận chung của thị trường Tết Trung thu năm nay. Theo các tiểu thương kinh doanh cho biết, có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên hạn chế mua sắm những thứ không thiết yếu, trong đó có bánh, đồ chơi Trung thu.
Thứ hai, thị trường bánh trung thu hiện nay đã “bão hoà” với hàng loạt các thương hiệu, nhãn hàng và các loại bánh handmade (tự làm), chưa kể là các loại bánh Trung Quốc được bán trên tiktok, YouTube, Fanpage… do đó, khách hàng có nhiều lựa chọn.
“Bánh Trung thu, nhất là loại bánh tự làm họ bán gần như quanh năm nên ưng ăn khi nào thì đặt mua khi đó, không còn như ngày xưa là phải đúng dịp mới có thể mua được. Chưa kể mua bánh trong dịp này giá lại quá cao so với ngày thường nên tôi chỉ mua một chiếc bánh dẻo và một chiếc bánh nướng để thắp hương ngày Rằm”, chị Thu Hương, người dân ở phường Hưng Bình cho biết..
Bên cạnh đó, hiện miền Bắc nước ta đang bão lũ tan hoang, mất mát đau thương nên mọi người dân đang dồn tâm sức chia sẻ với đồng bào thay vì tổ chức rình rang các hoạt động vui Tết Trung thu. Rất nhiều đoàn thiện nguyện, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có thông báo dừng tổ chức Trung thu, dành kinh phí để mua nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào vượt qua lũ lụt.
Chị Phương Mai, chủ một cơ sở kinh doanh bánh và mâm cỗ Trung thu ở Nghi Phú (TP.Vinh) cho biết từ tháng trước, chị đã nhận được đơn đặt hàng của 50 tổ chức đơn vị mua bánh, làm cỗ để tổ chức Trung thu cho các cháu. Song, đến hôm qua, số lượng đơn hàng bị huỷ là 40 đơn, 10 đơn vị còn lại cũng giảm lượng bánh xuống mức tối thiểu. Lý do là các tổ chức, đơn vị dùng kinh phí tổ chức Trung thu để quyên góp đồng bào bão lụt.
"Mặc dù ế hàng, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đó là việc nên làm, thể hiện sự đùm bọc của mọi người dân. Do đó, tôi trả lại toàn bộ tiền cọc cho những đơn vị huỷ đơn”, chị Phương Mai chia sẻ .