Thị trường và "cái bẫy"

31/10/2013 18:10

(Baonghean) -Báo Nghệ An, số ra ngày 28/10/2013, có đăng bài "Người dân vào rừng khai thác tận thu cây chua ke, lợi bất cập hại" của 2 tác giả Hữu Vi - Hồ Phương, phản ánh việc bà con các huyện vùng cao Quỳ Châu, Quỳ Hợp... vào rừng tuốt lá cây chua ke về bán cho thương lái. Đây không còn là hiện tượng lạ ở những địa bàn vùng cao Nghệ An. Những năm gần đây, nó đã thành vấn nạn của nhiều địa phương trong cả nước.

Riêng ở Nghệ An, trước khi thu mua lá chua ke và một số thứ cây, lá cây rừng khác được cho là có tác dụng chữa bệnh cũng được thu mua bởi các thương lái không rõ địa chỉ tại hầu khắp các huyện vùng cao. Người ta đồn rằng những mặt hàng này được thu mua bởi chính những thương gia Trung Quốc để xuất khẩu sang nước họ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, không còn ai đi thu gom những mặt hàng đó nữa. Đó là một điều lạ lùng trong thị trường?!

Câu chuyện thương gia Trung Quốc tìm mua những mặt hàng dị thường không còn xa lạ đối với nhiều địa phương trong nước. Từ đầu năm 2011, thương lái Trung Quốc đến các tỉnh miền Nam thu mua lá điều khô với giá từ 500đ - 1000đ, một mức giá chưa từng có bởi mặt hàng này chưa từng ai thu mua. Người dân đi quét lá điều khô hoặc tuốt lá còn tươi về phơi khô đem bán, thậm chí có người còn phun hóa chất cho lá điều rụng hàng loạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất vụ sau. Điều đáng nói là chỉ sau một thời gian ngắn sau những thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua khiến lá điều khô chất cao như núi và trở nên vô giá trị. Gần đây, trên cánh đồng của huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), những thửa ruộng nhung nhúc hàng nghìn con đỉa khiến không ai dám đặt chân xuống ruộng. Đây là hậu quả của việc thương lái Trung Quốc sau khi đẩy giá mỗi cân đỉa lên hàng triệu đồng rồi đột ngột ngừng thu mua khiến hàng trăm, hàng nghìn con đỉa bị vứt ra đồng ruộng gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Cũng với chiêu thức này, từ năm 2011 thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua dừa khô ở Bến Tre với giá cao ngất ngưởng 150.000đ một chục. Nhiều nông dân đã đổ xô chế biến dừa khô bán cho các thương nhân Trung Quốc. Những thương lái trung gian sang tận Indonesia mua dừa về sơ chế đem bán. Chỉ sau một thời gian ngắn thương lái Trung Quốc rút đi, giá dừa khô rớt thảm hại, chỉ còn 12.000đ một chục. Tại tỉnh Quảng Nam, khi các thương nhân Trung Quốc rút đi, những thương lái trung gian đang "ôm hàng" lâm vào tình cảnh ế ẩm, thậm chí là không bán được hàng phải đem tiêu hủy.

Trên đây chỉ là một số ví dụ về trò lừa đảo của thương nhân Trung Quốc. Nhưng nó đã được thực hiện như thế nào và với mục đích gì?

Thực chất của trò này chính là chiêu "làm giá" hàng hóa lâu nay vẫn rất quen thuộc trên thị trường, được thương lái Trung Quốc áp dụng khi làm giá những mặt hàng lạ ở nước ta. Sau khi nhập cảnh vào nước ta bằng hình thức du lịch, họ tung tin đồn rằng các mặt hàng muốn làm giá, rằng nó có những công dụng đặc biệt, hoặc đang có nhu cầu lớn tại thị trường Trung Quốc. Sau đó, chính họ thu mua với khối lượng lớn mà không quan tâm đến chất lượng ra sao, cốt để tạo cơn sốt thu gom hàng trên thị trường. Lúc này, tin đồn lại tiếp tục được tung ra rằng mức giá cũng như nhu cầu của thị trường về những mặt hàng vẫn còn tiếp tục tăng và họ đẩy giá mặt hàng lên đến đỉnh điểm. Đây chính là dịp để những thương nhân lừa đảo này xả hàng với khối lượng lớn để kiếm lời, còn thương lái trung gian Việt Nam hám lợi đã đi mua lại hàng của chính mình đã bán ra trước đó với giá cao hơn mà không hề hay biết. Khi đã kiếm được một khoản lớn chênh lệch giá, những thương nhân Trung Quốc lập tức ngừng thu mua và "cao chạy xa bay". Lúc này, những người đã bỏ tiền mua một lượng lớn mặt hàng dị thường đó sẽ không còn biết bán cho ai?!

Như vậy, người chịu thiệt hại lớn và trực tiếp nhất chính là những thương lái trung gian người Việt, thậm chí họ bị phá sản khi đầu tư vốn mua những mặt hàng dị thường này. Họ đã bị cuốn vào cái bẫy làm giá hàng hóa mà không hề hay biết. Còn người hưởng lợi từ những kiểu buôn bán này chính là những thương nhân Trung Quốc.

Rất có thể, việc thương lái đến thu mua lá cây chua ke, cây dây gai... ở các địa phương vùng cao mà bài báo nói trên đã phản ánh là một mắt xích trong chiêu trò làm giá các mặt hàng dị thường của thương nhân Trung Quốc. Nếu những thương lái trung gian không cẩn trọng sẽ lại bị cuốn vào cái bẫy đã giăng sẵn giống như nhiều người ở các địa phương phía Nam và Nam Trung bộ đã mắc phải.

Mặt khác, về lâu về dài, việc khai thác tận thu những thứ lá cây từ rừng chắc chắn sẽ là một mối hại đối với tài nguyên rừng. Đã đến lúc ngành Kiểm lâm và các cấp chính quyền cần chỉ rõ cho bà con vùng cao, kể cả những thương lái trung gian hám lợi hiểu rõ chiêu trò này của những thương nhân Trung Quốc!

Bun My

Thị trường và "cái bẫy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO