Thị xã Cửa Lò kiến nghị Quốc hội có chính sách đầu tư cho tuyến y tế cơ sở
(Baonghean.vn) - Chiều 22/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có cuộc làm việc với UBND thị xã Cửa Lò theo chương trình giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng Đoàn Giám sát; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc.
Tham gia cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng tỉnh: Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh và Phạm Thị Hồng Toan - Bí thư Thị ủy Cửa Lò; lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Huy động hơn 30 tỷ đồng cho công tác chống dịch
Theo báo cáo của lãnh đạo UBND thị xã Cửa Lò, với sự bài bản, quyết liệt trong chỉ đạo, từ khoanh vùng, tổ chức các yếu tố chống và dập dịch, phong tỏa; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường phối, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, các địa phương trong việc thu dung người cách ly trên địa bàn cũng như huy động các lực lượng và nguồn lực phục vụ công tác chống dịch Covid-19.
Đặc biệt là huy động sức mạnh Nhân dân, mặc dù khi việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhưng ý thức, trách nhiệm chấp hành của người dân tự nguyện, chính quyền không cần phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn cũng ủng hộ gần 2,4 tỷ đồng chống dịch.
Đồng chí Doãn Tiến Dũng – Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã báo cáo với Đoàn Giám sát công tác phòng, chống dịch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác chống dịch. Ảnh: Mai Hoa |
Ngoài nguồn lực xã hội hóa, nguồn từ ngân sách Nhà nước phục vụ công tác phòng, chống dịch bằng tiền mặt và hiện vật quy đổi, với tổng hơn 28 tỷ đồng.
Từ các nguồn kinh phí huy động được, thị xã Cửa Lò đã phân bổ sử dụng đúng mục đích, danh mục và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Thị xã cũng tập trung phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh sau dịch, với số lượng khách du lịch thu hút trong năm 2022 đạt hơn 3,1 triệu lượt người, trong đó, hơn 1,1 triệu khách lưu trú.
Đoàn Giám sát khảo sát cơ sở vật chất tại Trạm Y tế phường Nghi Hòa. Ảnh: Mai Hoa |
Liên quan đến công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở, theo đồng chí Doãn Tiến Dũng – Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã, sau dịch Covid-19 thấy rõ y tế dự phòng vô cùng quan trọng, nhưng trước đây chưa được quan tâm cả về tổ chức nhân lực, kế hoạch thực hiện và việc tham mưu cấp uỷ, chính quyền trong sử dụng lực lượng tham gia công tác y tế dự phòng.
Đối với y tế cơ sở cũng đang đặt ra khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và cả cơ chế quản lý. Hiện nay, tuyến y tế cơ sở, về con người và các chính sách do ngành Y tế quản lý, còn cơ sở vật chất và người dân thì thuộc địa phương.
Hiện tại, thị xã đang có chủ trương rà soát cơ sở vật chất, nhân lực y tế cơ sở để có kế hoạch đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ công tác dự phòng, nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Đồng chí Phạm Thị Hồng Toan – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy Cửa Lò chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của thị xã. Ảnh: Mai Hoa |
Tại cuộc làm việc, từ thực tiễn chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Phạm Thị Hồng Toan - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy Cửa Lò đã chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm, đồng thời, nêu kiến nghị với Đoàn Giám sát liên quan đến chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch; cần ưu tiên dành kinh phí tập trung cho lực lượng làm chuyên môn.
Bên cạnh đó, Quốc hội cần quan tâm có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất gắn với thu hút các dự án đầu tư y tế cộng đồng cho tuyến cơ sở, đáp ứng yêu cầu tối thiểu trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đặt ra một số vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng và lực lượng tham gia chống dịch. Ảnh: Mai Hoa |
Quan tâm y tế dự phòng, y tế cơ sở
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo UBND thị xã và trực tiếp khảo sát thực tiễn tại Trung tâm Y tế thị xã, Trạm Y tế phường Nghi Hòa vào buổi sáng, các thành viên Đoàn Giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến có hay không có sự chồng chéo trong các văn bản chỉ đạo của các cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Một số bất cập đặt ra trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng; một số bài học kinh nghiệm đặt ra trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng Đoàn Giám sát đặt ra vấn đề đầu tư như thế nào cho tuyến y tế cơ sở để phát huy hiệu quả. Ảnh: Mai Hoa |
Quan tâm đến công tác y tế cơ sở, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng Đoàn Giám sát đặt ra vấn đề, tuyến y tế dự phòng, y tế cơ sở có vai trò quan trọng, tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện thông tuyến và tâm lý của người dân vẫn muốn tuyến trên để khám, chữa bệnh, vậy bài toán đặt ra là đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho tuyến cơ sở như thế nào để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.
Kết thúc cuộc làm việc, đồng chí Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó trưởng Đoàn Giám sát đánh giá cao sự nỗ lực và hiệu quả công tác phòng, chống dịch của thị xã Cửa Lò, đặc biệt là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 đúng mục đích, chi trả đầy đủ cho các đối tượng theo quy định.
Đồng chí Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó trưởng Đoàn Giám sát kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Phó trưởng Đoàn Giám sát tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của thị xã, đồng thời, đề nghị các đơn vị cần bổ sung, làm rõ thêm các vấn đề kiến nghị báo cáo gửi cho đoàn theo quy định; quan tâm có giải pháp xử lý tồn đọng trong chi trả, nếu vượt quá thẩm quyền cần kịp thời báo cáo cấp trên kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đoàn Giám sát cũng đề nghị thị xã quan tâm hơn nữa nhân lực và cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.