Thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước

(Baonghean) - Dù không là tâm bão số 10, song từ ngày 30/9 đến ngày 1/10, trên địa bàn tỉnh ta đã có mưa to đến rất to, phổ biến từ 100 đến 541mm. Mưa lũ đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Đặc biệt, tại TX. Hoàng Mai do mưa to cộng với xả lũ từ hồ Vực Mấu đã làm cho nhiều vùng chìm trong biển nước.
Tính từ chiều 30/9, đến sáng 1/10 lượng mưa tại khu vực Thị xã Hoàng Mai rất lớn, đo được 540 mm. Nước từ các vùng khe suối đổ về khiến cho hồ chứa Vực Mấu với dung tích trên 75 triệu m3 nhanh chóng đầy ắp ở mức báo động khẩn cấp. Trước tình thế trên, Công ty TNHH-MTV Thủy lợi Bắc đã chỉ đạo Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu cho xả lũ 5 cửa để đảm bảo an toàn hồ chứa, nước đổ về các xã vùng hạ lưu kết hợp với nước thủy triều từ sông khiến khu vực này bị ngập nặng. Tại các xã như Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang, Quỳnh Thắng và trung tâm thị xã, người dân đang bị mắc kẹt, nhiều hộ dân nước đã ngập lên tận cửa sổ, nóc nhà.
Có mặt tại Quốc lộ 1A vào sáng qua, đoạn qua TX. Hoàng Mai bị ngập sâu, không thể qua lại. Ngay tại Thị trấn Cầu Giát và các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân… hàng ngàn phương tiện giao thông bị ách tắc. Anh Võ Quang Trung - Thiếu tá - Đội phó cảnh sát giao thông huyện Quỳnh Lưu cho biết: QL1A đoạn qua Thị xã Hoàng Mai khu vực Mai Hùng, Quỳnh Thiện nước ngập sâu gần 1 mét nên rất nguy hiểm. Tổ cảnh sát giao thông đã được chốt chặn tại 4 điểm dọc tuyến đường nghiêm cấm không cho xe qua lại. Tại tuyến QL1A đoạn đường đang thi công nước lũ tràn nhanh gây xói lở vào nhiều hộ dân và gây lở cả bậc tam cấp Nghĩa trang Quỳnh Xuân. Anh Nguyễn Nam ở Quỳnh Xuân cho hay: Khoảng 11 giờ đêm nước bất ngờ tràn nhanh qua QL1A, chảy cuộn xiết làm sạt lở cả thềm nhà.
Phường Quỳnh Vinh, Thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước. Ảnh: Nguyên Khoa - PLVN
Phường Quỳnh Vinh, Thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước. Ảnh: Nguyên Khoa - PLVN
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh trao mỳ tôm cho bà Nguyễn Thị Luyến ở xã Quỳnh Vinh, TX. Hoàng Mai.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh trao mỳ tôm cho bà Nguyễn Thị Luyến ở xã Quỳnh Vinh, TX. Hoàng Mai.
Sát với phường Quỳnh Thiện, nước lũ chảy băng băng, cảnh sát giao thông kiên quyết không cho chúng tôi dắt xe máy lưu thông vì quá nguy hiểm. Nối máy điện thoại cho chúng tôi gặp được anh Lâm Phi ở khối 12, phường Mai Hùng – nơi bị ngập, anh Phi cho biết: Nước lũ lên nhanh khiến cho cả làng bị ngập chìm trong nước, riêng nhà tôi ở trên cồn đất cao nhất nên chưa bị ngập hiện có gần 20 người của khối 12 đến nhà tôi để tránh lũ. Mưa vẫn đang lớn, nước tiếp tục dâng, nhà tôi sẽ nhanh chóng bị chìm, không biết sẽ trú ở đâu vì xung quanh đều bị cô lập. Chị Nguyễn Thị Hai lo lắng nói: Gia đình có 3 con nhỏ thì đều đưa đến nhà anh Lâm Phi, còn ngôi nhà đã bị chìm gần lút mái ngói, lợn, gà đều chết trong lũ, gần 7 tạ thóc phơi khô bây giờ bị ngập hết. Xót của lắm nhưng làm răng được anh, tính mạng con người mới quan trọng. Chị Hai kể tiếp: Lúa gạo ướt hết không có để ăn, trưa nay 2 cán bộ Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu đã bóc 2 thùng mỳ tôm dành trong xe ô tô cho bà con. Nước tiếp tục lên thì không biết chúng tôi di chuyển đi đâu được, lấy gì để ăn đây.
Tiếp tục liên lạc qua điện thoại với anh Đậu Sĩ Hiên - Chủ tịch phường Mai Hùng, vợ anh là Vũ Thị Giang ở khối 11 cầm máy cho biết: Anh Hiên đang đi cứu dân trong lũ. Hiện nhà tôi ở trên cồn đất cao nhất làng, nước đã ngập vào nhà bếp, nhiều hộ dân nước đã mấp mé lên tận mái ngói. Hiện gia đình tôi có 5 hộ dân đến tránh lũ. Do các hộ dân bị ướt hết lúa gạo nên gia đình phải nấu cơm cho bà con ăn. Khó khăn nhất hiện nay là lượng gạo trong gia đình đã gần hết và thức ăn không có, bà con phải ăn cơm với muối, mắm để bám trụ.
Trước thực trạng trên thị xã đã chỉ đạo các địa phương cách duy nhất là ứng cứu tại chỗ. Chủ yếu lực lượng dân quân tự vệ các địa phương đưa người già, trẻ em, các gia đình khó khăn tránh trú tại các ngôi nhà cao tầng.
Ngay mờ sáng qua, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh đã huy động 4 xuồng cao tốc khẩn cấp ra TX. Hoàng Mai giúp dân sơ tán. Đến đầu giờ chiều, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh quyết định điều thêm 2 xuồng cao tốc của lực lượng quân đội ra TX. Hoàng Mai. Đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cũng có mặt tại Thị xã Hoàng Mai từ sáng sớm để trực tiếp chỉ đạo việc ứng cứu dân tại đây. Với tổng số 10 ca nô, các lực lượng chức năng đã ứng cứu được hàng trăm người bị kẹt trên các mái nhà. 
Khối 19, phường Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) bị ngập sâu. Ảnh: PLVN
Khối 19, phường Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) bị ngập sâu. Ảnh: PLVN
Vào lúc 20h tối qua, đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp với UBND Thị xã Hoàng Mai, Ban PCLB tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và thành lập Ban Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Mai Hùng chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn. Đến thời điểm đó có 20 hộ dân trong vùng nguy hiểm, 600 hộ cần di dời khẩn cấp, khoảng 20.000 nhà dân bị ngập. Ngay trong đêm, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã vận chuyên 10 tấn mỳ tôm, 1.000 két nước cấp phát cho người dân vùng bị ngập.
Vào lúc 21h45 tối 1/10, chiếc xe 7 chỗ của Sở Công Thương trên đường chở mì tôm, nước sạch ra Thị xã Hoàng Mai ứng cứu dân đã bị nước lũ cuốn trôi khiến 1 người mất tích. Ngay trong đêm, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lập tức có mặt tại Thị xã Hoàng Mai trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, cứu dân ra khỏi vùng bị ngập. Đêm tối, gió mạnh, nước chảy xiết, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp lội xuống khu vực đang tập kết tàu thuyền và phương tiện cứu hộ để chỉ huy. Đồng chí nhấn mạnh: “Nhiều người dân đang gặp nguy hiểm trong vùng lũ, việc cứu hộ không thể chậm trễ. Các cơ quan chức năng và UBND Thị xã Hoàng Mai tiếp tục tìm kiếm những người mất tích, đồng thời làm tốt công tác cứu trợ, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị khát trong lũ”.
Ông Hồ Ngọc Mai - Giám đốc Công ty TNHH-MTV Thủy lợi Bắc cho biết: Đến thời điểm này mực nước ở hồ Vực Mấu vẫn đang nằm trong tình trạng báo động khẩn cấp, chỉ khi nằm ở mức báo động II thì chúng tôi mới không xả lũ. Dự kiến nếu trời không mưa thì khoảng 2 ngày sau mới đóng cửa xả lũ. Hiện tại, trời vẫn đang mưa và nước lũ từ sông suối ở thượng nguồn đổ về nên công ty vẫn phải tiếp tục xả lũ để đảm bảo an toàn đập.
- Theo thống kê sơ bộ, tính đến 17h chiều qua, trên địa bàn tỉnh ta, bão số 10 đã làm bị thương 2 người (Thị xã Thái Hòa 1 người và huyện Hưng Nguyên 1 người); 2 người ở TX Hoàng Mai bị mất tích chưa xác định được danh tính. Mưa lũ đã làm 2 nhà bị sập đổ, 19 nhà bị tốc mái; 4835 nhà bị ngập; Tường rào bị đổ: 1615m; 7 kiốt bị tốc mái; 1.061 ha lúa; 2.533,8 ha ngô; 337,2 ha cây công nghiệp và ăn quả, 524 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; Gia súc bị cuốn trôi: 263 con; Kênh mương bị sập đổ, hư hỏng: 4200m;Kè bị sạt lở, hư hỏng: 220m; Đập loại nhỏ bị sạt lở, hư hỏng: 11 cái; Tràn xả lũ loại nhỏ bị hư hỏng: 6 cái; Khối lượng đất sạt lở: 102.600m3; Cột điện hạ thế bị đổ: 4 cột.
- Ứng phó với cơn bão số 10, UBND tỉnh đã liên tục có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, ban, ngành và địa phương chủ động các phương án giảm thiểu thiệt hại; các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã chia làm nhiều đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo cơ sở tập trung khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra. Tập trung kêu gọi, huy động hết tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Toàn tỉnh di dời 1.643 hộ / 5.995 nhân khẩu đến nơi an toàn, trong đó:Huyện Nghi Lộc 15 hộ / 59 khẩu; Thị xã Cửa Lò 1.231 hộ / 4.265 khẩu; Huyện Diễn Châu: 176 hộ / 680 khẩu;Huyện Quỳnh Lưu: 48 hộ / 240 khẩu; Thị xã Hoàng Mai: 173 hộ /751 khẩu.
- Vào lúc 7 giờ ngày 30/9, tại cửa lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An phát hiện 1 tàu Trung Quốc. Đặc điểm: tàu vỏ sắt, không có số hiệu, chiều dài khoảng 20m, rộng 5m, tải trọng 60 tấn, công suất 300 mã lực. Trên tàu không có hàng, có 03 công dân Trung Quốc, tất cả đều không mang theo giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ liên quan đến phương tiện. Bộ đội biên phòng đã tổ chức lai dắt phương tiện vào neo đậu tại cửa Lạch Quèn. Chủ tàu và các thuyền viên đã được đưa về Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận chăm sóc sức khỏe ban đầu, chờ xử lý các bước tiếp theo.

Tại huyện Quỳnh Lưu, tính đến sáng 1/10 toàn huyện có 280 ha lúa hè thu – mùa chưa kịp thu hoạch đã bị ngập, trên 1.500 ha rau màu bị dập úng, làm giảm 70% năng suất, trên 350 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 3.000 con gia cầm và 150 con gia súc bị chết. Tổng thiệt hại về nông nghiệp khoảng trên 22 tỷ đồng. Về các công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở trên 177.000 m3 và ước thiệt hại trên 32 tỷ đồng. Đặc biệt trên địa bàn huyện đã có 527 hộ bị ngập và 151 hộ phải di dời, tâp trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Tân, Quỳnh Tam, Tân Thắng, Quỳnh Thắng và Thị trấn Cầu Giát.

Để khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra, hiện nay các ban, ngành chức năng của Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đang tìm mọi biện pháp nhằm giúp đỡ người dân, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, trước mắt là đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Tại Quế Phong, do ảnh hưởng của bão số 10 và hoàn lưu sau bão, trong 2 ngày 30/9 và 1/10 trên địa bàn huyện Quế Phong và Quỳ Châu có lượng mưa khoảng 200 đến 300 mm. Lượng mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên mực nước các sông Quàng, sông Hiếu và các suối trên địa bàn đang lên rất nhanh.
Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Quế Phong, đến thời điểm này chưa có điểm sạt lở hay thiệt hại lớn nào xảy ra nhưng để chủ động trong xử lý các tình huống, ngoài việc phân công các thành viên trực 24/24h, Ban Chỉ huy PCLB huyện liên tục cử lực lượng đi kiểm tra, rà soát các tuyến đường và kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ huy PCLB tuyến cơ sở trực ban nghiêm túc. Hiện nay, mặc dù mưa đã giảm nhưng nguy cơ sạt lở trên các tuyến đường từ Quốc lộ 48 vào xã Nậm Giải hay từ xã Đồng Văn vào Thông Thụ là rất lớn.
Tại Quỳ Châu, mưa lớn đã làm sạt lở lớn và gây ách tắc tại tuyến đường từ thị trấn vào xã Châu Phong. Từ hôm qua, sau khi có thông tin, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã điều động phương tiện máy móc vào san ủi và dọn, chặt cây đổ nhưng do mưa to nên tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra khiến giao thông trên tuyến đường này bị tê liệt. Mưa lớn cộng với lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến đoạn Quốc lộ 48 dưới chân cầu Châu Tiến thuộc địa bàn xã Châu Tiến (Quỳ Châu) bị ngập cục bộ trong buổi sáng 1/10 khiến tuyến xe khách từ Quế Phong – Vinh không thể lưu thông.
Cầu tràn bắc qua sông Hiếu từ Quốc lộ 48 vào xã Châu Thẳng bị ngập sâu 0,5m nên người dân và các phương tiện không thể đi lại được. Theo Ban Chỉ huy PCLB huyện Quỳ Châu, đến thời điểm hiện tại (15h chiều 1/10) có 2 trong số 11 người dân xã Châu Phong vào rừng lấy măng bị mất liên lạc. Ban Chỉ huy PCLB huyện đang tích cực phối hợp với chính quyền xã và gia đình để nắm thông tin, cập nhật tình hình để có giải pháp xử lý.
Tại Thị xã Thái Hòa, mưa to kèm theo gió lớn đã làm 405 ha lúa chưa thu hoạch của các địa phương trên địa bàn bị ngập lụt và có nguy cơ bị mất trắng. Ngoài ra, hiện nay 70 ha mía, 25 ha ngô và 11 ha sắn các loại bị ngập sâu. Đáng chú ý 100% các hồ đập, công trình thủy lợi trên địa bàn nước đã vượt qua tràn xả lũ 50 cm. Về cơ sở hạ tầng, tính đến 8h sáng qua đã có 600 hộ dân thuộc các xóm Thống Nhất (Tây Hiếu), xóm 7A, xóm 5A, xóm 13, xã Nghĩa Thuận đã phải sơ tán do ngập lụt. UBND Thị xã đã cho học sinh nghỉ học từ chiều hôm qua. Đặc biệt, mưa to đã làm cho Quốc lộ 48 đoạn qua xã Nghĩa Thuận bị nước ngập sâu 1m gây ách tắc giao thông từ rạng sáng 1/10. Đến thời điểm 9h ngày 1/10 trên địa bàn đã có 1 người bị thương.
Ban Chỉ đạo phòng, chống bão lụt thị xã đã triển khai, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương duy trì trực sẵn sàng 24/24h. Đối với những vùng bị ngập nước nhanh chóng di dời dân đến nơi an toàn. Tuyệt đối không để người và phương tiện lưu thông qua các đoạn nước sâu.
Tại Nghĩa Đàn, nước ngập cuốn trôi đường nên có 4 xã Nghĩa Minh, Nghĩa Hội, Nghĩa Yên, Nghĩa Bình và thị trấn đang bị cô lập. Mưa lớn làm ngập 240 ha lúa; 24 ha cây cối, hoa màu, 15 ha sắn bị nhấn chìm trong nước. Ngoài ra, 1.420 con gia cầm, 70 con lợn, 40 ha ao hồ bị cuốn trôi; Đã có 149 nhà phải di dời, 249 nhà bị ngập nhưng không phải di dời. Ban CHQS huyện Nghĩa Đàn đã điều động 45 CBCS và hơn 500 dân quân tự vệ cùng 3 xuồng cứu hộ cứu giúp nhân dân. Theo Thượng tá Hồ Văn Chuyên - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nghĩa Đàn “Chưa năm nào nước to như năm nay. Hầu như tuyến đường 531 đã bị sạt lở gần hết. Ban CHQS huyện đã huy động đến các phương tiện của nhân dân để đưa người trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn”.
Tại Anh Sơn: Qua kiểm tra tại các các công trình xung yếu, hồ đập, các bến đò ngang trên địa bàn toàn huyện, Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn huyện yêu cầu các địa phương và các đơn vị, tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Căn cứ vào tình hình bão, lũ xảy ra trên địa bàn, các xã chủ động lên phương án sơ tán nhân dân ở vùng hạ lưu thân đập, các trường cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em. Các bến đò ngừng hoạt động khi nước sông dâng cao. Nghiêm cấm nhân dân vớt củi trên sông. Yêu cầu các địa phương nằm trong vùng thấp trũng có nguy cơ bị sạt lở khẩn trương di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi, đặc biệt là các công trình trọng điểm. Nhờ chủ động ứng phó nên đến thời điểm này Anh Sơn chưa có thiệt hại lớn về người và tài sản.
Từ chiều 30/9 đến sáng 1/10, toàn địa bàn huyện Con Cuông mưa liên tục trong nhiều giờ khiến các khe suối trở nên chảy xiết. Cầu tràn Khe Mọi (xã Lục Dạ) vốn gây chia cắt trong những đợt lũ trước nhưng từ trưa 1/10 người và phương tiện giao thông có thể qua lại bình thường. Tại xã Môn Sơn, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão đã bố trí 5 tốp trực 24/24 giờ tại các cầu tràn, bến đò. Mọi hoạt động của các bến đò đều được đình chỉ. Để tránh "siêu bão" số 10, phần lớn các trường học đều cho học sinh nghỉ học trong ngày 1/10.
Tại Nam Đàn: Gió giật mạnh kết hợp mưa to đã làm gãy đổ 30 cột điện hạ thế, hơn 200 kg dây nhôm A25-A50, hỏng 63 xà các loại, 80 quả sứ hạ thế, 6 công tơ. Do nhiều tuyến đường dây bị đứt, nhiều trạm biến áp chạm chập nên phải ngừng cấp điện trên 3 đường dây 371 E15.15; 973 E15.15 và đường dây 975 E15.15. Ngoài ra còn có hàng trăm ha rau màu vụ đông đã gieo trỉa và khôi phục sau cơn bão số 8 nay tiếp tục bị dập nát, hư hỏng nặng. Ước tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Sau khi cơn bão đi qua, sáng 1/10, Ban Chỉ huy PCLB huyện và các tuyến, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân tập trung tổng dọn vệ sinh, thu gom, chặt tỉa, giải phóng các cây gãy đổ, chỉ đạo ngành Điện huy động lực lượng nhanh chóng khắc phục sự cố nên đến 10h sáng 1/10 đã thông tuyến toàn bộ lưới điện trên địa bàn huyện. Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, cùng với việc tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại, các xã tiếp tục huy động bà con nông dân ra đồng nạo vét, khơi thông cống rãnh, tiêu thoát nước và chuẩn bị giống, vật tư phân bón để khắc phục hậu quả, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông, phấn đấu đến 5/10 khép kín toàn bộ diện tích kế hoạch.
Nhóm PV- CTV

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.