Thiết lập vùng phi quân sự Idlib: Bước ngoặt trên chiến trường Syria
(Baonghean) - Ngày 15/10 sẽ là một ngày đặc biệt quan trọng với đất nước Syria nói chung và với hơn 3 triệu người dân đang sinh sống tại thành phố Idlib nói riêng khi thời hạn chót để thiết lập vùng phi quân sự ở Tây Bắc Idlib kết thúc.
Nếu khu vực phi quân sự này được thiết lập thành công, một cuộc chiến đẫm máu tại Idlib sẽ được ngăn chặn, gạt bỏ nguy cơ về một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất sau gần 8 năm cuộc xung đột nổ ra tại Syria.
Quận Kafr Ain tại Idlib sau một đợt tấn công của quân chính phủ Syria. Ảnh: Getty |
Idlib trước “giờ G”
Việc thiết lập vùng phi quân sự tại Idlib được thực hiện theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi giữa tháng 9. Theo đó, vùng phi quân sự sẽ rộng từ 15 - 20 km, trải dài từ các khu vực giữa Aleppo, vùng nông thôn Đông Bắc của tỉnh Latakia và Idlib.
Các lực lượng chống đối cực đoan phải rời khỏi khu vực phi quân sự này trước hạn chót là hôm nay (15/10), trong khi các vũ khí hạng nặng phải rút khỏi đây trước ngày 10/10. Cụ thể, các nhóm cực đoan liên kết được dự kiến sẽ rút lui từ vùng đệm đến các khu vực xa hơn về phía bắc.
Các phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong khu vực được phép ở lại nhưng dự kiến sẽ di chuyển vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực. Thỏa thuận này sẽ giúp tránh cuộc tấn công quân sự của chính phủ Syria vào thành trì cuối cùng mà các lực lượng phiến quân đang chiếm đóng.
Theo thông tin từ cả phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, quá trình các chiến binh và các loại vũ khí hạng nặng rút lui khỏi khu vực phi quân sự đã được thực hiện khá nhanh chóng với hơn 1.000 tay súng và nhiều vũ khí quân sự hạng nặng.
Ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria xác nhận không có vũ khí hạng nặng nào được nhìn thấy trong vùng phi quân sự kể từ hôm 10/10.
Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận Mặt trận Giải phóng quốc gia (NLF) do nước này hậu thuẫn cũng đã rút toàn bộ vũ khí hạng nặng và các chiến binh.
Dù vậy, ông Rami Abdel Rahman cũng cảnh báo rằng chưa thể chắc chắn hoàn toàn về việc vũ khí hạng nặng đã được đưa ra khỏi khu vực phi quân sự, bởi các vũ khí này có thể được các chiến binh di chuyển tới những địa điểm bí mật.
Điều đáng quan ngại là một số tay súng cực đoan vẫn kiên quyết cố thủ, cho dù thời hạn chót đang đến rất gần. Những tay súng này thuộc các nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS - nhóm phiến quân do một cựu thành viên của Al-Qaeda lãnh đạo) và nhóm Hurras al-Deen (nhóm phiến quân cũng có quan hệ với Al-Qaeda).
Hai nhóm này mới là lực lượng phiến quân chính kiểm soát tới hơn 2/3 lãnh thổ Idlib. Dù thời hạt chót 15/10 đã cận kề nhưng HTS vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào đối với thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới phân tích, nhiều chiến binh của HTS đã chiến đấu nhiều năm ở chiến trường Syria dưới danh nghĩa các nhóm phiến quân khác nhau. Khi quân chính phủ Syria đã kiểm soát hầu hết diện tích đất nước, các chiến binh này muốn duy trì ảnh hưởng tại thành trì cuối cùng là Idlib.
HTS đang đánh cược vào “ván bài” rằng với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, họ có “cơ hội vàng” để thiết lập gốc rễ mới tại Idlib. Bởi vậy, việc vùng phi quân sự có được hình thành đúng như thời hạn chót hay không đang phụ thuộc rất lớn vào khả năng thuyết phục của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đưa các chiến binh còn cố thủ tại Idlib ra khỏi khu vựcnội trong ngày hôm nay.
“Khoảng lặng” quý giá
Cách đây một tháng, Idlib từng được dự báo là sẽ chứng kiến một cơn “bão lửa”, khi quân chính phủ Syria tuyên bố sẽ thực hiện một cuộc tấn công lớn nhằm vào thành trì cuối cùng mà các lực lượng phiến quân còn nắm giữ.
Cộng đồng quốc tế đã vô cùng quan ngại trước viễn cảnh này, đồng thời đưa ra cảnh báo về một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi cuộc xung đột tại Syria nổ ra cách đây 8 năm. Bởi vậy, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được xem là đã giúp “tháo ngòi ngổ” của “thùng thuốc súng Idlib”.
Dù vậy, giới phân tích đang tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng thiết lập khu vực phi quân sự chỉ là một “nút tạm dừng” ở thời điểm hiện tại chứ không phải là giải pháp cuối cùng cho Idlib. Nó chỉ có thể tạm hoãn chứ không thể xóa bỏ cuộc tấn công mà chính phủ Syria sẽ triển khai nhàm vào thành trì này.
Tổng thống Syria Bashar al Assad dù ủng hộ thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ song vẫn không quên cảnh báo đây chỉ là “một biện pháp tạm thời”. Ảnh: Sputnik |
Bản thân Tổng thống Syria Bashar al Assad dù ủng hộ thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ song vẫn không quên cảnh báo đây chỉ là “một biện pháp tạm thời”. Theo một số nguồn tin của Nga và Syria, kế hoạch tiếp theo sau khi thiết lập vùng phi quân sự vào ngày hôm nay (15/10) là các nhóm phiến quân sẽ rút vũ khí hạng nặng trên toàn bộ tỉnh Idlib vào tháng 11, sau đó chính quyền Syria sẽ tái thiết lập quyền kiểm soát tại tỉnh này vào cuối năm.
Dù vậy, Naji Mustafa - một phát ngôn của lực lượng phiến quân cho biết họ sẽ không chấp nhận kế hoạch này cũng như không chấp nhận sự trở lại của chính quyền Syria tại bất cứ khu vực nào tại tỉnh Idlib.
Dù diễn biến tiếp theo tại Idlib như thế nào, điều đáng chú ý là thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số những thỏa thuận hiếm hoi được các bên tham chiến ở Syria tán thành từ trước đến nay, bởi các bên cùng nhận thức được giá trị mà “khoảng lặng” này đem lại.
Với việc thiết lập khu vực phi quân sự tại Idlib, chính phủ Syria có nhiều thuận lợi để tiến hành các chiến dịch truy quét khủng bố tại các khu vực “nhỏ lẻ” khác cũng như có thời gian chuẩn bị cho một trận chiến lớn “có thể sẽ vẫn xảy ra”, để hoàn thành mục tiêu cuối cùng là giải phóng hoàn toàn đất nước.
Ngược lại, các lực lượng phiến quân tại Idlib cũng tránh được một trận chiến mà họ có quá ít cơ hội chiến thắng. Trong khoảng thời gian này, họ có thể tiếp tục tìm kiếm những thỏa thuận với những lực lượng hậu thuẫn bên ngoài trước khi hai bên phải bước vào thời điểm quyết định về số phận cuối cùng của Idlib.
Sự “nhẹ nhõm” bên trong thành trì Idlib đã được chứng minh bằng các cuộc xuống đường của cư dân trong tỉnh để hoan nghênh việc họ không bị mắc kẹt trong một trận chiến đẫm máu.
“Số phận” Idlib đang phụ thuộc vào tính toán của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik |
Thỏa thuận thiết lập vùng phi quân sự tại Idlib được cho là thể hiện mối liên kết địa chính trị mạnh mẽ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỹ. Nga cần liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo tham vọng lớn hơn sau này trong việc thiết lập tầm hảnh hưởng tại khu vực, không chỉ tại chiến trường Syria.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất cần có Nga để làm đối trọng với Mỹ - quốc gia vẫn hậu thuẫn cho lực lượng dân quân người Kurd ở đông bắc Syria, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi là “mối đe dọa lớn nhất”.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có thể thuyết phục các nhóm phiên quân rút lui khỏi khu vực phi quân sự trong ngày hôm nay như đã thỏa thuận với Nga, đó sẽ là chứng minh mạnh mẽ nhất cho thấy tầm ảnh hưởng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ với các lực lượng tại chiến trường Syria như thế nào.
Và nếu hai bên thành công với thỏa thuận này, dư luận có lý do để chờ đợi một giải pháp mang tính đột phá khác mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa ra, thay vì phải tiến hành một trận chiến “một mất một còn” để quyết định số phận của Idlib.