Thiếu kỹ năng, người giúp việc trở thành... mối họa
Vừa qua, clip ghi lại hình ảnh một người giúp việc đánh bé gái hơn 1 tháng tuổi (TP.Phủ Lý, Hà Nam), tung bé lên cao, nhét khăn vào miệng để bé không khóc khiến dư luận phẫn nộ. Sau khi được gia đình trình báo, công an đã tạm giữ người giúp việc này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự lo ngại làm cách nào để lựa chọn được giúp việc "có tâm" khi nghề giúp việc chưa hề được đào tạo.
90% người giúp việc chưa qua đào tạo
Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) năm 2015, 90% người giúp việc gia đình (GVGĐ) ở Việt Nam chưa được đào tạo nghề và chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Đây là nguyên nhân dẫn đến phát sinh nhiều mâu thuẫn với gia đình nhà chủ trong quá trình làm việc hoặc ngược lại.
Một khóa học đào tạo giúp việc gia đình. Ảnh: Nguyệt Tạ |
"Hàng năm, Việt Nam ghi nhận hơn 4.500 trường hợp bạo lực, bạo hành trẻ em, trong đó khoảng 2.000 trường hợp là xâm hại tình dục”. Ông Nguyễn Trọng An |
Các khảo sát liên quan đến nhóm lao động này đã chỉ ra gần 90% lao động GVGĐ đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở để đòi quyền lợi.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc GFCD cho biết, hiện nay ở Việt Nam có 98,6% lao động GVGĐ là phụ nữ, độ tuổi trung bình là 44,8 tuổi, bình quân một lao động GVGĐ có thời gian làm việc khoảng 11 giờ/ngày. Chính vì hạn chế trong trình độ nhận thức nên nhiều lao động GVGĐ rất ngại phải tham gia các lớp đào tạo nghề, lo sợ phải ký hợp đồng vì sợ bị ràng buộc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, việc thuê người GVGĐ, đặc biệt để làm công việc trông trẻ nhỏ, đang gặp phải một vấn đề - đó là chưa có một quy định rõ ràng trong việc lựa chọn, tuyển chọn người GVGĐ.
“Người giúp việc có thể có những tật xấu như hành vi ăn cắp, lười biếng, nhưng những hành vi đó không đáng sợ bằng hành vi bạo lực với tre nhỏ, vì hành vi bạo lực có thể bắt nguồn từ rối loạn tâm thần, nên người ta có thể hành hạ trẻ em” – ông An nói.
Ở các nước khác như Philippines, Hàn Quốc... người GVGĐ phải kiểm tra, trước tiên là về thể chất. Trong khi đó, tại Việt Nam, do cầu vượt cung nên nhiều gia đình chấp nhận thuê cả GVGĐ chưa được đào tạo hoặc không biết rõ lý lịch.
“Thường gia chủ tự tìm hoặc nhờ qua người khác giới thiệu nên không loại trừ nhiều người thuê phải những người GVGĐ có bệnh lý truyền nhiễm, yếu tố sức khỏe tâm thần mà không biết. Do vậy, gia đình cần chọn lọc, tuyển chọn cẩn thận” – ông An khuyến nghị.
Chưa thực hiện đúng quy định
Mới đây, trong hội thảo “Tham vấn về hợp đồng tiêu chuẩn đối với lao động giúp GVGĐ tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội, bà Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) cho biết, lao động GVGĐ đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
GVGĐ không chỉ tăng cơ hội việc làm, trả công đối với một bộ phận lao động mà còn tạo ra việc chăm sóc người già, trẻ em, người khuyết tật một cách chuyên nghiệp và có chất lượng hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực lao động này đang tồn tại khá nhiều vấn đề đáng quan ngại.
Tình trạng GVGĐ không được bảo vệ, bị chặn lương, rồi người GVGĐ trộm cắp, bạo lực… vẫn thường xảy ra. Nhiều GVGĐ từ quê ra chưa được đào tạo, không có kỹ năng, làm việc hành xử theo kiểu tự phát đang làm đau đầu rất nhiều chủ nhà.
Ở Việt Nam, mặc dù hành lang pháp lý đối với GVGĐ đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế phần lớn người sử dụng lao động cũng như người lao động chưa hiểu hết hoặc chưa nắm hết những quy định của pháp luật đối với lao động. Việc ký hợp đồng lao động chưa được đầy đủ, các nội dung trong hợp đồng cũng chưa rõ ràng.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, các quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích cho lao động giúp việc gia đình đã ban hành nhưng thực thi chưa hiệu quả. Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người GVGĐ.
Theo Danviet
TIN LIÊN QUAN |
---|