Thiếu, lãng phí thiết bị dạy học ở nhà trường

Mỹ Hà 20/12/2018 08:26

(Baonghean) - Trang thiết bị và đồ dùng dạy học là yếu tố quan trọng giúp cho việc dạy và học được hiệu quả. Nhưng trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ còn rất nhiều khó khăn và ở một số nơi, việc mua sắm, sử dụng còn nhiều lãng phí, thiếu hiệu quả, nơi thừa, nơi thiếu.

Thiếu và lãng phí
Hơn 5 năm trước, khi Đề án ngoại ngữ theo chương trình 10 năm được triển khai thì Trường THCS Trung Đô (thành phố Vinh) là một trong những trường đầu tiên được trang bị phòng lab học ngoại ngữ chuyên dụng với trang thiết bị khá hiện đại gồm máy vi tính, máy chiếu và hệ thống tai nghe cho giáo viên và học sinh... Từ khi đưa vào hoạt động, phòng lab đã phát huy được hiệu quả, giúp học sinh nhiều cơ hội để rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và chất lượng đào tạo ngoại ngữ của nhà trường đã nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, hiện trang thiết bị trong phòng đã bắt đầu xuống cấp và hư hỏng. Như trong năm học này, dù nhu cầu sử dụng phòng lab là thường xuyên nhưng những tháng đầu năm học, máy chiếu của phòng chuyên dụng bị hư hỏng.

Hệ thống các cabin để sử dụng tai nghe cũng không còn hiệu quả vì cabin dựng quá cao. Vì vậy, khi giáo viên ngồi trên bục giảng sẽ không quan sát hết được toàn bộ lớp và dễ xảy ra tình trạng học sinh làm việc riêng trong giờ học. Về vấn đề này, cô giáo Đinh Thị Minh Thảo - giáo viên tiếng Anh cho biết: Để học tiếng Anh hiệu quả thì phòng lab chuyên dụng là hết sức cần thiết. Nhưng trước tình trạng hư hỏng thế này thì việc học sẽ bị gián đoạn.

Phòng học tiếng Anh chuyên dụng ở Trường THCS Trung Đô (TP. Vinh) với nhiều thiết kế không phù hợp, hư hỏng. Ảnh: Mỹ Hà
Phòng học tiếng Anh chuyên dụng ở Trường THCS Trung Đô (TP. Vinh) với nhiều thiết kế không phù hợp, hư hỏng. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, thầy giáo Nguyễn Minh Khoa -Hiệu trưởng Trường THCS Trung Đô cũng cho biết: Toàn bộ phòng lab là do dự án tài trợ nên việc sửa chữa, bảo hành cũng phụ thuộc vào nhà cung cấp trang thiết bị. Riêng năm nay, do hết thời gian bảo hành nên dù nhà trường cũng đã đề nghị nhà cung cấp sớm sửa chữa nhưng đơn vị chậm khắc phục vì trụ sở chính nằm ở Hà Nội... Được biết, kinh phí cho một lần sửa chữa cũng không nhỏ. Trong khi đó, hệ thống máy móc thì gần như năm nào cũng hư hỏng nên gây áp lực không nhỏ cho nhà trường.

Tình trạng lãng phí này cũng xảy ra ở nhiều trường học khác từng được thụ hưởng đề án ngoại ngữ. Như ở Trường Tiểu học Nghi Hoa (Nghi Lộc), trước đây trường cũng được trang bị phòng máy chuyên dụng, có máy chiếu, có bút thông minh tương tác để giúp học sinh tiểu học học tiếng Anh hiệu quả. Nhưng rồi, chỉ dùng 1 năm do sách giáo khoa và bút không còn sự tương thích nên nhiều năm nay bút đành lãng phí để không dù đầu tư cho số bút này lên đến hàng chục triệu đồng.

Ngược lại, ở một số trường lại xảy ra tình trạng thiếu thốn trang thiết bị dạy học. Tại Trường THCS Nghi Hương (thị xã Cửa Lò), dù là một ngôi trường điểm của thị xã nhưng hiện tại cô giáo Trần Thị Thu Hương - Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định: Trang thiết bị dạy và học của các môn học chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Về phía nhà trường, mỗi năm đều mua bổ sung đồ dùng dạy học nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ bổ sung được một số đồ dùng bị hư hỏng.

Đến giờ Vật lý của cô giáo Doãn Thị Liên, chúng tôi cũng thấy được rõ sự khó khăn của giáo viên bộ môn khi bố trí tiết thực hành cho học sinh lớp 9. Cụ thể, với bài thực hành “Xác định công suất của các dụng cụ điện”, nếu theo yêu cầu của một lớp có gần 40 học sinh thì tối thiểu phải có 7 bộ Vôn kế, Ampe kế và trung bình 6 em sẽ được tổ chức thành một nhóm. Nhưng hiện tại, vì chỉ có 3 bộ, nên cô giáo buộc phải chia thành từng nhóm lớn từ 10 - 15 em và giờ học thực hành đáng lẽ các em được “làm thí nghiệm” thì nay chủ yếu chỉ là quan sát.

Chưa được đầu tư đồng bộ

Hàng năm, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều trích một phần kinh phí chi thường xuyên để mua sắm đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, so với nhu cầu đặt ra thì thực sự khó khăn và chủ yếu đều đang trong tình trạng chắp vá.

Ở Trường THCS Nghi Hoa – một trong những trường khó khăn nhất hiện nay của huyện Nghi Lộc, mỗi năm nguồn chi thường xuyên rất ít ỏi do quy mô trường chỉ có 8 lớp. Những năm trước, nguồn thu xã hội hóa cũng chỉ chừng 30 triệu đồng/năm nên kinh phí để chi cho mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học hầu như rất ít.

Bước vào phòng thực hành, thiết bị của trường, dường như không thấy những thiết bị hiện đại, nhưng số thiết bị hư hỏng, lạc hậu do sử dụng quá lâu thì rất nhiều. Thầy giáo Dương Phú Giáp – Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Hiện tại, chỉ có môn Vật lý là chúng tôi cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu dạy học. Còn lại các môn như Hóa học, Sinh học, Tin học các thiết bị thực hành đều thiếu và cũ kỹ”.

Nhiều thiết bị dạy học ở Trường THCS Nghi Hoa đã bị hư hỏng. Ảnh: Mỹ Hà
Nhiều thiết bị dạy học ở Trường THCS Nghi Hoa đã bị hư hỏng. Ảnh: Mỹ Hà

Cùng chung với những khó khăn này, bà Võ Thị Tuyết Chinh - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương nói thêm: “Từ năm 2000, khi thay sách giáo khoa, các trường học của huyện nhà đã được trang bị khá nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhưng sau gần 20 năm thì hiện các thiết bị đa phần đã hư hỏng gần hết và không còn phát huy được tác dụng. Về phía các nhà trường, nếu thiếu thì phải học “chay” vì việc huy động xã hội hóa ở vùng miền núi cao gặp rất nhiều khó khăn”.

Việc thiếu và yếu trong trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học trong thời điểm hiện nay còn là lực cản khiến cho các nhà trường khó khăn trong việc đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết số 29. Như tại Trường THPT Anh Sơn 2, nhiều năm nay, nhà trường khuyến khích giáo viên tăng cường các tiết dạy sử dụng giáo án điện tử. Nhưng hiện tại, nhu cầu thì nhiều mà hệ thống máy chiếu của nhà trường chỉ còn 3 chiếc sử dụng được nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí giờ dạy cho giáo viên. Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng giảng dạy các tiết học.

Trang thiết bị bị hư hỏng ở Trường THCS Ngh Hoa (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà
Trang thiết bị bị hư hỏng ở Trường THCS Ngh Hoa (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà

Về vấn đề mua sắm các thiết bị dạy học ở các nhà trường hiện nay, cũng có khá nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, theo thầy giáo Nguyễn Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Lò 2, hiện nay, việc mua sắm đồ dùng dạy học thường được trang bị theo hàng năm.

Tuy nhiên, nếu được đầu tư đồng bộ thì sẽ hiệu quả hơn vì sát với nhiệm vụ chuyên môn và tránh được tình trạng khi thừa, khi thiếu. Trong điều kiện hiện nay, ngành Giáo dục cũng khuyến khích các nhà trường đẩy mạnh việc mua sắm trang thiết bị dạy học theo hình thức xã hội hóa hoặc phát huy tính chủ động, sáng tạo tự làm đồ dùng dạy học trong đội ngũ giáo viên.

Hiện tại, chủ trương này đang được phát huy khá tích cực ở bậc học mầm non và nếu lan tỏa được sang các cấp học khác thì sẽ giúp các nhà trường chủ động hơn trong việc bổ sung trang thiết bị dạy học. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các giáo viên, các nhà trường phát huy được năng lực, trách nhiệm, tình yêu nghề, yêu trò và có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác dạy và học.

Mới nhất

x
Thiếu, lãng phí thiết bị dạy học ở nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO