Thiếu 'nóc nhà', 15 kiểm lâm viên mất phụ cấp vùng biên giới đặc biệt khó khăn?

(Baonghean) - Sự việc 15 kiểm lâm viên công tác ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn không được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt theo quy định của Thông tư số 09/2005/TT-BNV đã kéo dài gần 2 năm. Đây là câu chuyện không vui, khiến họ tâm tư...

Thiếu một “nóc nhà”?

Thông tin đến Báo Nghệ An qua đường dây nóng dịp cuối tháng 8/2019, một cán bộ kiểm lâm địa bàn (đề nghị giấu tên) đã phản ánh việc anh làm việc tại xã biên giới đặc biệt khó khăn, nhưng gần 2 năm qua không được hưởng chế độ phụ cấp theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV.

Anh trao đổi: Công việc của chúng tôi ở địa bàn biên giới có vô vàn những khó khăn mà không phải ai cũng biết. Đơn cử, theo quy định trước đây, mỗi kiểm lâm viên có trách nhiệm quản lý 1.000 ha rừng. Nhưng hầu hết những cán bộ kiểm lâm địa bàn khu vực biên giới ở Nghệ An hiện được giao địa bàn quản lý trên 10.000 ha rừng. Riêng với tôi, được giao địa bàn rộng hơn 20.000 ha rừng, tức là nếu theo quy định thì đang gánh thêm việc của nhiều kiểm lâm viên khác.

Công tác tuần tra rừng là một công việc hết sức vất vả và nguy hiểm. Bởi vậy, luôn cần có sự hỗ trợ của đồng nghiệp và các lực lượng trên cùng địa bàn. Ảnh: CTV
Công tác tuần tra rừng là một công việc hết sức vất vả và nguy hiểm. Bởi vậy, luôn cần có sự hỗ trợ của đồng nghiệp và các lực lượng trên cùng địa bàn. Ảnh: C.T.V

Dẫu khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi xác định đây là nghề, là nghiệp để gắng vượt qua, cùng các lực lượng trên địa bàn hoàn thành công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Có điều các công chức, viên chức xã, giáo viên, cán bộ, chiến sỹ biên phòng... trên cùng địa bàn thì đều được hưởng chế độ phụ cấp, trong khi chúng tôi thì không có. Chúng tôi không so sánh trong công việc ai vất vả hơn ai, vì mỗi nghề có một đặc thù riêng. Nhưng đã cùng làm việc trên một địa bàn, thì nên xem xét để chúng tôi được hưởng chế độ phụ cấp?

Chúng tôi cũng đã nói ra những băn khoăn này với cấp trên trực tiếp. Sau đó được giải thích sở dĩ như vậy vì lý do trạm của chúng tôi không đóng tại địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn. Và ngành đã có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét giải quyết... Nghe cấp trên giải thích như vậy chúng tôi cũng thấy buồn. Vì sự việc này đã kéo dài gần 2 năm rồi. Hơn nữa chỉ vì thiếu trạm, thì hóa ra xem trọng cái “nóc nhà” hơn thực tế công việc và con người đang thực hiện nhiệm vụ hay sao...?

Tìm hiểu, trên địa bàn các huyện biên giới Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, có không ít những cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa được hưởng phụ cấp vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Thậm chí ngay cả ở huyện Con Cuông cũng có trường hợp tương tự. Với huyện Quế Phong, tại xã Tri Lễ có 2 kiểm lâm Dương Thành Luân, Nguyễn Thành Công; xã Nậm Nhoóng có kiểm lâm viên Nguyễn An Giang; xã Nậm Giải có kiểm lâm viên Bùi Văn Thanh; xã Hạnh Dịch có kiểm lâm viên Nguyễn Hữu Duy.

Anh Dương Thành Luân (kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Kỳ Sơn và Cắm Muôn) hỏi chuyện già làng bản Cắm Nọc (xã Cắm Muộn) về tập tục làm hậu sự cho người già của địa phương này. Ảnh: Nhật Lân
Anh Dương Thành Luân (kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Kỳ Sơn và Cắm Muộn) hỏi chuyện già làng bản Cắm Nọc (xã Cắm Muộn) về tập tục làm hậu sự cho người già của địa phương này. Ảnh: Nhật Lân

Theo kiểm lâm địa bàn xã Tri Lễ, anh Dương Thành Luân trao đổi, dẫn đến thực trạng này là bởi đơn vị của anh không đóng tại xã Tri Lễ. Làm việc ở địa phương này, anh phải “tá túc” ở trụ sở xã, còn trạm thì đóng tại xã Châu Thôn, cách xã Tri Lễ khoảng hơn 20 km. Anh Dương Thành Luân nói: “Cá nhân tôi được giao nhiệm vụ trên địa bàn 2 xã Tri Lễ và Cắm Muộn. Địa bàn rất rộng, diện tích rừng được giao lớn, công tác khó khăn, vất vả, trong khi trách nhiệm thì cao. Ở những địa phương này, nào có ai dám chắc được tình trạng phá rừng sẽ không xảy ra. Mà mỗi lần như thế, dẫu nguyên nhân gì đi nữa thì chúng tôi cũng là người có lỗi...”.

Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Hiếu được giao phụ trách địa bàn xã Môn Sơn (Con Cuông) năm 2019, với diện tích lên đến 38.000 ha; trong đó, có những bản dân cư nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, cách trung tâm xã đến 25 km đường rừng. Vậy nhưng anh cũng chưa được hưởng phụ cấp do trạm không đóng tại địa bàn xã Môn Sơn.

Anh Nguyễn Văn Hiếu trao đổi: “So sánh với cán bộ và chiến sỹ làm việc, đóng quân trên cùng địa bàn thì chúng tôi còn thiệt thòi lắm. Tôi mong chính sách sớm có thay đổi để được hưởng chế độ phụ cấp, qua đó thấy đảm bảo công bằng, yên tâm công tác...”.

Đợi đến bao giờ?

Chi cục Kiểm lâm Nghệ An xác nhận về thông tin nêu trên và cho biết trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 15 kiểm lâm viên chưa được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt theo quy định tại Thông tư số 09/2005/TT-BNV. Trong đó, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn có 2 trường hợp; Hạt Kiểm lâm Con Cuông có 2 trường hợp; Hạt Kiểm lâm Quế Phong có 5 trường hợp; Hạt Kiểm lâm Tương Dương có 6 trường hợp.

Kiểm lâm địa bàn cùng chính quyền xã Cắm Muộn (Quế Phong) bắt giữ lâm tặc. Ảnh: CTV
Lực lượng kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền xã Cắm Muộn (Quế Phong) bắt giữ lâm tặc. Ảnh: C.T.V

Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2017, Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản kiến nghị đến Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chưa được giải quyết. Cụ thể, ngày 2/11/2017, UBND tỉnh có Văn bản số 8557/UBND-KT giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Chi cục Kiểm lâm căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương để tham mưu văn bản cho UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Bộ Nội vụ.

Ngày 7/11/2017, Sở Nội vụ có Văn bản số 1902/SNV-CCVC về việc thực hiện chế độ phụ cấp theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV gửi Bộ Nội vụ. Ngày 15/12/2017, Bộ Nội vụ có Văn bản số 6555/BNV-TL hồi đáp với nội dung: “Điểm b, Khoản 2, Mục II Thông tư số 09/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã quy định “Phụ cấp đặc biệt chi trả cho những tháng thực sự công tác trên địa bàn, khi rời khỏi địa bàn từ 1 tháng trở lên hoặc đến công tác không tròn tháng thì không được hưởng”. Vì vậy, đề nghị Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An căn cứ thời gian thực tế công tác của cán bộ, công chức, viên chức làm việc có quy định mức phụ cấp đặc biệt tại phụ lục danh sách ban hành kèm Thông tư số 09/2005/TT-BNV để báo cáo UBND tỉnh Nghệ An xem xét quyết định”.

Dù vậy, tháng 2/2018, Sở Tài chính tiếp tục có Văn bản số 394/STC-HX gửi Bộ Tài chính đề nghị giải đáp vướng mắc. Sở Tài chính nêu ra 2 ví dụ: Trường hợp 1, ông X là kiểm lâm viên công tác tại trạm bảo vệ rừng đóng tại xã A. Theo phân công nhiệm vụ, ông X phụ trách địa bàn xã A, xã B, xã C, trong đó có xã C thuộc danh mục quy định của Thông tư số 09; Trường hợp 2, ông Y là kiểm lâm viên công tác tại trạm bảo vệ rừng đóng tại xã D. Theo phân công thì ông Y phụ trách địa bàn xã D, xã E, xã F, trong đó xã D thuộc danh mục quy định của Thông tư số 09.

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát kiểm kê cây gỗ bị chặt hạ trái phép trên địa bàn xã biên giới Môn Sơn. Ảnh: CTV
Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát kiểm kê cây gỗ bị chặt hạ trái phép trên địa bàn xã biên giới Môn Sơn. Ảnh: C.T.V

Theo Sở Tài chính, căn cứ theo quy định của Thông tư 09 thì hiện chỉ có ông Y được hưởng phụ cấp đặc biệt, còn ông X không được hưởng. Do Bộ Nội vụ có ý kiến tại Văn bản số 6555/BNV-TL; Chi cục Kiểm lâm có văn bản kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí chi trả cho các đối tượng thuộc trường hợp 1. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về nội dung này.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm trao đổi: Thực tế là Chi cục cùng các sở, ngành và UBND tỉnh đã quan tâm về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa có hồi đáp nên Sở Tài chính chưa thể cấp kinh phí chi trả. Cũng theo vị đại diện, do tình hình đặc thù của công tác chuyên môn và thực tế địa bàn nên phải phân bổ kiểm lâm viên phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Vì vậy, có nhiều kiểm lâm viên cùng lúc phụ trách địa bàn 2 hoặc 3 xã, trong đó có 1 xã thuộc địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn.

Kiểm lâm địa bàn xã Tri Lễ (Quế Phong) trên được tuần rừng biên giới. Ảnh: CTV
Kiểm lâm địa bàn xã Tri Lễ (Quế Phong) trên được tuần tra rừng biên giới. Ảnh: C.T.V

Chính vì vậy dẫn đến thực trạng kiểm lâm viên thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn nhưng trạm lại đóng ở khu vực không thuộc quy định của Thông tư 09, dẫn đến họ chưa được hưởng chế độ phụ cấp. “Chúng tôi biết những kiểm lâm viên công tác trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn hết sức vất vả, và hiểu về những băn khoăn của họ. Vì vậy, đang tiếp tục kiến nghị để họ được hưởng chế độ phụ cấp...” - vị đại diện Chi cục Kiểm lâm trao đổi.

tin mới

Về vùng quê không còn chó thả rông ở Nghệ An

Về vùng quê không còn chó thả rông ở Nghệ An

(Baonghean.vn) -Mặc dù quy định cấm chó thả rông đã có từ năm 2017, nhưng từ đó đến nay, dường như các địa phương vẫn loay hoay tìm cách xử lý, chó thả rông đã trở thành vấn nạn. Trong khi đó, tại Nghệ An có một vùng quê, suốt 6 năm qua, gần như không còn bóng dáng con chó nào ngoài đường.

Một công chức địa chính xã đầu thú, khai nhận hối lộ

Một công chức địa chính xã đầu thú, khai nhận hối lộ

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn - Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Điều tra vụ ruộng lúa chết cháy nghi bị phá hoại ở Thanh Chương

Điều tra vụ ruộng lúa chết cháy nghi bị phá hoại ở Thanh Chương

(Baonghean.vn) -Sau khi được tòa án tuyên thắng kiện, lấy lại được ruộng thì chỉ không lâu sau, trên thửa ruộng đó xuất hiện nhiều chông sắt bị kẻ xấu cắm. Khi mà cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm, thì trong quá trình canh tác, ruộng lúa này lại nghi bị phá hoại một lần nữa.

Sẽ quản lý chặt, xử lý nghiêm hơn nữa việc chê khách, ghép khách và thu thêm phí của phương tiện đón, trả khách trong sân bay Vinh!

Sẽ quản lý chặt, xử lý nghiêm hơn nữa việc chê khách, ghép khách và thu thêm phí của phương tiện đón, trả khách trong sân bay Vinh!

(Baonghean.vn) - Trên nhiều trang mạng xã hội đã có những phàn nàn về lái xe taxi ở sân bay Vinh có tình trạng chê khách chặng ngắn, ghép khách và thu thêm tiền vào cổng… Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ, tránh gây nên tình trạng lộn xộn.

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản là gì ?

Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản là gì ?

(Baonghean.vn) - Em tôi bị phát hiện sử dụng các công cụ, phương tiện gồm ắc quy, bộ kích điện, lưới đánh cá đấu nối với nhau bằng dây điện để khai thác tận diệt thủy sản. Vậy tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản có thể bị phạt gì ?

Ký ức về chiến dịch K10 trên mảnh đất Tân Kỳ

Ký ức về chiến dịch K10 trên mảnh đất Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân các huyện phía Bắc vĩ tuyến 17 đã phải chịu đựng rất nhiều thương đau. Đến nỗi, họ đã phải rời quê hương lên đường đi sơ tán. Đó là một hành trình gian nan nhưng rất nặng nghĩa tình. 

Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên Công ty Điện lực để lừa đảo khách hàng

Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên Công ty Điện lực để lừa đảo khách hàng

(Baonghean.vn) - Trung tâm Chăm sóc khách hàng – Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc có người tự nhận là nhân viên của Tổng công ty Điện lực gọi đến khách hàng với mục đích làm ảnh hưởng đến uy tín ngành Điện hoặc có hành vi lừa đảo.

Chuyện về nữ Trưởng Công an xã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 25 tuổi

Chuyện về nữ Trưởng Công an xã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 25 tuổi

(Baonghean.vn) - Trong thời hoa lửa của chiến tranh vẫn đẹp mãi câu chuyện về một người phụ nữ sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để góp phần cho đất nước độc lập, thống nhất. Đó là bà Nguyễn Thị Minh Châu, nữ Trưởng Công an xã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới tròn 25 tuổi.