Thiếu tá Minh Nguyệt - vợ NSND Tự Long bất ngờ, xúc động với lá thư của học trò
Thiếu tá Minh Nguyệt - vợ NSND Tự Long hiện là giảng viên Khoa Sân khấu điện ảnh viết văn thuộc Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Người thầy là những “kỹ sư tâm hồn”
- Gắn bó với công việc giảng dạy suốt 13 năm, công việc “kỹ sư tâm hồn” hiện tại có làm chị hài lòng?
Tôi hạnh phúc và biết ơn vì nghề đã chọn tôi. Tôi luôn tâm niệm rằng người thầy không chỉ mẫu mực mà còn là “kỹ sư tâm hồn”, góp phần kiến tạo và phát triển nhân cách cho học trò. Vì vậy, tôi chú trọng bồi đắp thế giới tâm hồn cho các em từ những giá trị cốt lõi như yêu thương, chia sẻ và quan tâm. Đây sẽ là hành trang vững chắc để các em bước vào nghề và cuộc sống thấu đáo và bền vững.
- Đặc thù của những nhà giáo mặc áo lính như chị là gì?
Cùng đội ngũ thầy, cô giáo nói chung, những người thầy trong sắc phục xanh luôn vinh dự và tự hào khi đứng trong hàng ngũ giảng viên tại các học viện, nhà trường quân đội. Không chỉ có phẩm chất người thầy, họ còn mang nét đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ - nghệ sĩ”.
Chúng tôi đảm nhận nhiều vai trò: vừa là giảng viên, chỉ huy, quản lý; vừa là người anh (chị), người bạn, đồng chí, đồng đội. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là tình cảm thiêng liêng, cao quý, tình đồng chí, đồng đội giữa giảng viên và các thế hệ học viên thân yêu.
- Trong những năm đứng lớp, có kỷ niệm nào đặc biệt về nghề khiến chị khó quên?
Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên. Khi ấy, tôi còn rất trẻ, mới nhận công tác và được giao một lớp sinh viên năm nhất, chỉ kém tôi mấy tuổi.
Trong lớp có một bạn luôn trầm ngâm, lặng lẽ ở cuối góc lớp, ít nói và cảm giác tự ti. Tôi cố gắng tiếp cận để bạn ấy cởi mở hơn. Thật bất ngờ, bạn ấy dần trở nên vui vẻ, hòa đồng và sau đó trở thành học sinh giỏi và tiềm năng nhất lớp.
Vào một trưa hè tháng 6, bạn ấy rụt rè đứng chờ tôi ở cổng và tặng tôi bức thư, chia sẻ về buổi trò chuyện hôm đó, kèm lời hứa sẽ trở thành một diễn viên thực lực. Lúc ấy, tôi vô cùng xúc động, bất ngờ và thấy trao niềm tin cho ai đó thật sự rất quan trọng.
- Ngoài những niềm vui, chắc hẳn cũng có lúc chị gặp mệt mỏi, áp lực với nghề. Khi đó, chị đối mặt thế nào?
Mỗi khi gặp khó khăn hay áp lực, tôi thường nhớ lại những kỷ niệm vui như câu chuyện trên để lấy thêm năng lượng để hoàn thành tốt công việc hoặc đọc lại các tin nhắn, thư tay mà học sinh từng gửi. Một cách đơn giản khác là mở Bài ca người giáo viên nhân dân.
Tôi chỉn chu, cầu toàn trong mọi việc
- Nghề nghiệp ảnh hưởng đến tính cách chỉn chu, cầu toàn của chị ra sao và ngược lại?
Giáo dục không chỉ trang bị kiến thức mà còn xây dựng nền tảng về cách đối nhân xử thế và kinh nghiệm sống. Nghề giáo viên đòi hỏi nhiều phẩm chất đạo đức, nhân cách và thiên về sự gương mẫu, bên cạnh yêu cầu tối thiểu là năng lực chuyên môn. Tôi may mắn vì tính cách rất phù hợp với nghề. Đúng như bạn nói, tôi khá cầu toàn, cầu kỳ và chỉn chu trong mọi công việc.
- Chị Minh Nguyệt kín tiếng vì tính cách, chứ không phải vì sợ thị phi và luôn hướng tới một cuộc sống nhẹ nhàng, an nhiên, cho đi nhiều?
Trong hành trình "dạy nghề", tôi luôn trăn trở với việc "dạy người". Suốt chiều dài phát triển của lịch sử, từ ông đồ xưa đến các thầy giáo, cô giáo ngày nay luôn được xã hội kính trọng, tôn vinh. Với tôi, thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho học trò thấu hiểu đạo làm người, “tiên học lễ, hậu học văn” là vậy.
Kín tiếng, không sợ thị phi là phương châm sống của tôi và điều đó ít nhiều mang đến sự bình yên nhất định.
Trong các mối quan hệ, tôi luôn chọn cho đi và đó cũng là cách tôi dạy con. Khi trao yêu thương hôm nay, chúng ta sẽ nhận lại nó ngày mai. Cuộc sống sẽ tốt đẹp khi con người có chữ tâm trong mọi hành động.
Hạnh phúc của người thầy không phải từ những điều lớn lao, mà từ những điều giản đơn với học trò. Điều vui nhất khi tôi nhận lại được trong nghề nghiệp của mình đó là sự thành công, giây phút vinh quang của học trò.