Thổ chứng minh vượt Nga khi phát triển UAV tấn công

Hòa Bình 14/09/2018 15:53

Trong khi Nga chỉ có những UAV trinh sát cỡ nhỏ và khá lạc hậu thì Thổ đã chứng minh sự vượt bậc của mình trong lĩnh vực này.

Thổ phát triển vũ khí hạng nặng

Tổng Giám đốc hãng Bayrak của Thổ Nhĩ Kỳ là Haluk Bayraktar vừa có phát biểu khá ấn tượng trên sóng truyền hình quốc gia nước này rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ đã từng mua máy bay trực thăng, máy bay không người lái và xe tăng từ nước ngoài.

Những thương vụ đó đã dừng lại khi chúng tôi quyết tự phát triển những vũ khí và phương tiện tối tân không kém. Và sau hơn 10 năm quyết tâm, chúng tôi đã tiến lên từng bước một và đã bắt đầu hiện thực hóa quyết tâm của mình", Bayraktar nói.

Trang bị hạng nặng của chiếc Bayraktar phiên bản mới.

Vậy Thổ Nhĩ Kỳ đã tự sản xuất được vũ khí nào? Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất và xuất khẩu thành công trực thăng tấn công T129 ATAK. Hồi tháng 7/2018, Ankara đã ký được hợp đồng xuất khẩu T129 ATAK đầu tiên cho khách hàng Pakistan với số lượng lên tới 30 chiếc.

Được biết, dòng trực thăng tấn công này cũng đã tham gia chiến dịch quân sự của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Cùng thành công với T129 ATAK, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phát triển dòng tăng Altay cực tối tân khi chúng được đánh giá không thua kém T-90A của Nga hay M1A1 của Mỹ.

Tuy nhiên, đó không phải là những thành công nhất của công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, bởi theo Defence-blog, Ankara đã chứng minh bước phát triển vượt trội của mình trước cả Nga và một số cường quốc khi tự nghiên cứu và sản xuất thành công dòng UAV tấn công kiêm do thám hạng trung Bayraktar.

UAV Bayraktar sở hữu thông số cực ấn tượng khi nó có sải cánh tới 12m. Thiết kế của Bayraktar vẫn tương tự như các phiên bản trước đó sử dụng động cơ đẩy cánh quạt. Trần bay khi thử nghiệm của Bayraktar có thể đạt tới hơn 8.200m, thời gian hoạt động trên không của nó lên tới hơn 24 giờ.

Với Bayraktar, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể bỏ qua việc nhờ tới những chiếc máy bay tấn công không người lái MQ-1 Predator của Mỹ đóng tại căn cứ không quân Incirlik để tiêu diệt các mục tiêu khủng bố nằm dọc biên giới với Syria. Cùng với đó là chủ động hơn trong việc lựa chọn mục tiêu của mình.

Điểm đặc biệt của Bayraktar là chúng được thiết kế theo dạng module, với phần cánh và thân có thể tháo rời khi cần thiết, trong khi đó vật liệu chính tạo nên nó là sợi carbon giúp thân máy bay nhẹ hơn còn phần khung được làm bằng nhôm. Thiết kế đặc trưng của Bayraktar có thể được nhận dạng qua phần cánh đuôi có hình V ngược của nó.

Trong khi đó, ở hệ thống kiểm soát bay Bayraktar có chế độ tự hành cho cả ba giai đoạn gồm cất cánh, bay hành trình và hạ cánh mà không cần tới sự hỗ trợ của nhân viên vận hành. Hầu hết trang thiết bị điện tử trên Bayraktar đều do Bayrak phát triển dựa theo tiêu chuẩn quân sự của NATO.

Mỗi trạm điều khiển mặt đất Bayraktar GCS của dòng UAV này đều có thể đồng thời vận hành nhiều UAV cùng một lúc và các trạm này cũng được thiết kế để chống lại các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Phiên bản Bayraktar mới bắt đầu thử nghiệm hệ thống vũ khí của mình vào 2015 và mẫu UAV tấn công này được trang bị hai tên lửa chống tăng UMTAS cũng do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Mỗi quả tên lửa UMTAS chỉ có trọng lượng hơn 37kg và được gắn hai bên cánh của Bayraktar TB2.

UMTAS có đường kính khoảng 160mm với tầm bắn tối thiểu là 500m và tối đa là 8.000m, nó có thể được triển khai từ độ cao 5.000m nhằm tránh Bayraktar bị tấn công bởi hệ thống phòng không của đối phương.

Nga loay hoay phát triển

Dù là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới nhưng trong lĩnh vực phát triển UAV, Nga lại không mấy thành công dù Moscow đang rất cố gắng để thu hẹp khoảng cách với phương Tây trên lĩnh vực UAV trinh sát - tấn công cỡ lớn nhưng thực tế cho thấy rằng để đuổi kịp Trung Quốc hay Iran cũng là rất khó khăn với Nga.

Theo các nhà quan sát, máy bay không người lái như Orlan-10 được Nga sử dụng tại Syria có độ thô sơ đến khó tin. Chiếc Korsar có khá hơn thời gian hoạt động trên không ngắn, tải trọng vũ khí lại thấp, chưa thể thay thế chiến đấu cơ trên chiến trường.

Việc nghiên cứu thiết kế một loại UAV tính năng tiệm cận MQ-1 Predator của Mỹ vẫn còn là tương lai xa đối với người Nga, cho nên trong giai đoạn trước mắt họ đành phải tạm "chữa cháy" bằng một giải pháp cực kỳ lạ lùng.

Nga đã mua một số máy bay dân dụng hạng nhẹ 2 động cơ DA42 Twin Star do Áo sản xuất, họ loại bỏ khoang lái cho phi công để lắp đặt các khí tài điện tử và dẫn đường nhằm biến nó thành một chiếc UAV.

Chiếc DA42B của Nga có thể điều khiển từ cách xa 250 km, mang theo tải trọng vũ khí 600 kg, tuần tra liên tục trên không được 12 tiếng, tuy rằng còn xa mới đạt tới các thông số của Predator hay Reaper nhưng đây vẫn là bước tiến lớn với người Nga.

Nhờ khối quang điện dưới mũi mà chiếc DA42B có thể mang theo tên lửa chống tăng Ataka trong những phi vụ tấn công, tuy nhiên không biết nó có truyền được hình ảnh về sở chỉ huy theo thời gian thực hay không?

Đây dĩ nhiên chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời, về lâu về dài Nga vẫn phải tập trung đầu tư mạnh cho công việc nghiên cứu để tạo ra được một chiếc UCAV đúng nghĩa.

Theo baodatviet.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Thổ chứng minh vượt Nga khi phát triển UAV tấn công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO