Thợ gặt đội nắng, trắng đêm thu hoạch lúa

Huy Thư 26/05/2023 15:08

(Baonghean.vn)- Thời điểm này, người dân trong tỉnh đang tất bật thu hoạch lúa vụ chiêm xuân. Đây cũng là dịp mưu sinh của những người làm nghề gặt thuê bằng máy gặt đập liên hợp. Tuy phải “đội nắng, trắng đêm”, nhưng nghề gặt thuê cũng đem lại nguồn thu nhập khá. 

Đang lái máy gặt trên ruộng, anh Cao Xuân Tuấn trú ở xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) cho biết, vụ gặt này anh vừa mua một chiếc máy gặt đập liên hợp cũ với giá 200 triệu đồng để gặt thuê cho bà con địa phương.

Bất chấp nắng nóng, các máy gặt hoạt động liên tục trên đồng phục vụ nông dân gặt lúa kịp thời. Ảnh: Huy Thư

Đây là máy gặt kiểu tông đơ (cắt lúa sát gốc, thả rơm thẳng hàng) nên chỉ cần 1 người lái và 1 người phụ khi đổ lúa. Tuần đầu đưa máy xuống ruộng đã gặp không ít trục trặc, có đêm máy hư giữa ruộng, phải sửa chữa gần trọn ngày mới khắc phục được.

Cũng như anh Tuấn, anh Hoàng Đình Huệ - người dân cùng xã mua 1 chiếc máy gặt đập liên hợp cũ, nhưng là loại Kubota nhả rơm vò nát. Để điều khiển chiếc máy này, anh Huệ thuê 3 nhân công làm việc (1 người lái máy, 2 người đóng lúa vào bao) còn anh di chuyển trên bờ để nhận ruộng, hướng dẫn gặt.

Nhân công làm việc luôn tay mới kịp thời vụ. Ảnh: Huy Thư

Tính đến thời điểm hiện tại, vụ mùa này ở xã Ngọc Sơn đã có 4 máy gặt do người địa phương mua về làm dịch vụ. Ngoài ra, còn nhiều máy gặt khác được đưa về từ các nơi, cùng hoạt động tấp nập trên ruộng. Bà con nông dân không còn phải lo cảnh thiếumáy gặt như những năm trước.

Có thể nói số lượng máy gặt trên những cánh đồng ở Nghệ An những năm gần đây đã tăng nhanh, đồng nghĩa với người dân làm nghề gặt thuê ngày càng nhiều. Vụ gặt lúa chiêm năm 2023, ước tính mỗi huyện ở Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành… có hàng chục máy gặt đang hoạt động.

Thời gian qua, đã có hộ mua máy gặt về hành nghề không suôn sẻ nên phải bán đi, nhiều hộ cố gắng khắc phục khó khăn ban đầu, quyết theo nghề đến cùng. Theo các thợ gặt, hiện trên thị trường có nhiều loại máy gặt đập liên hợp khác nhau, tùy vào mục đích sử dụng có thể mua những chiếc máy từ 50, 70 hay 95 mã lực.

Nhiều máy gặt hoạt động xuyên đêm. Ảnh: Huy Thư

Với nhu cầu đi gặt thuê, máy gặt sẽ hoạt động cường độ lớn, đòi hỏi phải mua loại máy tốt. Các thương hiệu máy gặt đập liên hợp có chất lượng được giới thợ gặt đánh giá cao hiện nay là những dòng máy có xuất xứ từ Nhật Bản như Kubota, Yanmar…

Hầu hết các dòng máy gặt đập liên hợp mới, thường có giá từ 500 - 900 triệu đồng/chiếc. Khi mua máy mới sẽ được bảo hành lâu dài và đương nhiên sẽ ít hỏng hóc vặt hơn, còn mua máy cũ có thể tiết kiệm được tiền, chỉ cần đầu tư 100 - 250 triệu đồng là đã có những chiếc máy gặt để đi gặt thuê. Tuy nhiên, các dòng máy gặt cũ dễ gặp trục trặc, sẽ tốn kém chi phí sửa chữa trong quá trình sử dụng.

Làm nghề gặt thuê, mỗi năm máy gặt chỉ hoạt động hai lần vào vụ chiêm và vụ hè thu, mỗi vụ tầm 10 - 15 ngày, còn lại thời gian là “đắp bạt nằm chờ”. Do đó, giữa ngày mùa, các chủ máy luôn tranh thủ để hoạt động hết công suất. Sau khi gặt xong các cánh đồng làng, sẽ vươn ra các xã, các huyện trong tỉnh, thậm chí đi tỉnh xa để hành nghề.

Vận chuyển máy gặt qua các địa phương bằng xe cứu hộ. Ảnh: Huy Thư

Anh Nguyễn Tất Huỳnh – một chủ máy gặt ở xã Mỹ Sơn (Đô Lương) cho hay: Vụ mùa này, sau khi gặt xong ruộng ở địa phương, anh đã di chuyển máy xuống Thanh Chương, Nam Đàn: “Cứ nơi nào có ruộng, dân đang cần gặt là mình đi thôi. Mùa gặt trôi qua rất nhanh, nên phải tranh thủ từng ngày”.

Hiện nay, do máy gặt trong tỉnh còn thiếu, mùa màng đến cùng lúc, nhu cầu gặt lúa của người dân lớn, nên nhiều máy gặt ở trong Nam, ngoài Bắc đã đổ về Nghệ An gặt thuê. Họ thường liên hệ trước với người địa phương để lo ăn ở, ruộng gặt... Các “cò máy” thường được trả hoa hồng từ 12.000 – 20.000 đồng/sào.

Anh Nguyễn Trọng Điệp ở xã Thanh Liên (Thanh Chương) cho biết, vụ gặt này anh đã dẫn một nhóm 4 máy gặt ở Hải Dương về quê anh hành nghề hơn 1 tuần nay. Đây là lần thứ 2 nhóm máy này về Nghệ An. Sau khi gặt xong ruộng ở địa phương, các máy gặt này đã di chuyển lên xã Tào Sơn (Anh Sơn). Phí vận chuyển máy gặt bằng xe tải, xe cứu hộ cũng khá tốn kém. Theo anh Điệp, 4 chiếc máy gặt chở từ Hải Dương vào Nghệ An hết hơn 20 triệu đồng, từ Thanh Chương lên Anh Sơn hết gần 5 triệu đồng.

Ngày mùa, máy gặt hư hỏng giữa ruộng là thiệt hại lớn với chủ máy. Ảnh: Huy Thư

Gặt lúa vụ chiêm giữa những ngày nắng nóng, báo động có mưa lớn, nên các máy phải hoạt động liên tục “đội nắng, trắng đêm”. Ban ngày, thợ lái máy, người đóng bao làm việc cả trưa, bất chấp nắng nóng 39 – 40 độ C, có khi ăn nhanh hay nhịn ăn ở ngoài đồng.

Những ngày đầu vụ, lúa chín lẻ tẻ, các máy gặt hoạt động cầm chừng. Khi lúa chín rộ, máy gặt đồng loạt ra quân, gặt cuốn chiếu suốt ngày đêm. Thời điểm này, máy gặt nào bị trục trặc, hư hỏng là một thiệt hại lớn cho chủ máy.

Anh Nguyễn Đăng Thuận ở xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) cho hay, đang gặt trên ruộng vào lúc 2h sáng thì máy của nhóm anh bị hỏng, phải sửa đến tận trưa mới xong. Nửa ngày sửa chữa, chạy qua, chạy về “bay tóc trán”, lúc máy hoạt động trở lại thì ruộng xung quanh họ đã gặt gần hết.

Những thợ gặt tập trung sửa máy tại chỗ, cố gắng khắc phục nhanh nhất. Ảnh: Huy Thư

Anh Bùi Văn Hùng – một chủ máy quê Hải Dương chia sẻ: Khi máy bị hỏng thì chủ máy, thợ lái máy phải lăn, lê, bò, choài trên ruộng hàng tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày đêm để sửa, không chỉ là vất vả, mà còn tốn kém.

Ví dụ, khi gặt phải que thép, máy dễ bị gãy hết lưỡi. Nếu là máy guồng, mỗi bộ lưỡi phải thay hết 2 triệu đồng, còn máy tông đơ hết gần 6 triệu đồng. Có những máy gặt ở tỉnh xa về, vừa xuống ruộng đã hư hỏng nặng, thay sửa cả tuần vẫn không xong, chủ máy không chỉ thất thu, mà không còn kinh phí để chở máy về quê…

Nghề gặt thuê cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm, nhất là lái máy trên các bờ ruộng nhỏ, cao… Việc điều khiển máy tiến lùi để xuống ruộng, nếu sơ suất có thể gây tai nạn lao động, dẫn đến lật máy, hư máy, tài xế, phụ việc chấn thương, thậm chí tử vong. Ví như trường hợp gần đây nhất là vụ lật máy đầu mùa gặt ở xã Thanh Thủy khiến một chủ máy gặt ở xã Thanh Chi (Thanh Chương) tử vong.

Nhiều khi phải sửa chữa hàng tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày mới xong. Ảnh: Huy Thư

Tuy vất vả, khó nhọc, tốn kém, nguy hiểm là vậy, nhưng bù lại nghề gặt thuê cũng đem lại thu nhập khá. Theo các “thợ gặt”, ở địa hình miền núi, ruộng nhỏ, di chuyển khó khăn, một máy gặt hoạt động tích cực, mỗi ngày có thể gặt được 5 - 8 mẫu, còn ở vùng đồng bằng, di chuyển thuận lợi thì máy có thể gặt được nhiều hơn.

Với giá 200.000 đồng/sào, tính ra mỗi ngày xuống đồng, mỗi máy gặt cũng thu về 10 -15 triệu đồng, trong đó tiền nhiên liệu khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Thợ lái máy thường được trả tiền công trên dưới 1 triệu đồng/ngày, còn nhân công đóng lúa vào bao là 500.000 đồng/ngày. Mùa gặt không chỉ đem lại lúa gạo cho bà con nông dân, mà còn là mùa làm ăn của nhiều “thợ gặt” trong và ngoài tỉnh.

Thợ gặt căng mình sửa máy trên ruộng. Video: Huy Thư

Mới nhất
x
x
Thợ gặt đội nắng, trắng đêm thu hoạch lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO