Thổ Nhĩ Kỳ và trò chơi chiến lược nhiều rủi ro
(Baonghean) - Nếu các mối quan hệ quốc tế là một cuộc cạnh tranh đầy thủ đoạn và toan tính thì Thổ Nhĩ Kỳ xứng đáng là “tay chơi” liều lĩnh và lọc lõi bậc nhất. Chiến thuật “dao động quả lắc” mà Ankara áp dụng đang phát huy tác dụng cho tới lúc này.
Thân Nga hay “đi" với Mỹ
Câu hỏi về chính sách đối ngoại thực sự của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới giờ vẫn là một “vùng xám” với thế giới. Nhiều người khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên quan hệ với Mỹ và phương Tây, thông qua quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay kết nối với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, cũng có nhiều bằng chứng hậu thuẫn cho nhận định Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành đồng minh với Nga trong một loạt các vấn đề quan trọng, từ mua bán vũ khí, tới hợp tác xử lý điểm nóng Syria, chống khủng bố IS… Đơn giản bởi quốc gia Hồi giáo này luôn cho rằng mình bị phương Tây “đối xử không công bằng”. Tuy nhiên, về tổng thể, việc nắm bắt đường hướng chính của lựa chọn chính sách tại Ankara xem ra vẫn là thử thách lớn. Trong một diễn biến mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến giới quan sát bất ngờ với các tuyên bố của mình.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu có động thái “vỗ về” NATO trước cuộc họp thượng đỉnh của khối. Ảnh: Anadolu |
Bất chấp tuyên bố của các chính trị gia Nga về việc tăng cường hợp tác giữa Moskva và Ankara trong lĩnh vực quân sự, hôm 30/11, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố rằng, nước này là đồng minh trung thành của NATO và sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ hoạt động nào của NATO chống lại Nga nếu cần thiết. Ngoại trưởng Cavusoglu thậm chí còn hối thúc NATO chú ý đến thực tế là ngoài việc răn đe Nga ở biên giới phía Đông châu Âu, khối cũng cần phải hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc này.
Ông Cavusoglu cũng nhấn mạnh, một số cách thức nhằm tăng cường vai trò của các lực lượng thuộc NATO trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và bổ sung các loại vũ khí. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Cavusoglu nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối việc NATO tăng cường quân sự ở các nước vùng Baltic và Ba Lan vì Nga”. Đồng thời, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc nhở NATO không nên quên các thành viên khác của mình.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. |
Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn chính sách được cho là “chán ghét” NATO vốn tồn tại ở Thổ Nhĩ Kỳ vài năm qua. Thậm chí, 4 ngày trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện quan điểm khác biệt cơ bản về vấn đề này, cho rằng Ankara sẽ không ủng hộ kế hoạch của NATO nhằm hỗ trợ Ba Lan và các nước vùng Baltic trong trường hợp Nga có thể tấn công, nếu NATO không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang người Kurd ở Syria.
Những phát ngôn của quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ trùng khớp với quan điểm mới nhất của Tổng thống Tayyip Erdogan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/11 đã chỉ trích người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron sau những tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp về NATO. Lời chỉ trích của Tổng thống Erdogan liên quan đến tuyên bố hôm 7/11 của Tổng thống Macron trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Economist, trong đó nhà lãnh đạo Pháp bày tỏ hoài nghi về vị thế lung lay của NATO và cho rằng tổ chức này đang rơi vào tình trạng "chết não" do thiếu sự hợp tác chiến lược giữa các nước thành viên.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: RIA |
Trước bình luận này, Tổng thống Erdogan cho rằng ông Macron chưa có nhiều kinh nghiệm, không hình dung một cách đầy đủ về cuộc chiến chống khủng bố và đó là lý do phong trào biểu tình "Áo vàng" diễn ra tại Pháp tại suốt một năm qua. Nhà lãnh đạo Ankara đã bảo vệ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria với lý do an ninh của nước này bị đe dọa từ bên kia biên giới.
“Đi dây” kiểu Thổ Nhĩ Kỳ
Thực tế, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và đặc biệt là Mỹ hiện tại không được suôn sẻ. Quan điểm của hai bên về các vấn đề an ninh chiến lược đang rất khác biệt, thậm chí là đối nghịch nhau. Ví dụ như việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, một việc mà NATO cho rằng sẽ gây hại cho hệ thống vũ khí của NATO đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn mang mẫu máy bay F-4 do Mỹ sản xuất ra làm mục tiêu diễn tập như một sự trêu ngươi. Hay như việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay với Nga và Iran để ổn định tình hình Syria theo hướng có lợi cho mình. Đặc biệt, căng thẳng leo thang khi chính quyền Tayyip Erdogan đơn phương tiến hành chiến dịch quân sự tại Đông Bắc Syria nhằm tiêu diệt các tay súng người Kurd tại đây, động thái bị coi là phương Tây cho là ‘bất hợp pháp’.
Tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 mua của Nga trở thành con bài để Thổ Nhĩ Kỳ “ra giá” với NATO. Ảnh: TASS |
Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào một thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất bất bình khi nhiều lần bị phương Tây bỏ rơi phũ phàng vào lúc Ankara cần tiếng nói và hành động của các đồng minh nhất. Phép thử đầu tiên, năm 2015, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc máy bay Su-24 của Nga đang hoạt động tại chiến trường Syria. Tình cảnh bị Nga trả đũa khiến Thổ Nhĩ Kỳ hoảng sợ và phải “viện đến NATO” nhưng Mỹ tuyên bố thẳng thừng: “Đó là việc của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Mỹ - NATO không liên quan”. Thái độ này khiến người Thổ tự hỏi liệu điều 5 trong Hiến chương NATO theo đó, nếu bất kỳ một thành viên nào của NATO bị tấn công thì sẽ bị cả khối NATO đáp trả, phải chăng hoàn toàn vô nghĩa? Phép thử thứ hai là hành động đảo chính lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan diễn ra hồi tháng 7/2016. Chính quyền Ankara mong muốn Washington đáp ứng yêu cầu dẫn độ giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen đối tượng được coi là chủ mưu của chiến dịch đảo chính bất thành này về nước để xét xử. Tuy nhiên, đáp lại là sự lập lờ từ chối của Mỹ, khiến quan hệ đôi bên đã “lạnh” lại càng “đóng băng”.
Chính quyền Erdogan cũng hiểu, Mỹ và NATO không dễ từ bỏ mối quan hệ đồng minh chiến lược với một cường quốc khu vực có vai trò quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ hiểu rằng áp đặt trừng phạt mạnh vốn như "con dao hai lưỡi", nếu đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc và tinh thần chống Mỹ sẽ càng khiến Ankara đối đầu và không nhượng bộ Washington.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khiến thế giới bất ngờ khi sẵn sàng phớt lờ Mỹ. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, nếu thiếu sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, những chiến lược của Mỹ ở Trung Đông sẽ tự động mất hiệu quả. Đó chính là lý do Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn muốn làm căng để giành lấy cho mình nhiều phần lợi hơn trong mối quan hệ đã quá thực dụng này. Ở vế còn lại, thắt chặt quan hệ với Nga rõ ràng cũng mang lại những lợi ích lớn không kém với Ankara, bởi ở Mockva còn đó một Putin luôn biết “lắng nghe và thấu hiểu” như Tổng thống Erdogan từng thừa nhận.
Chiến lược cân bằng Đông - Tây của Tổng thống Tayyip Erdogan vẫn đang phát huy tác dụng khi mà các chiến lược lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang đi đúng hướng. Và không có gì phải nghi ngờ vào lựa chọn này. Bởi vậy, có thể hiểu phát biểu của Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu hôm 30/11 là một cử chỉ “vỗ về” NATO ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của khối tại London vào tuần này. Chừng nào NATO vẫn phục vụ cho các lợi ích chiến lược của Ankara, nước này sẽ không dễ buông bỏ.