Thổ 'vời' Mỹ can thiệp, tương lai nào cho Idlib?

Phương Hoa 06/04/2020 06:43

(Baonghean) - Bất chấp đại dịch Covid-19 đang ngày càng nghiêm trọng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần phát động cuộc tấn công mới nhằm vào quân đội Syria. Cùng đó, các bên cũng có những cuộc động binh lớn chưa từng thấy. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng có thể đẩy Idlib vào “trận chiến cuối cùng”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong tuần có loạt điện đàm với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đáng chú ý nhất là thông tin về những thỏa thuận mà 2 đồng minh Mỹ - Thổ đang cân nhắc hợp tác tại điểm nóng cuối cùng ở Tây Bắc Syria.

TOAN TÍNH CỦA MỸ - THỔ

Thực tế, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực hiện theo lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres muốn các nước, các nhóm vũ trang trên toàn thế giới cùng hạ vũ khí để chống lại kẻ thù chung là đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng lời kêu gọi nhân đạo của Tổng thư ký Guterres về việc ngừng bắn, đang có nhiều động lực khác khiến 2 đồng minh Mỹ - Thổ tạm gạt bỏ những khác biệt và mâu thuẫn để bắt tay nhau vào thời điểm này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan “vời” Mỹ hỗ trợ tại chiến trường Idlib. Ảnh: AP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan “vời” Mỹ hỗ trợ tại chiến trường Idlib. Ảnh: AP

Tất nhiên, trong bối cảnh tất cả các quốc gia trong đó có Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, những toan tính chính trị có lẽ đang trở thành thứ yếu trong các ưu tiên hiện nay. Tuy nhiên mặt khác, cả hai nhà lãnh đạo vẫn luôn hiểu một thực tế rằng, nếu thành trì cuối cùng Idlib của phe đối lập ở Tây Bắc Syria thuộc về quyền kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, một làn sóng bạo lực khác sẽ diễn ra, thậm chí có thể vượt ra ngoài biên giới Syria.

Đó là chưa kể làn sóng người di cư sẽ không thể kiểm soát, gây áp lực nặng nề hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ và cả khu vực Trung Đông. Rõ ràng, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều không sẵn sàng cho những kịch bản này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay. Trong khi đó, việc để chính quyền Assad giành lợi thế chẳng khác nào càng khẳng định vị thế và tiếng nói của Nga tại Syria nói riêng và Trung Đông nói chung.

Điều kiện duy nhất để Mỹ hỗ trợ tại Idlib là Thổ Nhĩ Kỳ phải từ bỏ hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Bởi thế, trong loạt động thái mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đều đã đề nghị hỗ trợ cho phía Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib, mặc dù chưa có lời hứa nào cụ thể về việc viện trợ quân sự. Điều kiện duy nhất mà Mỹ đưa ra đó là Thổ Nhĩ Kỳ phải từ bỏ hệ thống tên lửa phòng không S-400 mua của Nga.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf của Nga. Ảnh: Sputnik
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf của Nga. Ảnh: Sputnik

Trước lời đề nghị này, Ankara chưa đưa ra câu trả lời chính thức. Tuy nhiên theo giới quan sát, việc phá bỏ hoặc trả lại S-400 cho Nga chắc chắn không thể là lựa chọn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Nhưng đó có thể là động thái ngừng mua thêm hệ thống này trong thời gian sắp tới. Riêng điều này cũng đã có thể khiến Mỹ hài lòng, từ đó hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tại Syria dù là bằng cách nào đi nữa!

GIẰNG CO HAY KIỀM CHẾ

Có một thực tế là quân đội chính phủ Syria thời gian qua vẫn luôn đặt quyết tâm giành quyền kiểm soát địa bàn chiến lược cuối cùng là Idlib - vốn đang nằm trong quyền kiểm soát của các lực lương vũ trang đối lập. Thế nhưng ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ bằng nhiều cách như tăng cường lực lượng, kêu gọi đồng minh như Mỹ nhằm duy trì lệnh ngừng bắn đã đạt được với Nga hồi đầu tháng 3.

Thổ Nhĩ Kỳ đang bằng nhiều cách để có thêm nguồn lực để cạnh tranh với Nga.

Bề ngoài, đó là mục tiêu giảm xung đột để tập trung nguồn lực chống lại dịch bệnh; nhưng thực tế, đây lại là động thái nhằm bảo đảm lợi ích chiến lược của Ankara tại Tây Bắc Syria. Đồng thời, cũng là cách để Ankara có thêm nguồn lực để cạnh tranh với Nga.

Đáng chú ý, trong tuần, cùng với cuộc điện đàm Tổng thống Mỹ, ông Erdogan cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin. Hơn ai hết, ông Erdogan hiểu rằng, Nga đang có lợi thế rất lớn tại Syria. Và rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ cố tình tăng quân tại Tây Bắc Syria vào thời điểm hiện nay như một cách để buộc quân đội chính phủ Syria và các lực lượng do Nga và Iran hậu thuẫn phải “xé rào” và vi phạm lệnh ngừng bắn. Đây sẽ là cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ có thể “danh chính ngôn luận” mà hành động.

Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib, Tây Bắc Syria. Ảnh: AP
Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib, Tây Bắc Syria. Ảnh: AP

Thế nhưng đáp lại, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin chỉ đề xuất muốn chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các cam kết tách biệt phe đối lập Syria ôn hòa với những kẻ khủng bố của nhóm Hayat Tahir al-Sham. Ông Putin tuyệt nhiên không đả động nhiều đến các động thái quân sự của phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Không khó hiểu cho động thái có vẻ “thờ ơ” của Nga thời gian này. Nhìn lại những ngày qua, Nga đã có nhiều nỗ lực hợp tác với nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc hay cả Thổ Nhĩ Kỳ... trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19. Các bước đi này có thể nói là tinh thần đoàn kết toàn cầu, nhưng cũng là bước đầu tư ngoại giao hiệu quả của Mockva.

Bên cạnh đó còn có vấn đề mà chính quyền Nga quan tâm hơn, đó là cuộc chiến giá dầu và thị phần dầu mỏ với Saudi Arabia. Giờ đây, các cuộc đàm phán và mặc cả đã có thêm sự tham gia của Mỹ - một “nước cờ” khác mà Nga đã tính toán từ lâu. Bởi thế, dễ hiểu khi Nga tỏ thái độ không mấy bận tâm đến các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Và tất nhiên, làm leo thang căng thẳng cũng không phải là lựa chọn của Tổng thống Putin lúc này! Trong lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại đang “như lửa đốt”, khi các thành phần khủng bố tại Tây Bắc Syria “lợi dụng tình hình” dịch bệnh mà tăng cường các động thái khiêu khích. Đây lại đang là động lực để chính quyền Damascus đẩy nhanh chiến dịch quét sạch khủng bố tại Idlib.

Bộ tứ nhiều duyên nợ Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria. Ảnh: Bloomberg, Washington Post, SANA
Bộ tứ nhiều duyên nợ Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria. Ảnh: Bloomberg, Washington Post, SANA

Về phần mình, trước lời mời hỗ trợ của Ankara, lựa chọn sáng suốt của chính quyền Washington lúc này không phải là quân sự hay xung đột mà là các tác động mang tính ngoại giao. Và rằng, để cho cuộc chiến kết thúc thực sự tại Syria mới là lựa chọn hợp lý, khi không kích động căng thẳng với Nga cũng như châm ngòi một cuộc chiến mới tại Idlib. Tất nhiên, Mỹ sẽ cần thỏa thuận cùng các nước, trong đó có Nga về việc gây áp lực với chính quyền Syria về lộ trình thống nhất đất nước. Đó là hạn chế thương vong và xung đột khi giành lại Idlib hay ân xá tù nhân chính trị...

Lẽ dĩ nhiên, chẳng có một giải pháp nào dễ dàng cho Idlib và cho cả Syria, nhất là khi các bên vẫn còn giằng co để chia cho đều miếng bánh lợi ích. Nhưng có một thực tế mà các bên đều hiểu, nếu không phải là giải pháp ngoại giao và chính trị thì đó sẽ chỉ là những lựa chọn tồi tệ hoặc tồi tệ hơn cho Syria mà thôi!./.

Mới nhất
x
Thổ 'vời' Mỹ can thiệp, tương lai nào cho Idlib?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO