Thỏa thuận giai đoạn 1 Mỹ - Trung: Cuộc đình chiến tạm thời

(Baonghean) - Sau 18 tháng “đấu trí” với nhiều vòng đàm phán căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc hôm qua đã tiến hành ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Thông tin này được dư luận quốc tế đón nhận một cách tích cực bởi đã ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - một cuộc chiến có thể tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, thỏa thuận giai đoạn 1 này vẫn chỉ được xem là sự đình chiến tạm thời khi chưa giải quyết được những bất đồng gốc rễ nhất trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đằng sau những con số

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm 9 chương, bao trùm nhiều lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường dịch vụ và tài chính, tỷ giá hối đoái, minh bạch và giải quyết tranh chấp. Đáng chú ý nhất trong các điều khoản của giai đoạn 1 là phía Mỹ hủy bỏ kế hoạch áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc vốn được lên kế hoạch áp dụng vào ngày 15/12/2019, đồng thời giảm một nửa mức thuế từ 15% xuống còn 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã áp thuế từ 1/9/2019. Phía Mỹ cũng cam kết không áp thêm bất cứ đợt thuế nào mới trong tương lai khi hai bên tiếp tục đàm phán cho các giai đoạn tiếp theo. Đổi lại, Trung Quốc cũng sẽ hạ thuế với 850 sản phẩm từ thịt lợn đông lạnh, bơ, cho đến một số chất bán dẫn, đồng thời cam kết nhập khẩu thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm tới.

Cuộc đình chiến tạm thời giữa hai người khổng lồ. Ảnh: AP
Cuộc đình chiến tạm thời giữa hai người khổng lồ. Ảnh: AP

Mặc dù là quốc gia đang phát triển với năng lực sản xuất lớn, hàng hóa xuất khẩu ra khắp thế giới, Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, năng lượng và các sản phẩm công nghệ cao. Đây chính là “dư địa” để Mỹ tin tưởng vào con số 200 tỷ USD mà phía Trung Quốc cam kết. Dự kiến, Trung Quốc sẽ nhập khẩu của Mỹ khoảng 75 tỷ USD hàng chế tạo, 50 tỷ USD  năng lượng, 40 tỷ USD nông sản và 35 tỷ USD dịch vụ. Phía Trung Quốc cũng cam kết chấm dứt tình trạng ép buộc hoặc gây áp lực để các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc.

Bên cạnh các điều khoản mà hai bên đồng ý công khai, thỏa thuận giai đoạn 1 ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc còn có một “phụ lục bí mật” liên quan đến các hàng hóa và dịch vụ mà hai bên sẽ mua của nhau.

Ngoài những lợi ích rõ ràng thể hiện qua những con số, thỏa thuận giai đoạn 1 còn có ý nghĩa lớn với cả Mỹ và Trung Quốc về mặt chính trị ở thời điểm này. Với Mỹ, thỏa thuận giai đoạn 1 giải tỏa được nhiều áp lực cả với chính quyền cũng như cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thỏa thuận sẽ giúp giảm bớt nguy cơ suy giảm của nền kinh tế Mỹ sau khoảng thời gian tăng trưởng cao kéo dài, là chất xúc tác cho sự bình ổn, thậm chí tăng điểm hơn nữa trên thị trường tài chính Phố Wall. Đối với cá nhân Tổng thống Donald Trump, việc ký kết thỏa thuận này sẽ phần nào giúp giảm sức ép từ cuộc điều tra luận tội do đảng Dân chủ đang xúc tiến và tạo điểm tựa để ông Donald Trump có thể tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa. Trong khi đó, với việc tuyên bố vẫn duy trì mức thuế với những mặt hàng quan trọng nhập khẩu của Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì được đòn bẩy để buộc Trung Quốc phải tuân thủ các cam kết của mình trong các giai đoạn đàm phán tiếp theo, khẳng định được giá trị của công cụ thuế quan mà ông Donald Trump từng nói rằng ông rất “yêu thích”. Về phía Trung Quốc, việc ký kết thỏa thuận với Mỹ cũng giải tỏa áp lực từ cả trong nước và ngoài nước về khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế - điều đã được thể hiện qua con số tăng trưởng 6%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trung Quốc cam kết nhập khẩu nhiều hơn hàng nông sản Mỹ. Ảnh: Financial Times
Trung Quốc cam kết nhập khẩu nhiều hơn hàng nông sản Mỹ. Ảnh: Financial Times

Khởi động vòng xoáy mới

Theo giới phân tích, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chỉ là “lệnh ngừng bắn tạm thời” trong cuộc chiến thương mại đã được kích hoạt từ tháng 7/2018 giữa Mỹ và Trung Quốc chứ không đủ để duy trì thế hòa hoãn trong dài hạn. Bởi vì, dù đã bao gồm rất nhiều điều khoản trong 9 chương, song thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn chưa đề cập tới những vấn đề gốc rễ nhất. Thuế quan có thể là một công cụ hiệu quả mà hai bên sử dụng để làm tổn thương đối phương, nhưng vẫn bị coi là “hời hợt” và không đi vào cốt lõi vấn đề.

Ngay từ khi khởi động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã lý giải rất rõ rằng mục tiêu của ông là thu hẹp cán cân thương mại với giá trị tới hơn 300 tỷ USD mỗi năm nghiêng về Trung Quốc. Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều hoài nghi đằng sau con số 200 tỷ USD hàng hóa mà Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm của Mỹ trong vòng 2 năm tới. Thứ nhất, cam kết của Trung Quốc trong thỏa thuận được cho là khá mơ hồ, không có lộ trình cụ thể với những mặt hàng cụ thể. Trung Quốc đã tuyên bố cắt giảm thuế với hơn 850 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhưng những mặt hàng này có thể không trùng với những mặt hàng mà nền kinh tế Trung Quốc có nhu cầu. Khi cung - cầu không gặp nhau thì con số 200 tỷ USD thực sự quá xa vời.

Thỏa thuận mới chưa thể thu hẹp cán cân thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Forbes
Thỏa thuận mới chưa thể thu hẹp cán cân thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Forbes

Một nguyên nhân khác làm giảm sự kỳ vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc chính là hai bên đã không đi sâu vào lĩnh vực công nghệ, vốn được coi là cốt lõi trong cuộc xung đột thương mại kéo dài 18 tháng qua. Tất cả những áp lực mà Mỹ đang tạo ra với những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc như Huawei, ZTE, vấn đề sở hữu trí tuệ gần như vẫn còn nguyên ngay cả khi hai bên tuyên bố đạt thỏa thuận. Chỉ vài ngày trước lễ ký kết chính thức, các quan chức Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép với chính phủ Anh nhằm ngăn cản Huawei tham gia phát triển mạng 5G tại quốc gia này.

Theo giới phân tích, công nghệ mới thực sự là chiến trường lớn nhất mà không bên nào sẵn sàng nhượng bộ, bởi đó chính là nơi quyết định ai mới là người thống trị sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cao trên toàn cầu trong thập kỷ tới. Vị thế số 1 này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với bất cứ ai giành được chiến thắng. Bởi trong tương lai, quy mô nền kinh tế số 1 thế giới sẽ phụ thuộc vào khả năng xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử. Không những vậy, vị thế số 1 về công nghệ còn liên quan đến đảm bảo an ninh quốc gia và các hoạt động quân sự. Điều này là mối quan ngại đặc biệt với Mỹ khi Trung Quốc không hề giấu giếm tham vọng cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Công nghệ mới thực sự là chiến trường lớn nhất mà không bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Ảnh: Reuters
Công nghệ mới thực sự là chiến trường lớn nhất mà không bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Ảnh: Reuters

Chính vì vậy, sau khi thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết, hai bên sẽ phải bước vào “vòng xoáy mới” với các vòng đàm phán vốn được dự kiến sẽ gai góc hơn nhiều. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thừa nhận một thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc sẽ cần tới hai hoặc ba giai đoạn, và việc đàm phán giai đoạn 2 sẽ được bắt đầu ngay lập tức sau khi ký thỏa thuận giai đoạn 1. Dù vậy, giới phân tích nhận định ít có khả năng hai bên sẽ được thêm bất kỳ tiến bộ đáng kể nào trước cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 11 tới đây tại Mỹ.

tin mới

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.