Thỏa thuận lịch sử của OPEC+: 'Liều thuốc giảm đau' cho thị trường dầu?
(Baonghean) - Quyết định của nhóm OPEC+ (trong và ngoài Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ) trong việc cắt giảm gần 10 triệu thùng dầu/ngày theo lộ trình từng bước, kể từ tháng 5/2020 được xem là bước đi lịch sử, cứu giá dầu đang rơi tự do, đồng thời giúp “cài đặt” lại liên minh OPEC+. Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là “liều thuốc giảm đau” cho thị trường dầu mỏ bởi về lâu dài, để cân bằng cung - cầu, cần nhiều nỗ lực hơn thế.
Đình chiến để cùng thắng!
Sau 4 ngày họp bất thường giữa Bộ trưởng năng lượng các nước OPEC do Saudi Arabia lãnh đạo và các nước xuất khẩu dầu không thuộc OPEC, do Nga đứng đầu, ngày 12/4, các nước đã đồng ý với thỏa thuận cuối cùng, theo đó cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, bằng gần 10% nguồn cung toàn cầu để cứu giá dầu đang lao dốc về mốc thấp nhất trong 2 thập kỷ qua.
Các thành viên của OPEC+ sẽ cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2020. Ảnh: Bloomberg |
Theo thỏa thuận mới được 23 quốc gia trong và ngoài OPEC (hay còn gọi là OPEC+), kể từ tháng 5 năm nay, tổng sản lượng dầu khai thác trên thế giới sẽ giảm 9,7 triệu thùng/ngày, sau đó là 8 triệu thùng/ngày và đến năm 2021-2022 sẽ là 6 triệu thùng/ngày. Như vậy, mức cắt giảm được thực hiện từng bước, theo lộ trình mà OPEC+ cho rằng để thích ứng với sự phục hồi kinh tế thế giới thời kỳ “hậu Covid-19”. Nói cách khác, khi nhu cầu tiêu thụ tăng, các nước sẽ điều chỉnh mức cắt giảm sản lượng.
Xét trên mọi góc độ, thỏa thuận đạt được sau Hội nghị bất thường lần thứ 9 OPEC+ đã làm hài lòng các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Gọi đây là một thỏa thuận lịch sử cũng là điều dễ hiểu bởi việc cắt giảm này là chưa từng có xét về cả về quy mô giảm và số lượng các nước tham gia, thậm chí nhiều nước từng là đối thủ cạnh tranh khốc liệt. Thỏa thuận này cũng là một biểu tượng ý nghĩa cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các cường quốc năng lượng nhằm làm ổn định thị trường dầu toàn cầu. Xét trên mọi góc độ, thỏa thuận đạt được sau Hội nghị bất thường lần thứ 9 OPEC+ đã làm hài lòng các bên, đặc biệt là Saudi Arabia, Nga và Mỹ - các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga đã “phủ bóng đen” lên thị trường dầu mỏ trong hơn 1 tháng qua. Bản thân 2 quốc gia này cũng chịu thiệt hại nặng nề nếu giá dầu tiếp tục rơi đáy, nằm quanh mốc 20 USD/thùng. Nếu cuộc chiến tiếp tục duy trì, dù cả hai đã có những kịch bản dự phòng và các tính toán chiến lược thì sự sụt giảm đáng kể của nền kinh tế cũng là điều không tránh khỏi. Về phần mình, giá dầu giảm cũng là một “đòn” đau giáng vào ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ bởi ngành này có chi phí sản xuất cao. Nhiều doanh nghiệp dầu khí của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản nếu giá dầu thấp tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.
Bộ trưởng Năng lượng Nga (phải) và người đồng cấp Saudi Arabia đồng chủ trì phiên họp bất thường của OPEC+ từ ngày 9-12/4. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, dầu mỏ đang là vấn đề gây áp lực đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chạy đua tái cử vào cuối năm nay. Do đó, Washington buộc phải can dự vào tiến trình “hòa giải” giữa Mockva và Riyadh để góp phần thay đổi tình thế, giúp giá dầu đảo chiều. Sự nhập cuộc của Tổng thống Donald Trump với các cuộc điện đàm riêng rẽ với cả Tổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Arabida Bin Salman đã có tác động rất lớn đến cuộc họp của OPEC+ những ngày qua. Thậm chí có tin ông Trump còn cảnh báo đồng minh Saudi Arabia rằng nước này có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt và đòn thuế quan về dầu mỏ nếu không cắt giảm lượng dầu đủ để cứu giúp ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ.
Nhiều nhà quan sát đánh giá, sau thỏa thuận lịch sử vừa rồi, Mỹ là bên được lợi nhiều nhất khi không phải chủ động giảm sản lượng khai thác, trong khi vẫn cứu được ngành dầu đá phiến. Với nỗ lực làm trung gian hòa giải, Tổng thống Donald Trump coi như đã thành công và đây sẽ là “điểm cộng” cho ông trong cuộc đua tái tranh cử vào cuối năm nay.
Bức tranh dầu mỏ thời “hậu Covid-19”?
OPEC+ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu được ví như “liều thuốc” cứu giá dầu ở thời điểm hiện tại. Ngay khi thỏa thuận được thông qua, thị trường dầu mỏ đã khởi sắc với đà tăng trở lại, tất nhiên vẫn còn ảm đạm. Theo các tính toán, mức cắt giảm sản lượng như thông báo, sẽ có tác động lớn trong nửa cuối năm và giúp giá dầu lên hơn 40 USD một thùng vào cuối năm nay. Tất nhiên, để đạt được mốc giá như vậy đòi hỏi tất cả các bên phải tuân thủ cam kết của thỏa thuận. Câu hỏi đặt ra lúc này là về lâu dài, “liều thuốc” vừa rồi có thể duy trì sự ổn định của thị trường dầu hay không. Câu trả lời này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tổng thống Donald Trump điện đàm riêng với Tổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Arabida Bin Salman bàn về thị trường dầu mỏ. Ảnh: Getty |
Kể cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế toàn cầu sẽ chưa thể bứt phá mạnh mẽ ngay lập tức.
Thứ nhất là diễn biến của đại dịch Covid-19 - yếu tố chính làm đảo lộn thị trường dầu trong năm nay. Nếu dịch vẫn tiếp tục lây lan, các quốc gia tiếp tục chính sách phong tỏa, nhu cầu tiêu thụ dầu trên khắp thế giới vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều đó có nghĩa việc cắt giảm gần 10 triệu thùng/mỗi ngày cũng chưa đủ.
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu trong tháng 4 và 5 giảm bình quân 19 triệu thùng/ngày. Như vậy, việc cắt giảm 10 triệu thùng/ngày mới chỉ giải quyết được một nửa yêu cầu cần thiết để cân bằng cung - cầu. Theo các chuyên gia y tế, nếu các nước tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid 19, tình hình có thể cải thiện vào quý 4 năm nay. Tuy nhiên, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu sẽ chưa thể bứt phá mạnh mẽ ngay lập tức.
Nhiều các nhà phân tích thậm chí cho rằng con số cắt giảm cần thiết có thể lên tới 20 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mức giảm 20 triệu thùng/ngày là điều khó thực hiện nếu không muốn nói là không thể. Bởi một điều chắc chắn rằng, để đạt được thỏa thuận vừa rồi cả Nga và Saudi Arabia đều đã nhượng bộ lẫn nhau và nhượng bộ cả Mỹ. Hai quốc gia này sẽ không để việc cắt giảm sản lượng quá sâu, bởi các biện pháp cắt giảm sẽ tạo điều kiện để ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng thị phần trên thị trường dầu mỏ.
Giá dầu thế giới tăng 6% sau khi OPEC+ đạt thỏa thuận. Ảnh: Getty |
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến giá dầu là nỗ lực duy trì thỏa thuận của các bên. Có vẻ như Nga, Saudi Arabia và Mỹ đang là những người kiểm soát “cuộc chơi” trên thị trường dầu mỏ nhưng còn nhiều quốc gia khác như Iran, Venezuela, các quốc gia Trung Đông và Vùng Vịnh cũng có những tầm ảnh hưởng riêng. Những yếu tố chính trị cũng có thể chi phối và tác động đến lĩnh vực năng lượng và đó là điều khó lường trong một thế giới biến động như hiện nay. Ngoài ra, các kho dự trữ dầu ở các quốc gia cũng đang đầy lên, khiến giá cả tiếp tục chịu áp lực.
Không thể phủ nhận thỏa thuận của OPEC+ vừa rồi là động thái kịp thời trong nỗ lực cứu thị trường dầu khỏi rơi tự do nhưng phải nhìn nhận thực tế là dù có được thực thi, đây cũng chỉ là “liều thuốc giảm đau” tạm thời, một cuộc đình chiến cho giá dầu, trong bối cảnh sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu tiêu thụ. Việc phục hồi và ổn định giá “vàng đen” vẫn tiếp tục là bài toán nhiều biến số trong thời gian tới./.