Thỏa thuận san sẻ quyền lực trên chính trường Israel

Hoàng Bách 22/04/2020 07:49

(Baonghean) - Đầu tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng đối thủ “truyền kiếp” là cựu tướng Benny Gantz đã thành công soạn ra một thỏa thuận nhằm thiết lập chính phủ liên minh. Đây là diễn biến hứa hẹn khép lại nhiều tháng ròng rã chính trường Israel lâm vào trạng thái tê liệt, đồng thời “bẻ lái” ngoạn mục, đưa nước này tránh khỏi kịch bản cuộc bầu cử liên tiếp lần thứ tư trong vòng hơn 1 năm.

Chính phủ “khẩn cấp quốc gia”

Đó là cách mà ông Netanyahu cùng ông Gantz - lãnh đạo đảng Xanh-Trắng gọi chính phủ được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực mà họ vừa ký kết hôm 20/4, thành quả sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng. Được biết, sau khi các cuộc bỏ phiếu hôm 2/3 khiến cả 2 chính khách nói trên không đạt đủ đa số ghế cần thiết trong quốc hội, Netanyahu và Gantz đã nhất trí tìm cách thành lập một chính phủ liên minh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do Covid-19 đang phát triển nhanh, tiềm ẩn nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

Các cuộc đàm phán đã vài lần đình trệ, mà nguyên do nhiều khả năng là liên quan đến các vấn đề pháp lý của cá nhân ông Netanyahu, làm dấy lên quan ngại rằng họ sẽ đẩy quốc gia này vào các vòng bầu cử mới.

Thỏa thuận hôm 20/4 giữa Netanyahu-Gantz phá vỡ thế bế tắc chính trị lâu nay của Israel. Ảnh: AFP
Thỏa thuận hôm 20/4 giữa Netanyahu-Gantz phá vỡ thế bế tắc chính trị lâu nay của Israel. Ảnh: AFP

Hai nhân vật “hô mưa gọi gió” trên sân khấu chính trị tại Israel khẳng định họ kỳ vọng, chính phủ “khẩn cấp quốc gia” sẽ giúp chèo lái đất nước vượt qua đại dịch do Covid-19 gây ra. Trong khi đó, theo hãng thông tấn AP, dù ông Netanyahu liên tiếp không thành công trong 3 cuộc bầu cử được tổ chức trong vòng 1 năm trở lại đây, nhưng thỏa thuận liên minh vừa đạt được vẫn trao trả chiếc ghế thủ tướng cho nhà lãnh đạo tại nhiệm suốt thời gian dài qua, như thách thức những nhà phê bình với dự đoán rằng ông sẽ thất thế, đồng thời khôi phục uy danh “phù thủy chính trị” cho vị chính khách lão luyện. Điều đó đồng nghĩa Netanyahu sẽ gần như chắc chắn tiếp tục tại nhiệm trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa sắp tới xét xử ông về các tội danh tham nhũng.

Bên cạnh đó, bản thỏa thuận cũng định ra quãng thời gian dài 3 năm, và Netanyahu đảm nhiệm cương vị thủ tướng trong 18 tháng đầu, sau đó Gantz sẽ kế nhiệm trong nửa thời gian còn lại. Chưa hết, đảng của ông Gantz sẽ nắm quyền kiểm soát nhiều bộ ngành cấp cao trong chính phủ, trong đó có bộ quốc phòng.

Còn Netanyahu được đánh giá là nhận được sự thúc đẩy đáng kể từ thỏa thuận, trong bối cảnh đang phải chiến đấu để tiếp tục nắm quyền và chống chọi các cáo buộc tham nhũng. Đảng của ông sẽ nắm ảnh hưởng đối với các hoạt động bổ nhiệm thẩm phán. Thỏa thuận cũng đòi hỏi 2 bên nhất trí về các vấn đề bổ nhiệm quan trọng, bao gồm tổng chưởng lý và công tố viên nhà nước - trao cho Netanyahu quyền phủ quyết đối với các quan chức có thể đe dọa đến số phận pháp lý của ông.

“Tôi hứa trước nhà nước Israel sẽ đem lại một chính phủ khẩn cấp quốc gia nỗ lực để cứu vớt sinh mệnh và cuộc sống của các công dân Israel”

Ông Benjamin Netanyahu đăng tải trên Twitter sau thông tin về thỏa thuận hôm thứ Hai

Sự ủng hộ của người dân Israel đối với của ông Netanyahu.
Sự ủng hộ của người dân Israel đối với của ông Netanyahu.

Nhượng bộ và lòng tin

Theo phân tích của báo chí phương Tây, bản thỏa thuận mới của Israel đòi hỏi sự nhượng bộ lớn của 2 đối thủ chính trị. Sở dĩ nói vậy là bởi, trong 3 chiến dịch vận động tranh cử khó khăn suốt năm qua, Gantz cùng đảng Xanh-Trắng đã thề không bao giờ phụng sự trong chính phủ dưới trướng Netanyahu chừng nào mà ông này còn đối diện với loạt cáo buộc tham nhũng. Còn sau 11 năm tại vị chức thủ tướng, Nentayahu đã đồng ý bước sang nhường đường và để Gantz đảm nhiệm chiếc ghế này, nếu liên minh vừa thiết lập xoay sở để tồn tại thời gian đủ dài.

“Chúng ta đã ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu thứ tư. Chúng ta sẽ bảo vệ nền dân chủ. Chúng ta sẽ chống Corona và sẽ chăm lo cho mọi người dân Israel”.

Ông Benny Gantz đăng trên trang Twitter

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, sẽ thấy trong khi chính phủ liên minh thoạt nhìn được thành lập nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, vốn hiện đã khiến hơn 170 trường hợp tại Israel tử vong và gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng thực chất các cuộc đàm phán dẫn đến “cái bắt tay” này chủ yếu lại xoay quanh phiên tòa xét xử tội danh tham nhũng của ông Netanyahu, dự kiến bắt đầu vào tháng tới.

Các điểm mấu chốt trong thỏa thuận bao gồm một yêu cầu của Thủ tướng đương nhiệm, đòi có tiếng nói lớn hơn trong việc bổ nhiệm thẩm phán, điều có thể đóng vai trò quan trọng nếu vụ án của ông rốt cuộc phải trình lên Tòa án Tối cao.

Ông Gantz (trái) và ông Netanyahu (phải) tham dự một buổi lễ ở Jerusalem ngày 19/9/2019. Ảnh: AP
Ông Gantz (trái) và ông Netanyahu (phải) tham dự một buổi lễ ở Jerusalem ngày 19/9/2019. Ảnh: AP

Chuyên gia phân tích chính trị Avraham Diskin, có tham gia soạn thảo một phần thỏa thuận liên minh, cho biết những sự bảo đảm từ cả 2 phía là hết sức trọng yếu. Netanyahu muốn bảo đảm rằng ông sẽ không bị ép từ chức sau khi Gantz đảm nhiệm chức thủ tướng, bởi theo luật của nước này, tất cả các quan chức, ngoại trừ thủ tướng, sẽ phải từ chức nếu bị khép tội.

Còn với phía đảng Xanh-Trắng, họ muốn được bảo đảm rằng Netanyahu sẽ không lật đổ chính phủ trước khi Gantz trở thành thủ tướng. Diskin nhận xét: “Tồn tại sự thiếu hụt lòng tin hoàn toàn. Tôi cầu nguyện rằng chính phủ sẽ trụ vững và không bỏ lỡ cơ hội do đấu đá những thứ vô nghĩa”.

Trong tuyên bố chung, các bên đã nói rằng họ sẽ thành lập chính phủ “khẩn cấp” trong 6 tháng, tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng corona. Trong lúc đó, họ cũng sẽ nghiên cứu một “đề cương chính sách” cho một chính phủ liên minh trong dài hạn. Nhiều người phỏng đoán, thỏa thuận có thể dọn đường cho lời hứa vận động tranh cử của Netanyahu, đó là sáp nhập các khu vực rộng lớn của Bờ Tây sau ngày 1/7. Quan chức Palestine Saeb Erekat đã lên tiếng tỏ rõ thái độ, tuyên bố rằng chính phủ mới của láng giềng chỉ có 2 lựa chọn: “hoặc mở cửa chào đón một tiến trình hòa bình có ý nghĩa, hoặc phá vỡ thêm bất kỳ hy vọng hòa bình nào”.

Thỏa thuận chính phủ liên minh đạt được trong bối cảnh Israel đối diện với cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất từ trước tới nay. Ảnh: AFP
Thỏa thuận chính phủ liên minh đạt được trong bối cảnh Israel đối diện với cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất từ trước tới nay. Ảnh: AFP

Tạm kết, quyền lực được nhất trí san sẻ tại Israel, nhìn từ góc độ tích cực là giúp quốc gia này tránh kịch bản hết lần này lượt khác đi bỏ phiếu rồi lại rơi vào thế bế tắc, cũng như là cơ hội để tạm gác mọi cuộc tranh đấu, chung sức tập trung tiêu diệt đại dịch Covid-19 giữa lúc nguy cấp. Nhưng nếu nhìn xa hơn, sự thiếu hụt lòng tin và bảo đảm từ hai phía, đi kèm là những bất đồng chưa được dàn xếp trong những vấn đề đối nội lẫn đối ngoại, thì cũng không hẳn là bi quan khi dự đoán rằng, thỏa thuận này vẫn đối diện với nguy cơ chết yểu!

Mới nhất

x
Thỏa thuận san sẻ quyền lực trên chính trường Israel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO