Xã hội

Thời đại Hùng Vương trên đất Nghệ

Vĩnh Khánh 07/04/2025 05:00

Thời đại Hùng Vương và nhà nước Văn Lang - Âu Lạc là kết quả của một quá trình tiến hóa phát triển hàng chục vạn năm của người Việt cổ. Mảnh đất xứ Nghệ, ngay từ đầu đã là một phần lãnh thổ của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Không chỉ là truyền thuyết mà ngày nay điều này đã được khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ học... giải mã và khẳng định.

Từ truyền thuyết

Ngọc phả Hùng Vương, bản do Nguyễn Cố biên soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470) chép các truyền thuyết về các đời vua Hùng từ Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ cho đến khi Triệu Đà diệt An Dương Vương. Bản ngọc phả này, có đoạn chép về Kinh Dương Vương: “Vua thông minh thánh trí, vượt trội hơn tầm của Đế Nghi. Đế Minh muốn truyền ngôi báu để làm chính thống cho muôn nước. Nhưng Kinh Dương Vương cố nhường cho anh. Thế là Đế Minh lập Đế Nghi nối ngôi, cai trị phương Bắc, phong cho Kinh Dương Vương quay mặt về phương nam mà cai trị thiên hạ [tức là làm vua phương Nam], gọi tên là nước Xích Quỷ.

Kinh Dương Vương kính tuân chỉ dụ của vua cha, đem quân lính theo núi Nam Miên mà đi về phía nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô ấp [tức quốc đô]. Qua đất Hoan Châu (nay đổi là xứ Nghệ An; nơi đó là các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch thuộc huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, [núi non] muôn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 99 ngọn (Xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống).

bna_le-hoi-lang-vac-anh-tp(1).jpg
Lễ hội Làng Vạc. Ảnh: Tiền Phong

Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thống, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định nơi cho bốn phương triều cống.

Ngọc phả cũng chép rằng Kinh Dương Vương đi tuần du, gặp và nên duyên với Thần Long, là con gái vua Động Đình, lập nàng làm Cung vi chính khổn.

Vậy là đã rõ, Hồng Lĩnh ở xứ Nghệ là nơi định đô đầu tiên của Kinh Dương Vương, gặp gỡ và nên duyên với Thần Long rồi sinh ra Lạc Long Quân cũng là ở đó.

Nhiều thần tích ở Phú Thọ, Hà Tây còn nói rõ hơn, rằng Kinh Dương Vương lấy vợ cả ở Hoan Châu, sinh ra Lạc Long Quân ở Hồng Lĩnh, về sau mới tuần du ra Bắc, lấy hai chị em con một tù trưởng ở Thanh Hóa, lập thành cung phi thứ hai, thứ ba, lại ra Tuyên Quang, lấy con gái họ Ma, lập làm cung phi thứ tư rồi đặt nơi hành tại tại vùng Bạch Hạc (Việt Trì). Lạc Long Quân về sau cũng từ Hoan Châu ra Bắc, lấy Âu Cơ và thay cha cầm quyền bính, dần dần biến nơi hành tại ở Bạch Hạc thành kinh đô của nước Văn Lang. Truyền thuyết cũng nói đến cuộc tuần du của Hùng Vương từ Bắc vào miền Hoan Châu.

Ngọc phả Hùng Vương còn chép rằng, Vua Hùng đời thứ 18 là Hùng Tuyền Vương chiêm bao thấy điềm rắn lớn, sau sinh được hai nàng công chúa, chị là Tiên Dung, em là Ngọc Hoa. Tiên Dung sau được gả cho Chử Đồng Tử. Núi Quỳnh viên/Nam giới - một ngọn núi nhô ra biển ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) là nơi vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung từng vào lập chợ buôn bán rồi tu tiên đắc đạo ở đó.

Vậy là, theo truyền thuyết, có đến bốn thế hệ của thời đại Hùng Vương, từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân đến Hùng Tuyền Vương và Tiên Dung đều gắn bó và trở thành ký ức của người xứ Nghệ. Mà, sau truyền thuyết là bóng dáng của lịch sử, là tấm gương phản chiếu lịch sử dưới lớp màn huyền ảo.

download(1).jpg
Ảnh minh họa

Trong sử sách

Theo Liam C. Kelley - giáo sư Đại học Hawaii - một học giả nổi tiếng về lịch sử Đông Nam Á, đặc biệt là lịch sử Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Trung Hoa, thì Thái Bình Quảng Ký thời Tống có lẽ là tác phẩm sớm nhất còn tồn tại có nhắc đến Hùng Vương: “Đất Giao Chỉ màu mỡ. Di dân đến đấy ở. Bắt đầu biết gieo trồng. Đất ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh. Nên nay gọi ruộng ấy là hùng điền, dân ấy là hùng dân, có quân trưởng gọi là hùng vương”.

An Nam Chí Nguyên do Cao Hùng Trưng sống vào cuối thế kỉ 17 soạn, cũng trích dẫn đoạn văn trên nhưng có thêm mấy dòng: Lấy tên nước là Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút, truyền được 18 đời.

Đó là sách sử Trung Hoa. Còn sách Việt Nam đầu tiên ghi chép về Hùng Vương là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư khi viết: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang” . Thế nhưng sách này lại không nói Hùng Vương được truyền 18 đời. Sách An Nam Chí Lược đời Trần cũng không thấy chép. Chi tiết này xuất hiện trong Đại Việt sử lược (Việt Sử Lược) - khuyết danh, vào khoảng cuối đời Trần. Sách này cho biết: “nước Văn Lang của các vua Hùng có 15 bộ lạc, trong đó có bộ lạc Cửu Đức”. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì chép nước Văn Lang có 15 bộ, trong đó có bộ Cửu Đức. Sách Đại Việt địa dư toàn biên chép: “Nghệ An là đất Việt Thường đời Chu (1046 TCN - 256 TCN), Tượng Quân đời Tần (221 TCN - 206 TCN), Cửu Chân đời Hán (206 TCN - 220 SCN), Cửu Đức đời Ngô (229 - 280),...”.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Đời Hùng Vương xưa, Nghệ An thuộc đất Việt Thường”. Sách Nghệ An ký viết: “Nghệ An hai phần ba đất quận Cửu Chân thời Hán, tức là miền trung thổ nước Việt Thường”.

Như vậy, có thể thấy, xứ Nghệ từ đầu đã là vùng lãnh thổ của nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.

Đến những chứng cứ khảo cổ học

Thời đại Hùng Vương được xem là giai đoạn hình thành bản sắc văn hóa, truyền thống dựng nước. Nền tảng vật chất của nó ứng với các thời đại kim khí, kéo dài từ sơ kỳ thời đại đồ đồng đến sơ kỳ thời đại đồ sắt, có niên đại cách đây từ 4.000 năm đến 2.000 năm. Các nhà khoa học phân lập thành các nền văn hóa khảo cổ thuộc thời đại Hùng Vương gồm văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Ðồng Ðậu, văn hóa Gò Mun và văn hóa Ðông Sơn (tiền Đông Sơn và Đông Sơn).

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh rằng trong buổi bình minh của lịch sử, người vượn đã sinh sống ở vùng đất xứ Nghệ. Tại Hang Thẳm Ồm (xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đã tìm thấy các lớp trầm tích thời Cánh Tân, có niên đại cách nay từ ba triệu năm đến một vạn năm chứa răng xương nhiều loại động vật, trong đó có 5 răng người vượn đã có những đặc điểm của răng người hiện đại/người khôn ngoan (homo sapiens) và khẳng định rằng người nguyên thủy ở Thẳm Ồm đã ở vào giai đoạn tiến hóa cuối cùng của người vượn đang chuyển thành dạng người hiện đại và cách ngày nay khoảng 20 vạn năm.

Dấu vết các bộ lạc người nguyên thủy thuộc văn hóa Sơn Vi cuối hậu kỳ đá cũ (cách ngày nay từ 20.000 năm đến 12.000 năm) cũng đã được phát hiện ở vùng đồi gò dọc sông Lam, thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An) như ở đồi Dùng (Thanh Đồng), đồi Rạng (Thanh Hưng) và ở nhiều nơi khác ở Nghệ Tĩnh, trên các đồi thềm sông hay các hang núi. Cư dân Sơn Vi là những người hái lượm, săn bắt.

Các bộ lạc Sơn Vi trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại đã dần dần cải tiến công cụ của mình và từ đó phát triển sang một giai đoạn mới về trình độ phát triển, tạo ra một nền văn hoá mới mà khảo cổ học gọi là Văn hoá Hoà Bình thuộc thời đại đá mới. Trên địa bàn xứ Nghệ, đã tìm được dấu tích nền văn hoá này ở khá nhiều các hang động trong các dãy núi đá vôi thuộc các huyện ở Nghệ An: Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Tân Kỳ và Quỳ Châu. Các hang Thẳm Hoi (Con Cuông), Hang Chùa (Tân Kỳ) đã được khai quật và nghiên cứu. Niên đại của các di chỉ này được xác định cách ngày nay từ 9.000 năm đến 11.000 năm.

ten-18-vi-vua-hung-vuong-gio-to-hung-vuong-la-gio-vua-nao-202209071113310202.jpg
Ảnh minh họa.

Trong lịch sử các nền văn hoá khảo cổ Việt Nam thì giai đoạn tiếp theo của văn hoá Hoà Bình là văn hoá Bắc Sơn nhưng cho đến hiện nay thì dấu vết của văn hoá này chưa được tìm thấy nhiều ở xứ Nghệ ngoài một số rìu đá cuội được mài một phần rất nhỏ ở rìa dưới - công cụ đặc trưng của văn hoá Bắc Sơn.

Trong lúc đó, đã phát hiện văn hoá Quỳnh Văn của cư dân ven biển ở các di chỉ Cồn Thống Lĩnh (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), Phái Nam (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh),cách nay 5.000 - 6.000 năm. Dấu vết văn hoá này còn được tìm thấy trong nhiều cồn sò điệp ở Quỳnh Lưu và các huyện ven biển.

Tiếp tục văn hoá Quỳnh Văn, trên đất Nghệ Tĩnh đã phát hiện được dấu vết của văn hoá Bàu Tró, văn hoá của cư dân trồng lúa cuối thời đại đồ đá mới. Họ chính là hậu duệ của người Quỳnh Văn. Di chỉ quan trọng nhất của văn hoá Bàu Tró trên đất xứ Nghệ là Bãi Phôi Phối (Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Rú Trò (Thạch Lâm, Hà Tĩnh).

Cư dân Bàu Tró ở bãi Phôi Phối, Rú Trò đã phát triển kỹ thuật đồ đá đến đỉnh cao và có thể họ đã bắt đầu biết đến vật liệu đồng trong chế tác công cụ và vật dụng sinh hoạt. Đến di chỉ Lèn Hai Vai (Diễn Châu) thì được xem là điểm khởi đầu thời đại Đồ Đồng ở xứ Nghệ khi tìm được các mảnh gốm tương tự đã tìm được ở văn hoá Hoa Lộc thuộc thời đại Đồ Đồng, là sự chuyển hoá phát triển từ Đồ Đá sang Đồ Đồng tức là văn hóa tiền Đông Sơn(khoảng 2000 - 700 TCN).

Dấu tích văn hóa tiền Đông Sơn phân bố rộng khắp ở xứ Nghệ, tiêu biểu nhất là các di chỉ Đền Đồi (Quỳnh Lưu), Rú Trăn (Nam Đàn), Đồi Đền (Tương Dương). Ngoài ra còn có di chỉ Rú Cơm (Nghi Xuân) và nhiều dấu vết Đông Sơn được phát hiện ở dọc bờ sông Ngàn Cả, sông La…

Rú Trăn là di chỉ có chứng cớ rõ ràng nhất của nghề luyện kim và chế tác đồng. Cư dân ở Rú Trăn đã biết đúc đồng bằng khuôn hai mang ra các sản phẩm đồng thau, đồng pha với thiếc, có độ cứng cao hơn, thích hợp cho việc chế ra các loại công cụ lao động. Tại Rú Trăn, cũng đã tìm ra được những lưỡi cày, lưỡi cuốc bằng đồng. Nghề gốm trong giai đoạn này cũng rất phát triển, có dáng đẹp. Ngoài nồi đáy tròn còn có những chiếc bình có cổ cao, miệng loe, vai gãy và chân đế tròn. Trên vai bình có trang trí những đường chấm gốm những đoạn cong nối tiếp kiểu răng cưa.

Ở Bãi Phôi Phối tìm được nhiều bình gốm cổ cao, có vai, tô màu son. Đặc biệt là ở đây có bình gốm trang trí diềm hoa văn màu trắng. Một số đồ gốm giống đồ gốm Rú Trăn đã được phát hiện ở các di chỉ Đông Sơn ở Thanh Hóa chứng tỏ đã có sự giao lưu rộng rãi ở ngoài vùng lưu vực sông Lam và qua đó còn đón nhận những thành tựu kỹ thuật và văn hóa mới ở ngoài vào.

Sự tiếp xúc, giao lưu đó làm cho tính địa phương trong văn hóa của các khu vực giảm dần đi và dần hình thành những giá trị chung của người Việt cổ trong một nền văn hóa (tiền Đông Sơn) thống nhất phân bố suốt từ Lao Cai đến các tỉnh Bắc Trung bộ. Đó có thể xem là điểm khởi đầu thời kỳ lịch sử đất nước Văn Lang của các Vua Hùng.

Xứ Nghệ là miền đất có nhiều di chỉ văn hóa Đông Sơn ((khoảng 700 TCN - 200 SCN). Dấu vết văn hóa Đông Sơn được phát hiện ở dọc đôi bờ sông Lam, sông La, sông Hiếu. Quan trọng và có giá trị nhất là các di chỉ Làng Vạc (Nghĩa Đàn), Đồng Mỏm (Diễn Châu). Qua nghiên cứu hệ thống các di chỉ Đông Sơn trên địa bàn, các nhà khảo cổ đã phác họa được phần nào cuộc sống của cư dân xứ Nghệ trong thời đại Hùng Vương.

Theo đó, giai đoạn này nghề nông đã có sự phát triển và tiến bộ mới. Người ta đã cày ruộng bằng lưỡi cày đồng, và bằng sắt. Đã thuần hóa vật nuôi như trâu bò, lợn, gà, thậm chí cả voi. Năng suất lúa cao hơn, đã có lương thực để dành. Nghề đan lát, xe sợi và dệt vải phát triển. Nghề gốm phát triển, có nhiều nơi làm gốm với rất nhiều loại sản phẩm nhưng không còn tập trung trang trí hoa văn do đồ gốm đã trở nên thông dụng.

Có vai trò to lớn về kinh tế, xã hội và văn hóa thời kỳ này là sự phát triển của nghề luyện kim và chế tác kim loại. Nghề đúc đồng đã phát triển đến đỉnh cao ở làng Vạc và các di chỉ khác. Sản vật của nghề đúc đồng rất phong phú về chủng loại, không chỉ có công cụ sản xuất, vũ khí mà có rất nhiều loại vật dụng, đồ đựng như thạp, sanh, thố, âu, chậu… và tất cả đều được trang trí rất đẹp,có nhiều sản phẩm nổi tiếng với những đặc điểm riêng như trống đồng, rìu xéo, dao găm có cán trang trí bằng hình người hoặc các loài vật… Xứ Nghệ là một trung tâm trống đồng Đông Sơn. Ngoài những đặc trưng của văn hóa Đông Sơn trong cả nước, công cụ đồng ở Nghệ Tĩnh có những đặc điểm, truyền thống kỹ thuật riêng của địa phương đã hình thành từ giai đoạn trước (Rú Trăn), mép trên hay phần vai của lưỡi công cụ thường có một đường gờ nổi…

Khi nghề đúc đồng phát triển đến cực thịnh thì ở xứ Nghệ nghề luyện sắt ra đời. Tại Đồng Mỏm đã phát hiện được các lò luyện sắt thời Đông Sơn, chỉ trong một hố khai quật 115m2 đã có cả một công xưởng 6 lò luyện sắt. Ở xã Xuân Giang (Nghi Xuân) cũng đã phát hiện được dấu vết các lò luyện sắt cùng thời. Nghiên cứu cơ cấu lò, xỉ lò phát hiện được ở Đồng Mõm và Xuân Giang, các nhà khảo cổ xác định ở đây luyện sắt theo phương pháp hoàn nguyên trực tiếp, tức là dùng than để khử dần oxy của quặng sắt, nhiệt độ của lò có thể đạt tới 1.3000C- 1.4000C nên có chất lượng tốt, ít cacbon, tạp chất, dẻo, dễ gia công chế tác. Việc tìm ra cách luyện sắt bằng lò này là một sáng tạo độc đáo có ý nghĩa lớn lao của người Việt thời Đông Sơn/Hùng Vương. Từ luyện sắt người Nghệ thời đó đã chế tác ra nhiều loại công cụ và vũ khí bằng cách rèn hoặc đúc. Đồ sắt đã đóng vai trò cách mạng, đưa đời sống mọi mặt của cộng đồng người xứ Nghệ thời Đông Sơn/Hùng Vương lên một trình độ phát triển vượt bậc trong hành trình văn hóa, văn minh của mình.

Theo giáo sư Hà Văn Tấn thì lúc này con người đã ăn mặc đàng hoàng, phụ nữ chít khăn, mặc váy và thắt lưng dài chấm đất, đeo đồ trang sức ở tai, cổ tay và chân. Đàn ông không chỉ đóng khố ở trần mà còn mặc quần áo, tóc búi hoặc buộc, hoặc có thể để xõa. Qua các họa tiết hoa văn trên trống đồng, dao găm… có thể khẳng định lúc này hội họa và điêu khắc đã có mặt và gắn bó với cuộc sống. Và qua sự tồn tại và phát triển các loại trống và các loại lục lạc gắn với rất nhiều đồ trang sức, các loại chuông ta có thể nghĩ đến sự phát triển của âm nhạc trong đời sống của cư dân xứ Nghệ thời kỳ này.

Trình độ tư duy và óc tưởng tượng của người thời này đã phát triển và ra đời các hình thức văn học dân gian đầu tiên, kể cả các huyền thoại cũng có thể đã ra đời từ thời kỳ này. Đặc biệt khi nghiên cứu các mộ táng thời kỳ này, nhất là các mộ ở di chỉ Đồng Mỏm, cho thấy đã có sự phân hóa giàu - nghèo sâu sắc. Trong mộ táng Đồng Mỏm đã có sự bức tử người nghèo - nô lệ(?) theo chủ. Hiện tượng này cùng với việc chôn theo các đồ tùy táng nhưng có kích thước nhỏ hơn phải chăng người thời đó đã quan niệm về một thế giới bên kia sau khi chết?

Di chỉ khảo cổ học Đồng Trương (Anh Sơn) là một di chỉ đa văn hóa hiếm hoi, quan trọng khi tại đây phát hiện nhiều di vật trải từ văn hóa Hòa Bình đến Đông Sơn,có cả đồ đá, kim khí, thủy tinh, chứng minh sự tồn tại và phát triển liên tục của cư dân trên đất Nghệ.

Các nghiên cứu về các di chỉ Làng Vạc, Xuân An, Bãi Cọi, Bãi Phôi Phối đã chứng minh có sự tiếp xúc của cư dân xứ Nghệ với các nền văn hóa khác. Khuyên tai hai đầu thú - một di vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh đã được tìm thấy ở nhiều di chỉ Đông Sơn ở Nghệ Tĩnh.

Kết quả nghiên cứu văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở Xứ Nghệ chứng minh con người ở đây đã từng bước hoàn thiện mình, văn hóa hóa chính bản thân mình và kiến tạo nên hành trình, giá trị của mình trong dòng chảy văn hóa thời đại Hùng Vương mà bấy lâu nay ẩn mình trong các truyền thuyết và ghi chép sơ sài của sách xưa.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Thời đại Hùng Vương trên đất Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO