“Thời đại” Merkel đang kết thúc: Cơ hội hay thách thức
(Baonghean) - Bà Angela Merkel sẽ không tiếp tục tranh cử chức Thủ tướng Đức sau khi kết thúc nhiệm kỳ cũng như Chủ tịch Đảng CDU thuộc liên minh cầm quyền. Tuyên bố này được xem dấu mốc bắt đầu sự kết thúc “thời đại Merkel” đồng thời mở ra một chương mới không chỉ cho nước Đức mà cả châu Âu. Chỉ có điều tương lai đó đang rất khó đoán định.
"Sự trừng phạt” bằng lá phiếu của cử tri
Sau gần 2 thập niên là người lãnh đạo của đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo CDU, Thủ tướng Angela Merkel quyết định sẽ rời bỏ cương vị này và không tái tranh cử chức chủ tịch đảng vào tháng 12 tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ không tranh cử Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo. Ảnh: Reuters |
Bà cũng khẳng định nhiệm kỳ thứ tư này sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng với tư cách là Thủ tướng Đức. Tuyên bố của bà Merkel vào chiều muộn hôm 29/10 gây bất ngờ, thậm chí gây “sốc” cho nhiều người Đức vốn đã quen với sự lãnh đạo của một vị “nữ tư lệnh” kể từ năm 2005 đến nay.
Thế nhưng với những nhà quan sát, đây là cái kết không thể khác và đã được báo trước với chính trường Đức lẫn cá nhân Thủ tướng Merkel.
Cuộc tổng tuyển cử liên bang hồi tháng 9/2017 với chiến thắng nhọc nhằn của liên đảng Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cũng như cuộc khủng hoảng trong việc thành lập chính phủ liên minh mới ngay sau đó chính là điểm khởi đầu, báo hiệu một nhiệm kỳ không suôn sẻ của bà Merkel.
Và các cuộc bầu cử địa phương diễn ra trong tháng này đã “hiện thực hóa” cho những dự báo đó. Vào giữa tháng 10, cuộc bầu cử ở bang Bavaria chứng kiến đảng CSU đánh mất đa số tuyệt đối của mình và phải nhận kết quả kém nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Mới nhất, hôm 28/10, cả hai đảng CDU và Dân chủ xã hội (SPD) cũng có những kết quả rất kém ở bang Hessen.
Những kết quả này được xem như “sự trừng phạt” bằng lá phiếu của cử tri Đức với đại liên minh cầm quyền. Nguyên nhân không gì khác ngoài việc cử tri không hài lòng với các chính sách mà chính phủ liên minh của 3 đảng gồm CDU, CSU và SPD thực hiện trên phạm vi toàn bộ liên bang, trong đó nổi bật nhất là chính sách về người tị nạn.
Kể từ năm 2015 đến nay, chính sách “mở cửa” đón nhận hơn 1 triệu người tị nạn do Thủ tướng Merkel khởi xướng bị chỉ trích nặng nề. Người ta cho rằng chính sách này đã phá hỏng kết cấu trong xã hội Đức, gây ra những mâu thuẫn về văn hóa cũng như tôn giáo.
Ngoài ra, việc chính phủ liên bang bao năm nay quá “thắt lưng buộc bụng” dù Đức là nước có sức mạnh tài chính hàng đầu châu Âu, hay việc chính phủ chậm trễ trong cải cách hệ thống bảo hiểm y tế cũng là những nguyên nhân khiến nhiều cử tri “quay lưng” với chính phủ của Thủ tướng Merkel.
Trong bối cảnh như vậy, liên đảng cầm quyền cũng tỏ rõ sự lục đục khi hai đảng CSU và SPD cho rằng họ bị liên lụy vì đã liên minh với đảng CDU của bà Merkel. Chủ tịch đảng SPD thậm chí lên tiếng về khả năng rút khỏi liên minh vào đầu năm tới.
Sức ép cả trong nội bộ liên minh lẫn ngoài xã hội khiến Thủ tướng Merkel không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra lộ trình để dần rút khỏi chính trường.
Quyết định này được cho là kịp thời, vừa nhằm xoa dịu các chỉ trích của cử tri và các đảng đối lập nhằm vào liên đảng cầm quyền, vừa tạo một bước đệm cho quá trình chuyển giao và tìm người kế cận trong đảng CDU.
Điều gì phía trước?
Cá nhân Thủ tướng Merkel coi quyết định của mình là cơ hội để “mở ra một chương mới” cho nước Đức. Tuy nhiên, từ nay đến khi hoàn toàn rút khỏi sân khấu chính trị, bà Merkel sẽ phải “chiến đấu cho sự tồn tại chính trị” của mình.
Mặc dù luật pháp Đức không bắt buộc Thủ tướng phải là người đứng đầu một đảng phái chính trị nào đó, nhưng theo truyền thống, đây được coi là chìa khóa thành công cho bất kỳ cá nhân hay đảng phái nào trong việc lãnh đạo đất nước.
Chính sách mở cử với người tị nạn của bà Merkel gây chia rẽ trong xã hội Đức. Ảnh: Getty |
Nếu bà Merkel không còn là lãnh đạo Đảng CDU, trong thời gian tại vị còn lại, uy tín cũng như tiếng nói của bà về các chính sách của chính phủ sẽ bị suy giảm đáng kể. Đó là chưa kể, nếu đại liên minh hiện nay tan rã, một cuộc bầu cử sớm sẽ phải tiến hành và bà Merkel có thể phải kết thúc sớm nhiệm kỳ thủ tướng.
Giới quan sát cho rằng, nhiệm kỳ cuối của bà Merkel tồn tại bao lâu tùy thuộc vào người thay thế bà làm lãnh đạo đảng vào tháng 12 tới. Người đó gần như chắc chắn sẽ là ứng cử viên mà CDU đề cử để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tiếp theo chọn ra Thủ tướng sau khi bà Merkel hết nhiệm kỳ.
Nếu đảng CDU bầu một người “thân tín” với bà Merkel, như Tổng thư ký đảng Annegret Kramp-Karrenbauer hoặc Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier, thì bà Merkel sẽ vẫn kiểm soát được CDU và tại nhiệm Thủ tướng.
Nhưng nếu nhà lãnh đạo tiếp theo là một người đối lập trong đảng, tình hình sẽ phức tạp hơn và khả năng một cuộc bầu cử sớm sẽ đến nhanh hơn.
Ở góc độ rộng hơn, dư luận quan tâm không chỉ là việc bà Merkel tại vị bao lâu mà là ai sẽ là người kế nhiệm bà cho vị trí Thủ tướng. Sự kết thúc “kỷ nguyên Merkel”, người được coi là “biểu tượng của sự ổn định” sẽ đặt nước Đức trước tương lai nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh cả đối nội lẫn đối ngoại còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp.
Trong nước, vấn đề nhập cư, sự tăng trưởng của nền kinh tế đang đặt ra gánh nặng cho các nhà lãnh đạo Đức. Về đối ngoại, chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu đều là những thách thức cho nước Đức trong vai trò “đầu tàu EU” phải đối mặt.
Châu Âu bất an
Không chỉ chính trường Đức xáo trộn, quyết định rời chính trường của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khiến cho châu Âu không khỏi lo lắng. Phải khẳng định rằng trong suốt hơn 10 năm là Thủ tướng Đức - kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), bà Merkel được coi như là lãnh đạo thật sự của EU.
Bà để lại những dấu ấn quan trọng về kinh tế và ngoại giao tiêu biểu như cách bà xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009 hay trong các hồ sơ nóng của quốc tế như hạt nhân Iran, khủng hoảng Ukraine, Syria... Bà cũng là nhân tố trụ cột giúp duy trì quan điểm thống nhất, đoàn kết toàn khối EU.
Quyết định về kế hoạch “nghỉ hưu” của bà Merkel được đưa ra vào thời điểm EU đang đứng trước hàng loạt thách thức và bất ổn, đáng kể nhất là tính liên kết của khối đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Thủ tướng Angela Merkel nhiều năm ở vị trí số 1 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Ảnh: EPA |
Sự ra đi của nước Anh (Brexit), sự trỗi dậy của các đảng cực hữu mang tư tưởng dân túy đang đe dọa những giá trị cốt lõi của khối liên minh lớn nhất thế giới này. Ngay tại Đức, các đảng dân túy cũng đang nổi lên mạnh mẽ, tiêu biểu là đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).
Đảng cự hữu non trẻ nàyđã lần đầu tiên giành ghế tại Nghị viện Liên bang và sau các cuộc bầu cử bang vừa qua thì AfD đã có ghế tại tất cả 16 Nghị viện bang của Đức. Với sự thăng tiến hiện nay của AfD cũng như nhiều đảng cực hữu và dân túy khác tại châu Âu, sẽ là mối đe dọa với các Đảng truyền thống trong kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019.
Trong bối cảnh như vậy, sự rút lui khỏi sân khấu chính trị của bà Merkel sẽ là cơn ác mộng thật sự với châu Âu. Nếu mọi thứ không được kiểm soát, quá trình chia rẽ chính trị ở châu Âu sẽ diễn ra ngày càng phức tạp. Chính vì thến ngay từ lúc này có lẽ cả EU và nước Đức sẽ phải làm quen để thích ứng với một sự thay đổi mới ở phía trước, giai đoạn “hậu Merkel”./.