Thời thế thay đổi rồi!
Hớp ngụm nước chè xanh rồi nuốt đánh ực một cái như để cho trôi đi nỗi bực tức đang dâng lên, bà Cu thì thào với bà Ba rằng, nhà Tam, nhà Tứ rồi nhà Hùng, nhà Hợi… đều thuộc diện có của ăn của để như nhà bà mà sao vẫn thuộc diện hộ nghèo. Còn nhà bà thì lại không, cho dù đã xoay trở đủ cách rồi mà vẫn không sao lọt được vào “danh sách đặc biệt đó”.
(Baonghean) - Hớp ngụm nước chè xanh rồi nuốt đánh ực một cái như để cho trôi đi nỗi bực tức đang dâng lên, bà Cu thì thào với bà Ba rằng, nhà Tam, nhà Tứ rồi nhà Hùng, nhà Hợi… đều thuộc diện có của ăn của để như nhà bà mà sao vẫn thuộc diện hộ nghèo. Còn nhà bà thì lại không, cho dù đã xoay trở đủ cách rồi mà vẫn không sao lọt được vào “danh sách đặc biệt đó”.
Nghe vậy, bà Ba mới khẽ khàng “Mình nỏ nghèo thì lọt vô đó mần chi. Vẻ vang chi với cái tên hộ nghèo ”. Bà Cu liền giãy nảy lên, là hộ nghèo con cháu đi học hay nhà có ốm đau đi viện là được miễn giảm kha khá. Rồi còn được hỗ trợ, ưu đãi nhiều thứ khác nữa. Không vẻ vang gì, nhưng mà lợi lộc không ít. Bây giờ ai mà chẳng cầu lợi. Còn danh “có thì có mà nỏ có thì thôi, có ai ăn được danh mà sống mô!”, bà Cu kết luận.
Bà Ba nín thinh không nói năng gì nữa cả. Bà nhớ lại thời còn HTX, “rong công phóng điểm” làm ăn chẳng đến đầu đến đũa nên quanh năm thiếu gạo, đói cơm. Vậy mà khi Tết đến, Nhà nước cho tiêu chuẩn mỗi xóm có hai hộ nghèo, mỗi hộ nghèo được ba cân gạo. Cả xóm họp đến tận khuya, bàn cãi nát nước mà vẫn không xong vì chẳng ai chịu nhận là nhà mình nghèo cả. Cho dù, có nhà ăn khoai, ăn sắn thay cơm đã cả tháng ròng. Cuối cùng phải nhìn vào nước da nhà ai xanh xao nhất thì bắt nhà đó nhận gạo. Hồi đó đói kém vậy mà sao người ta trọng danh dự đến thế. Chẳng bù cho bây giờ, ai cũng đủ ngày ba bữa cơm, có đến nỗi nào đâu. Vậy mà vẫn cố tìm mọi cách tranh giành bằng được hai chữ “hộ nghèo”, bất chấp nghĩa xóm, tình làng, bất chấp thực tế đời sống của họ thế nào. Bà chợt nhớ ra là đã lâu lắm rồi người ta không còn nấu nước chè xanh rồi mời nhau đến uống; nhà có giỗ chạp cũng chẳng còn mang đĩa xôi nhỏ biếu hàng xóm hay mổ con lợn thì mang một đĩa lòng nóng gọi là có miếng ngon thì nhớ đến nhau!
Đúng là thời thế thay đổi thật rồi! Từ trước tới nay người ta vẫn cứ nghĩ văn hóa xóm, làng là bền vững mãi, không gì làm cho mai một được, nhưng thực tế thì không phải. Lối sống thực dụng đã len lỏi khắp mọi nơi, phá vỡ và làm mất đi nhiều thứ quý giá. Phải làm gì và làm như thế nào để giữ lại được những giá trị tinh thần tốt đẹp vốn có sau lũy tre làng. Đó chính là mong muốn và mục đích hướng tới của chuyên mục này: Quanh ấm chè xanh.
Nông Phu