Thông điệp cuộc diễn tập hạt nhân chiến thuật của Nga gửi tới phương Tây là gì?

Hoàng Bách 07/05/2024 08:31

(Baonghean.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/5 đã ra lệnh tiến hành một cuộc diễn tập nhanh về sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Quân khu Nam, giáp biên giới Ukraine. Phản ứng của Moskva được đưa ra sau những tuyên bố mang tính leo thang từ các đồng minh của Mỹ về xung đột Ukraine.

Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng ở Moskva đều nhấn mạnh trong các tuyên bố công khai rằng, cuộc diễn tập nhằm mục đích cảnh báo Mỹ và các đồng minh không leo thang xung đột ở Ukraine thêm nữa.

Điện Kremlin cũng nhiều lần tuyên bố,trong khi phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga đưa ra các mối đe dọa hạt nhân, thì học thuyết hạt nhân của Moskva đã được đưa ra vào tháng 7 năm 2020 và vẫn không thay đổi.

6639029f20302737ae1dfeb3.jpg
Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn cơ động Iskander. Ảnh: Sputnik

Các cuộc diễn tập nhanh

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 6/5, mục đích của các cuộc diễn tập này nhằm giải quyết “các khía cạnh thực tế của công tác chuẩn bị và triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược”, cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng của cả trang thiết bị và nhân sự, “nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và chủ quyền của Nga”.

Các cuộc diễn tập sẽ diễn ra tại Quân khu Nam, giáp giới trực tiếp với Ukraine. Có trụ sở tại Rostov-on-Don, đây là quân khu nhỏ nhất của Nga và bao gồm Crimea, Kavkaz, các khu vực Rostov, Volgograd và Krasnodar, cũng như Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, Vùng Kherson và Zaporozhye.

Kho hạt nhân chiến thuật của Nga

Đầu đạn có sức công phá đo bằng kiloton TNT - chẳng hạn như vũ khí được Mỹ sử dụng để tấn công các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 4 năm 1945 - hiện được coi là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chúng được thiết kế để sử dụng chống lại các mục tiêu trên chiến trường, dù là đội hình chiến trường hay các vị trí chiến đấu kiên cố.

Đầu đạn hạt nhân chiến thuật có sức công phá 5-50 kiloton có thể được gắn trên tên lửa đạn đạo 9M723-1 hoặc tên lửa hành trình 9M728, cả hai đều được phóng từ tổ hợp Iskander-M. Các đầu đạn tương tự có thể được gắn trên các tên lửa hành trình Kh-47M2 Kinzhal và Kh-32 được trang bị trên máy bay ném bom của Nga.

Một số hệ thống pháo binh cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật có sức công phá từ 2-2,5 kiloton, được lắp vào đạn pháo 152 mm và đạn cối 240 mm.

Nga ước tính có gần 6.000 đầu đạn hạt nhân với nhiều khả năng công phá khác nhau. Một lượng đầu đạn hạt nhân chiến thuật chưa xác định đã được triển khai tại Belarus vào năm ngoái, như một phản ứng trước việc các thành viên NATO cung cấp đạn urani nghèo cho Ukraine.

Mỹ hiện có khoảng 180 quả bom hạt nhân chiến thuật được triển khai tại 6 căn cứ ở châu Âu – 2 ở Italy và 1 ở Bỉ, Đức, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ tại Vacsava cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận các vũ khí này, và Moskva phản hồi rằng nếu vậy họ sẽ coi Ba Lan là mục tiêu ưu tiên.

Thông điệp gửi phương Tây

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, hôm 6/5, các cuộc diễn tập hạt nhân chiến thuật đang diễn ra “trong bối cảnh những tuyên bố hiếu chiến gần đây của các quan chức phương Tây và những hành động gây bất ổn nghiêm trọng do một số nước NATO thực hiện” liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Bộ này cho biết thêm, chính sách của khối do Mỹ dẫn đầu nhằm gây ra một “thất bại chiến lược” đối với Nga đang dẫn họ tới “sự leo thang hơn nữa trong cuộc khủng hoảng Ukraine hướng tới một cuộc xung đột quân sự công khai” giữa NATO và Moskva.

Bộ này lấy ví dụ bằng cách viện dẫn các tuyên bố của Ba Lan về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan, cũng như động thái hạt nhân gần đây của Pháp và phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron về khả năng điều binh lính Pháp và các nước NATO khác tới Ukraine.

65f306df20302751723ce976.jpg
Điện Kremlin. Ảnh: Getty

Học thuyết hạt nhân của Nga

Theo sắc lệnh được Tổng thống Vladimir Putin ký vào tháng 7/2020, kho vũ khí hạt nhân của Moskva nhằm ngăn chặn hành vi gây hấn từ bên ngoài chống lại Nga.

Học thuyết này “có tính chất phòng thủ, nhằm duy trì tiềm lực hạt nhân ở mức đủ để đảm bảo răn đe hạt nhân và đảm bảo bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, ngăn chặn kẻ thù tiềm tàng gây hấn với Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh của mình, và - trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự - ngăn chặn sự leo thang thù địch và chấm dứt xung đột theo các điều kiện được Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh của nước này chấp nhận”.

Sắc lệnh nêu rõ, Nga coi vũ khí hạt nhân “chỉ là một phương tiện răn đe” và coi việc sử dụng chúng là “một biện pháp cực đoan và bắt buộc”.

Học thuyết nêu ra những điều kiện mà theo đó Tổng thống Nga sẽ lấy làm căn cứ để sử dụng vũ khí nguyên tử. Đặc biệt quan trọng là Mục 17, trong đó nêu rõ rằng Nga “bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại nước này và/hoặc các đồng minh của nước này, cũng như trong trường hợp hành vi gây hấn chống Liên bang Nga bằng cách sử dụng vũ khí thông thường, khi chính sự tồn vong của nhà nước bị đe dọa”.

Cáo buộc và phản bác

Hết lần này đến lần khác kể từ khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, Mỹ đã cáo buộc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và thậm chí cân nhắc việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại chính phủ ở Kiev. Moskva đã nhiều lần bác bỏ những tuyên bố như vậy là suy đoán vô căn cứ.

Chẳng hạn, RT cho biết, một phóng viên CNN hồi tháng 3 cho rằng Washington đã bắt đầu "chuẩn bị kỹ lưỡng" cho khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vào cuối năm 2022, khi lực lượng của Kiev tiến vào Kharkov và Kherson. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông “chưa bao giờ nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật” dù “nhiều tình huống khác nhau” đã nảy sinh trên chiến trường.

Trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp Nga vào cuối tháng 2, ông Putin đã cáo buộc phương Tây đang đùa giỡn với thảm họa hạt nhân.

“Tất cả những gì họ đang nghĩ ra bây giờ, thứ mà họ đang khiến thế giới sợ hãi, tất cả đều thực sự đặt ra mối đe dọa về một cuộc xung đột liên quan đến vũ khí hạt nhân, và do đó, dẫn đến sự hủy diệt nền văn minh. Họ không hiểu điều này sao?” Tổng thống Nga cho biết vào thời điểm đó.

Đầu năm nay, trong khi Quốc hội Mỹ đang tranh luận về dự luật viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Kiev, Mỹ đã đưa ra những cáo buộc mơ hồ về khả năng hạt nhân bí mật của Nga trong không gian. Điện Kremlin đã phủ nhận những đồn đoán như vậy.

Theo Theo RT
Copy Link

Mới nhất

x
Thông điệp cuộc diễn tập hạt nhân chiến thuật của Nga gửi tới phương Tây là gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO