Thông điệp từ truyền tích Bàu Sen

(Baonghean) - Cùng với khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc phát lộ mấy mươi năm trước, Thị xã Thái Hòa (Nghệ An) hiện còn trên ba chục di tích, danh thắng vừa được cơ quan chuyên quản kiểm định, khoanh vùng bảo vệ...

Trong số những di tích, danh thắng trên địa bàn Thị xã Thái Hòa, truyền tích đậm màu huyền thoại về di tích danh thắng Bàu Sen dường như chưa tài liệu nào ghi lại. Khi biết tin chính quyền Thị xã tiến hành tu bổ, tôn tạo, xây kè toàn bộ bờ bao Bàu Sen, tôi lên Thái Hòa tìm hiểu.

Đi giữa chông chênh thực và ảo, truyền thuyết và huyền thoại, tôi tin Bàu Sen là hệ quả của dòng nước ngầm xé đất vọt lên, nhấn chìm toàn bộ người, nhà cửa, tài sản của ngôi làng cổ ấy trong nháy mắt. Xóa trắng cả một ngôi làng rõ là thảm họa quá sức chịu đựng của con người nên không nỡ chép thành văn, về sau cư dân quanh vùng đưa vào truyền tích huyền thoại để nhắn nhủ hậu thế: Phải biết ứng xử thân thiện với môi sinh môi trường thì con người mới có được cuộc sống yên bình.

Vì chưa được ghi thành văn, tôi không tránh khỏi cảm giác bị ngợp khi gom nhặt từng mẩu truyền tích-huyền thoại Bàu Sen vỡ vụn trong ký ức dân gian. Bắt xe ôm sục tìm các bậc cao niên về tuổi đời và về thời gian định cư quanh khu vực di tích, trên đường ra hiện trường hố huyệt vùi chôn không biết bao nhiêu cư dân một ngôi làng như trong truyền tích, tôi vào dâng hương Đền Bàu Sen. Thật buồn là bà thủ từ đền làm việc bằng tâm nguyện cũng không biết ba pho tượng thờ trong đền là ai, chức tước gì, chỉ biết rằng đền rất linh thiêng, đêm Rằm, mồng Một hằng tháng, đông người về đền dâng lễ vật. Mấy tín đồ Phật tử kinh doanh tại chợ Hiếu rỉ tai tôi rằng rất nhiều oan hồn tìm về đền hưởng khói hương.

                                                  Danh thắng Bàu Sen.

Sục sạo quanh khu vực Bàu Sen, mới hay danh thắng này rộng hơn hồ Hoàn Kiếm giữa Hà Nội, đến như anh xế xe ôm ở phường Hòa Hiếu cũng không thuộc đường ngang lối tắt nên đã dẫn tôi lạc vào ngõ cụt thuộc khối Tân Thành. Đành để anh ta dừng chờ ngoài cổng, tôi lấy cớ xin nước uống ghé vào một ngôi nhà. Chủ nhà độ trung niên, cụ thân sinh chủ nhà mới là cao niên tôi đang muốn tìm gặp. Cụ tên là Trần Khắc Quý, 79 tuổi, có 6 con trai gái, cháu vài chục đứa, 2 chắt nội ngoại. Biết tôi từ Vinh lên, kiếm tìm truyền tích Bàu Sen, trí nhớ của cụ như được dịp “xanh lại” từng chi tiết. 

Trước năm 1946, gia đình bố mẹ là Trần Khắc Túc-Nguyễn Thị Châu ở xóm Hạ Trung, Thị xã Vinh (nay thuộc phường Vinh Tân, TP. Vinh), tháng 3/1946, bấy giờ bé Quý 13 tuổi, đã cùng bố mẹ và 3 vạn người dân Thị xã Vinh hưởng ứng “vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến”, tự tháo dỡ phá bỏ nhà cửa, gồng gánh dắt nhau rời Vinh. Đi mà không biết điểm dừng, không biết sống chết ra sao, không biết ngày trở lại. Hôm sau, gặp vùng đất bỏ hoang thì dừng chân cắm lều, mãi sau mới biết là địa phận xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn. Trong cải cách ruộng đất, gia đình rời Nghĩa Trung lên định cư tại Thái Hòa, tại đây anh Quý tham gia du kích được nghe các vị cao tuổi kể lại...

                                                      Đền Bàu Sen.

...Theo truyền tịch xưa xa, quần cư làng Hiếu sống tập trung ven sông sát dưới chân núi. Đàn bà chăm chỉ ruộng nương, quay tơ dệt vải; đàn ông lên rừng săn bắn hái lượm, ra sông đánh bắt cá tôm. Thời ấy, Thần sông Hiếu có con trâu trắng to lớn khác thường, vì sống dưới thuỷ cung đã lâu, trâu trắng muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi trần gian. Chờ Thần đi vắng, trâu trắng rẽ nước lên bờ ngắm cảnh sơn thủy hữu tình chỉ có ở trần gian. Quá mải mê nên quên cả đường về, trâu trắng bị lạc vào làng Hiếu, dân làng hè nhau vây bắt, luân phiên chăn dắt để chờ gia chủ đến chuộc. Ngày này tháng khác, chẳng thấy ai đến chuộc, trong khi trâu trắng thì chẳng biết cày bừa, dân làng họp bàn quyết định giải quyết “cái của nợ” bằng cách giết thịt chia đều cho mọi nhà.

Trong  làng có goá phụ nuôi 2 con thơ, cảm thương trâu trắng nên họ không đồng ý mổ thịt. Nhưng vì đơn thương độc mã, cuối cùng thiểu số phải phục tùng “quyết sách” của đa số. Nhận phần thịt của làng chia, mẹ con góa phụ không nỡ ăn mà bí mật mang ra khỏi làng chôn cất. Đêm ấy, trâu trắng hiện về báo mộng cho biết dân làng đã mổ thịt linh vật của Thần sông Hiếu, Thần rất tức giận và sẽ trừng phạt cả làng. Vì mẹ con góa phụ tâm thành thân thiện nên trâu trắng trả ơn báo mộng để mẹ con góa phụ kịp lánh nạn.

Tỉnh giấc, goá phụ đến từng nhà báo cho dân làng biết nhưng chẳng ai tin, lại cho rằng goá phụ hoang tưởng nghĩ ra ác mộng. Đêm hôm sau, góa phụ tiếp tục mộng trâu trắng hiện về hối thúc sáng mai phải rời khỏi làng. Đang đêm, mẹ con góa phụ lại đến từng nhà cấp báo tin dữ, mọi người vẫn không tin. Trời hửng sáng mẹ con goá phụ đành rời khỏi làng. Góa phụ vừa ra khỏi làng, bổng sấm sét đùng đùng, đất trời ngùn ngụt bão dông, đang mưa to  gió lớn bỗng có tiếng nổ rung chuyển đất trời. Rồi trời quang mây tạnh mặt đất trở lại yên bình, mẹ con góa phụ trở về thì làng đã thành hồ nước mênh mông, dìm sâu toàn bộ cư dân, nhà cửa, vườn tược… dưới lòng hồ, mẹ con góa phụ khóc van tìm gọi dân làng, nhưng không thấy bóng ai!

Xót thương bao người phải hứng chịu khùng nộ của Thần sông Hiếu, góa phụ càng ân hận vì không thuyết phục được dân làng mới ra thảm cảnh này. Góa phụ dắt 2 con ra tảng đá bên hồ đứng khấn xin  thần  linh chứng giám lòng thành của  mình với dân làng, cũng vì dân làng không chịu nghe theo nên mới bị Thần bắt tội, và khẩn xin trời đất cho góa phụ được chết theo để tròn đạo nghĩa với dân làng. Góa phụ dặn hai con chăm chỉ làm ăn, tu nhân tích đức thay mẹ khói hương cho cả làng, đêm Rằm mồng Một ra bờ hồ cầu nguyện thần linh cho chuộc lỗi của dân làng.

Dứt lời, góa phụ gieo mình xuống lòng hồ mênh mông. Nơi góa phụ gieo mình hôm sau mọc lên mấy khóm sen thơm ngát, dần lan khắp mặt  hồ, hiện thân của người góa phụ tâm thành, thủy chung với muôn loài, hiếu nghĩa với dân làng, hồ ấy về sau đặt tên là  Bàu  Sen. Tảng  đá ba mẹ  con goá phụ đứng thề gọi là đá thề, nay  vẫn còn, trong làng có chuyện khúc mắc nghi kỵ nhau, người trong cuộc tự giác dắt nhau ra đứng trên tảng đá cùng thề để minh chứng lòng thành của mình.  Ngôi miếu do hai  người  con lập dựng thờ oan hồn của toàn bộ dân làng, đời sau đến lập nghiệp quanh Bàu Sen đã tôn tạo thành ngôi Đền Bàu rất linh thiêng. Những dịp làng có việc chung đều sắm lễ vật vào đền cầu  xin, từ dưới lòng hồ bỗng nổi lên vô số bát, đĩa, nồi, niêu, chum vại… để dân làng vớt lên sử dụng, xong  việc chung lau rửa cẩn thận trả lại lòng hồ. Có một người tham lam dấu bớt vật dùng không trả liền bị chết bất đắc kỳ tử, sau vụ ấy việc mượn vật dùng không linh ứng nữa.

Truyền tích Bàu Sen giúp tôi có thêm can đảm để nhìn nhận những điều tốt đẹp được vun trồng sàng lọc từ các thế hệ tiền nhân, mặc dù có những lúc những nơi nó bị toan tính cực đoan vùi lấp dưới lớp lớp sóng đời. Nhưng rồi, nhiều chục năm sau, thậm chí hằng trăm năm sau, người đời gặp thiên thời-địa lợi-nhân hòa, buộc phải cất công tìm lại những giá trị đích thực ngỡ như đã bị mất vĩnh viễn.

Không đơn thuần như một số huyền thoại từng cuốn hút tuổi thơ tôi, truyền tích Bàu Sen như minh chứng cho quan niệm "vạn vật hữu linh" của người xưa.  Tổ tiên ta không coi mọi sự vật là vô tri vô giác. Từ quan niệm như vậy, người xưa luôn ứng xử thân thiện bình đẳng với các loài cùng chung sống, họ luôn ứng xử với sự vật có trong tự nhiên như ứng xử giữa người với người.

Thái Hòa đang giữa ngổn ngang công trình xây dựng và bộn bề lo toan để hiện thực khát vọng, cũng là mục tiêu đã ghi trong Nghị quyết “Xây dựng Thái Hòa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An”. Nhưng về lâu dài, để mọi người dân nhìn nhận đúng, đánh giá đúng sức mạnh siêu phàm của tự nhiên, qua đó có hành vi ứng xử thận trọng với môi sinh môi trường, tôi nghĩ, thử thách lớn đối với Thái Hòa không chỉ hạ tầng xứng tầm một đô thị loại 3, mà là định hướng chiến lược đánh thức - phát huy giá trị lịch sử văn hóa to lớn lâu nay bị lãng quên.

Giao Hưởng

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.