Thông điệp 'vì hòa bình' từ nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai
Lãnh đạo Mỹ - Triều sau khi đến Việt Nam đều cảm ơn Hà Nội đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh, thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 27-28/2. Sự kiện này diễn ra đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 20 năm được UNESCO vinh danh là "thành phố vì hòa bình".
Ông Hoàng Văn Nghiên - Chủ tịch Hà Nội giai đoạn 1994-2004 cho hay, vào năm 1999 tại La Paz (thủ đô Bolivia), UNESCO đã trao giải thưởng thành phố vì hòa bình cho 5 địa phương thuộc năm châu lục trên thế giới. Hà Nội là nơi duy nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này bởi đáp ứng các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.
"Đây là danh hiệu do quốc tế tôn vinh để ghi nhận những đóng góp của Hà Nội trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và xây dựng đô thị", ông Nghiên nói.
Pa nô chào mừng thượng đỉnh Mỹ - Triều được dựng lên trên nhiều bùng binh các tuyến phố lớn ở Hà Nội. Ảnh: PV. |
Là người trực tiếp chủ trì việc làm hồ sơ theo đề nghị của UNESCO và đến nhận danh hiệu này, ông Nghiên phân tích thêm, năm 1999 là thời điểm thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
"Đây là đô thị trầm tích nhiều giá trị văn hóa và lịch sử, cũng là thủ đô của đất nước thường xuyên phải chịu đựng các cuộc chiến tranh khốc liệt. Cha ông ta bao đời phải đổ máu xương để thành phố có hòa bình như hôm nay", ông giải thích lý do thủ đô lấy slogan mới "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" sau khi được UNESCO vinh danh.
Theo ông Nghiên, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức tại Hà Nội vào dịp 20 năm thành phố được UNESCO vinh danh mang nhiều ý nghĩa. "Lịch sử bán đảo Triều Tiên có những điểm tương đồng với Việt Nam về chiến tranh và sự chia cắt. Đã có những người lính Triều Tiên sang Việt Nam chiến đấu, hy sinh. Bạn cũng như ta đều có khát vọng hòa bình. Việt Nam từng có thời gian thù địch với Mỹ, nhưng hiện giờ hai nước là đối tác toàn diện. Tiếp sau cuộc gặp lần đầu ở Singapore, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội cho thấy lãnh đạo hai bên đang nỗ lực hướng tới hòa bình. Đó là những thông điệp rất ý nghĩa", ông Nghiên chia sẻ.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc hội kiến trưa 27/2. Ảnh: Ngọc Thành |
Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, thông điệp "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" giờ đây cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn là thủ đô của một đất nước hòa bình, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân, du khách và các sự kiện quốc tế quan trọng.
Theo ông Nghị, có nhiều nguyên nhân để Mỹ - Triều chọn Hà Nội làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, trong đó nguyên nhân quan trọng là cả hai nước đều đánh giá tích cực đường lối đối ngoại hữu nghị, đa phương của Việt Nam. "Lãnh đạo hai bên ngay sau khi đến Việt Nam đều cảm ơn chúng ta đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh; đánh giá cao trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và hòa bình thế giới", ông nói.
Ông Nghị cũng cho rằng, việc Mỹ - Triều lựa chọn Hà Nội chứng tỏ năng lực và uy tín của thủ đô Việt Nam khi tổ chức các sự kiện quốc tế lớn từ an ninh, hậu cần, lễ tân cho đến tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp...
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội còn bày tỏ, sự kiện quốc tế này sẽ làm cho người dân thủ đô thêm tự hào về "thành phố vì hòa bình" và có trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống đó.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình từng là cán bộ sứ quán tại Triều Tiên, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cho rằng lịch sử quan hệ Mỹ - Triều và Mỹ - Việt có những điểm tương đồng. Việt Nam và Mỹ là cựu thù, trong khi quan hệ Mỹ - Triều từng rất căng thẳng, có thời điểm tưởng như chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
"Bây giờ Việt Nam là đối tác toàn diện của Mỹ, có nền kinh tế phát triển, vị thế quốc tế ngày càng cao. Mô hình, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam thu hút sự quan tâm của cả hai nước Mỹ - Triều. Đồng thời, ở Hà Nội có cả sứ quán Mỹ và Triều Tiên, thuận lợi cho hai bên về hậu cần, an ninh, thông tin", ông Bình nêu.
Nhà ngoại giao kỳ vọng, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức thành công, thời gian tới sẽ có nhiều nước, tổ chức quốc tế lựa chọn Việt Nam là điểm đến của các sự kiện quan trọng.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Việt Nam sáng 26/2. Ảnh: Giang Huy |
TS Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore phân tích, Việt Nam là hình mẫu mà Mỹ muốn khuyến khích Triều Tiên hướng tới. Trong trường hợp Bình Nhưỡng thực sự quan tâm, muốn áp dụng mô hình Việt Nam như niềm cảm hứng để đổi mới thì mô hình sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên đáng kể.
"Trong suốt những ngày diễn ra hội nghị, hình ảnh về địa điểm tổ chức, đặc biệt là những nơi đoàn Triều Tiên, đoàn Mỹ xuất hiện sẽ được hàng nghìn phóng viên quốc tế đưa tin, gửi thông điệp tích cực về Việt Nam thanh bình, hiếu khách, năng động, phát triển. Qua đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm, tìm đến nhiều hơn", ông Hiệp nói.