Thú chơi sâm trong 'thế giới đại gia' Việt
Niềm hãnh diện của nhiều quý ông hám mạnh hám sung là những bình rượu thảo dược thuộc hàng quý hiếm, với đại diện danh giá là rượu sâm.
1. "Trên đời, không có thứ dược liệu cỏ cây nào quý bằng sâm. Đã là sâm thì càng to càng quý, tính dược càng dữ dằn. Dân chơi sâm thứ dữ phải có trong tay những củ sâm loại khủng".
Đầy hãnh diện, ông Vượng, 54 tuổi, ngụ phường Đa Kao, quận 1, khi dẫn khách vào thư phòng khoe bộ sưu tập rượu sâm với hơn 500 bình, đã thổ lộ quan điểm của ông như thế. Vỗ tay vào hũ rượu thuỷ tinh cao đến 1,5m, bên trong là một củ sâm nhìn giống sâm Ngọc Linh dài đến hơn 1m, ông Vượng săng sái tiết lộ củ sâm kia tính ra tuổi đời "cả trăm năm”. Anh tuyển nó về từ đại ngàn Ngok Linh, chỗ giáp 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Nó nặng gần 2,2kg, mất 300 củ".
Tam thất hong ngâm rượu có giá 1-3 triệu đồng một bình được bày bán tại Sapa |
"300 củ" theo lời ông nói là 300 triệu đồng. Theo giải thích của ông Vượng, sâm Ngọc Linh trồng loại 3 củ một kg giá thị trường từ 30-50 triệu đồng/kg, sâm tự nhiên thì giá trị gấp đôi. Còn những củ sâm có trọng lượng trên một ký lô, thì có thể nói là… vô giá(?). "Mỗi năm, sâm Ngọc Linh mọc thêm một đốt như tre trúc, nên nó còn có tên gọi là sâm đốt trúc. Muốn biết tuổi sâm, cứ đếm số đốt là rõ, không lo bị lừa. Củ sâm này, anh đích thân lên rừng đào theo tiếng gọi của mấy tay chuyên ngậm ngải tìm trầm. Phát hiện nó tại địa phận xã Mường Hoong của huyện Tu-mơ-rông, vậy là anh em nó ới anh đến tận nơi để… trục vớt".
Là người có tiếng tăm nên ông Vượng không muốn chường mặt công khai. Thế nên dù sở hữu bộ sưu tập "sâm quý sâm khủng" nhưng ông này chẳng mấy khi chia sẻ với ai. "Em là dân viết lách đầu tiên mà anh mời đến nhà và cho em mục ngưỡng. Anh kết nhất là sâm Ngọc Linh, bởi vì nó cực kỳ giá trị trên nhiều mặt" .
Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng lắm dân chơi vẫn tự đẩy mình vào cảnh hiểm nguy khi nhầm lẫn củ thương lục và sâm quý. |
Tôi đã từng tiếp cận với nhiều quý ông có thú tiêu khiển đổ tiền vào thú chơi sâm Ngọc Linh, nhưng sở hữu được củ sâm khủng đến "trăm năm tuổi trị giá ba trăm củ" kia thì tôi chưa từng thấy ai vượt mặt. "Sâm Ngọc Linh loại khủng cũng như cổ vật vậy đó, với kẻ phàm phu tục tử chẳng biết ất giáp gì thì nó là thứ vứt đi. Nhưng với người có con mắt tinh tường, đó là báu vật. Khoảng 1 tuần sau khi anh tuyển "thằng" này về, giá trị của nó tăng đến chóng mặt. Nhiều tay đã tìm đến trả giá bốn trăm, rồi năm trăm (400-500 triệu đồng-PV) nhưng anh đâu có màng… Anh đâu có thiếu tiền, đời người chỉ có một lần, anh đâu có dại mà "gả" nó cho người khác".
2. Ông L., 61 tuổi, nhà ở đối diện chợ Tân Định (quận 1) là một tay chơi như thế. Không tiện mời lại nhà, ông L. chỉ cho tôi xem "bộ sưu tập rượu sâm bá đạo" của ông qua chiếc Iphone 6s: "Anh nói thiệt, anh thì không đủ sức đi đến rừng này rừng nọ tuyển về đâu. Anh gia nhập vào các diễn đàn cây thuốc, hay làm thành viên của các hội nhóm chơi sâm, giao lưu, kết bạn với nhiều anh em, ai có thứ gì hay, lạ, quý chào hàng thì anh ơi anh mua về ngâm. Ngắm cho đã rồi thưởng thức. Trong danh mục gần 20 loại sâm quý mà cụ Đỗ Tất Lợi đề cập trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, anh đều sưu tầm đủ".
Đúng như lời của ông L., cố GS-TS Đỗ Tất Lợi có nhắc đến 16 loại cây thuốc có tên gọi là sâm, gồm sâm bòng bong, sâm bố chính, sâm cau, sâm chuột, sâm cuốn chiếu, sâm đại hành, sâm Ngọc Linh, sâm tam thất… Có nghe ông L. nói thao thao bất tuyệt, nói vanh vách đặc tính sinh học, vùng phân bố, tính dược của từng loại sâm kể trên đủ để biết ông này có niềm đam mê sâm mãnh liệt: "Sâm là dược liệu quý vô ngần nên ai mà không mê. Sâm mà nhất là sâm Đại Hàn hay sâm Triều Tiên, nó giúp cho người ta khoẻ mạnh, trường thọ; càng dùng lâu dài càng tốt cho sức khoẻ" (?).
Với "gia tài" và kiến thức có được từ "đọc sách thuốc, đọc báo mạng" chứ không phải kiến thức thực tế, ông L. lúc nào cũng tự tin, tự xem mình là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về sâm: "Em có thể gọi anh là nhà nghiên cứu cũng được. Anh vừa rồi lập ra Câu lạc bộ Sâm Việt Nam, tập hợp nhóm gần 20 anh em ở khắp quận huyện thành phố có cùng đam mê như anh, để trau dồi, học hỏi. Nhóm hoạt động kín, hai tuần gặp một lần tại Cà phê Tao Đàn (trong khuôn viên công viên Tao Đàn, quận 1 TP HCM). Từ nhóm này mà vừa rồi, anh trúng độc đắc, anh được một anh bạn tặng cho hạt giống sâm Hàn thứ dữ mà gốc tích của nó được tìm thấy tại một cánh rừng ở huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai. Nó lớn nhanh như thổi, có anh bạn trồng 2 năm mà bộ rễ nó đến hơn 2 ký lô, ngâm ra màu nước vàng óng đẹp mê hồn… Thứ 7 này, anh bạn này sẽ khui hũ rượu đó mời anh em chiến hữu, bằng hữu lại lai rai; nếu có duyên, anh em mình sẽ hội ngộ".
3. Bàn về thú chơi sâm của những quý ông kể trên, nói cả ngày cũng chưa hết chuyện. Nhưng dù đẳng cấp, sự hiểu biết, chủng loại sâm mỗi ông mỗi khác, nhưng cả thảy đều có điểm chung khi lao vào thú chơi sâm ngâm rượu là "để ngắm, để nhìn, để khoe với bạn bè, để tìm vui… và để bồi bổ. Ông Bùi Văn Cứ, chuyên gia nghiên cứu về dược liệu (Viện sinh học miền Nam) cảnh báo, thú đam mê chơi sâm ngâm rượu kiểu trên tiềm ẩn nhiều mối họa!
"Sâm Ngọc Linh tự nhiên thì vô cùng hiếm, lấy đâu ra những củ sâm có cả trăm đốt mà ông Vượng… khoe? Từ năm 2012 đến nay, tôi có đến 5 lần đến vùng núi Ngọc Linh nhưng chẳng khi nào thấy sâm tự nhiên. Ngay cả người Xơ-đăng bản xứ ở xã Ngok Linh, và xã lân cận là Mường Hoong cũng chẳng mấy ai thấy được củ sâm Ngọc Linh tự nhiên, thì sâm ở đâu mà ai cũng rao bán, ai cũng khoe có củ này trăm năm, củ kia trăm tuổi được. Nếu mấy củ sâm đó được gia chủ ngâm rượu mà không còn nguyên cành lá, thì nhiều khả năng đó chỉ là giống tam thất Vũ Điệp mà thôi!" - ông Cứ khẳng định.
4. Theo phân tích của ông Bùi Văn Cứ, thì ông Vượng chừng như đã nếm trái đắng với những hũ rượu ngâm sâm Ngọc Linh khủng mà ông tiêu tốn hàng trăm triệu đồng và công sức để tuyển về. Nhưng đó chưa phải là bi kịch duy nhất bủa vây lấy dân chơi sâm vốn ham hố cái sự hoành tráng mà lại non kém về kiến thức chuyên môn.
Đông y sĩ Trần Sỹ Thanh (Trường Y học cổ truyền Lê Hữu Trác) tiết lộ sự kiện động trời hơn: "Nhiều khả năng ông L. nhầm lẫn cây thương lục là sâm Triều Tiên này nọ. Và trên thực tế, có nhiều người mê sâm đã tự hại mình vì sự nhầm lẫn này. Uống rượu ngâm rễ cây thương lục mà cứ nghĩ là sâm Triều Tiên, có ông đang khoẻ như vâm mau chóng bị tai biến nằm liệt một chỗ".
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, phụ trách Phòng khám Tuệ Lãn (quận 3) do cố GS-TS Đỗ Tất Lợi sáng lập cho biết, thương lục còn có tên gọi là trưởng bất lão hay kim thất nương, đây là cây thân thảo, sống lâu năm, chiều cao khoảng 1m, được di thực từ nước ngoài vào Việt Nam cách đây khoảng 30 năm.
Theo lương y Nghĩa, y học cổ truyền phương Đông sử dụng cây thương lục làm thuốc chữa một số chứng bệnh như đau cổ họng (dùng rễ nướng nóng, bọc vải chườm vào cổ), lợi tiểu tiện, dùng ngoài đắp mụn nhọt sưng đau… Y văn không khuyến khích dùng vì cây có độc. "Người ta thấy vị thương lục được ghi chép dùng làm thuốc đầu tiên trong bộ sách Thần nông bản thảo biên soạn vào năm 200 sau Công Nguyên, nhưng được xếp vào loại hạ phẩm, nghĩa là có tác dụng nhưng có độc tính…. Tại một vài nơi, người ta thấy rễ cây thương lục hình củ hơi giống người nên có người sử dụng làm thuốc bổ với tên "sâm Cao Ly". Sự thực rễ cây này phải sử dụng hết sức thận trọng, vì có chất độc" - lương y Nghĩa trích ghi nhận của người thầy quá cố của mình về tính dược của cây thương lục.
Ông Bùi Văn Cứ kể, cách đây chưa đầy năm, tại huyện Dĩ An (Bình Dương) có một nhóm nông dân sau khi dùng sâm Triều Tiên gốc Thương Lục do chính mình trồng, đã xém rơi vào tình trạng ngộ độc, may được ông Cứ sớm phát hiện và cảnh báo nên bi kịch đã không xảy ra.
Theo Kiến thức
TIN LIÊN QUAN |
---|