Thu hút gần 2.000 tỷ đồng đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh
(Baonghean.vn) - Chiều 23/6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thẩm tra dự thảo về chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI.
Đồng chí Võ Viết Thanh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND và đại diện một số sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc |
Hiện nay, toàn tỉnh có 32 cụm công nghiệp (CCN) đã thực hiện các bước đầu tư xây dựng, trong đó có 9 CCN đã lấp đầy diện tích, 5 CCN đang thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Các CCN thu hút 180 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đạt 1.913 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 8.300 lao động. Giá trị sản xuất các CCN đạt gần 1.300 tỷ đồng, thu ngân sách từ các doanh nghiệp trong CCN đạt gần 120 tỷ đồng.
Đồng chí Hoàng Văn Tám - Phó GĐ Sở Công thương trình bày dự thảo nội dung mới trong chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh |
Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 268 về việc thông qua chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Nghị quyết 268) bộc lộ một số vấn đề bất cập như: mức hỗ trợ cho các CCN đang thấp, đạt xấp xỉ 10% tổng mức đầu tư, trong khi đó tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật tăng lên, năng lực tài chính của các chủ đầu tư (UBND các huyện, thành, thị) hạn chế. Do đó, hạ tầng CCN đầu tư thiếu đồng bộ, chắp vá, chưa quan tâm đến hạng mục xử lý môi trường, cho nên đòi hỏi phải có nghị quyết thay thế để phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng chí Trần Quốc Chung - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu vấn đề cần có đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 268 |
Tại buổi làm việc, các ý kiến thống nhất việc cần thiết phải ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 268. Tuy nhiên về nội dụng Nghị quyết mới, ý kiến các đại biểu cho rằng, cần có đánh giá cụ thể hiệu quả thực hiện Nghị quyết 268; đồng thời xác định nhu cầu vốn hàng năm, tăng thêm so với mức cũ để có cơ sở xem xét. Bên cạnh đó, nên có phần nguyên tắc hỗ trợ cho từng CCN.
Đồng chí Trung Thành Công - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh nêu tính cần thiết của việc tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng CCN trên địa bàn tỉnh |
Các đại biểu cũng đề nghị, nghị quyết mới cũng nên xem xét về nội dung dự thảo: "Mức hỗ trợ đường giao thông, hệ thống thoát nước nội bộ có mức hỗ trợ tối đa không quá 6 tỷ đồng/CCN vùng miền núi và không quá 5 tỷ đồng/CCN các vùng còn lại". Vì, hiện nay số lượng doanh nghiệp thành lập ở miền núi ít (trừ huyện Quỳ Hợp) nên phải tính toán lại phù hợp, tập trung đầu tư cho những vùng có nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra, việc hỗ trợ 70% hệ thống xử lý nước thải nhưng không quá 6 tỷ đồng/CCN là chưa thỏa đáng vì đầu tư cho hệ thống xử lý môi trường đòi hỏi chi phí lớn.
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến một số nội dung dự thảo Nghị quyết về quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường |
Cũng trong phiên làm việc, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thảo luận các tờ trình về: Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Dự thảo về Nghị quyết quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Tờ trình về việc thông qua các danh mục, dự án cần thu hồi đất quy định tại Khoản 3, Điều 62 của Luật Đất đai và việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thành Duy