Thủ khoa giáo viên dạy giỏi tỉnh Nghệ An: 'Học trò là động lực để cố gắng'

(Baonghean.vn) - Yêu nghề, nhiệt huyết và tràn đầy tình yêu với học trò là những ấn tượng về cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên dạy Địa lý - Trường THCS Hà Huy Tập (thành phố Vinh). Nữ giáo viên sinh năm 1990 này cũng là giáo viên trẻ nhất trong danh sách 14 giáo viên đạt thủ khoa tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh bậc THCS năm 2020.

Không ngại nếu gặp tình huống “khác biệt”.

Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh bậc THCS đã kết thúc hơn 3 tuần nhưng cho đến thời điểm này cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn cảm thấy bất ngờ với kết quả mà mình đạt được. Danh hiệu cùng với “kỳ tích” trẻ nhất của cuộc thi cũng là động lực để chị cố gắng và mong muốn  truyền sự tự tin đến những đồng nghiệp trẻ.

Kể lại kỳ thi vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền nhớ nhất là phần thi thực hành bởi chị bốc thăm vào một trong những bài giảng khó nhất của chương trình Địa lý lớp 6 - bài “nguyên nhân và biểu hiện hiện tượng ngày và đêm dài ngắn theo mùa”.

Với một giáo viên có khá nhiều năm đứng trên bục giảng, phần kiến thức của bài thi không làm khó chị, nhưng điều chị lo lắng nhất chính là đối tượng học trò bởi phải “hiểu học sinh, nắm bắt được năng lực học sinh thì mới thiết kế được bài giảng  phù hợp”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền - tốt nghiệp loại giỏi tại Trường Đại học Vinh. Sau đó là một trong bốn giáo viên được xét tuyển vào công tác tại Trường THCS Hà Huy Tập. Ảnh: MH
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, nguyên là học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên). Sau khi tốt nghiệp loại giỏi tại Trường Đại học Vinh chị được Thành phố Vinh xét tuyển vào công tác tại Trường THCS Hà Huy Tập. Ảnh: MH

Thời điểm bốc thăm đề đến khi kỳ thi chính thức diễn ra, chị chỉ có 2 đêm và 1 ngày để chuẩn bị. Trong khi đó, chị được phân công giảng dạy một lớp 6 ở Trường THCS Diễn Hồng (Diễn Châu) - ngôi trường mà chưa bao giờ chị đứng lớp.

"Khi nhận được bài giảng, tiết học buổi chiều chỉ còn khoảng 30 phút. Lúc này, từ thị trấn Diễn Châu tôi vội vàng ra Diễn Hồng để làm quen với học sinh. May mắn cho tôi dù chỉ mới lần đầu tiếp xúc, các em đã rất hợp tác. Một số phương pháp học như “thảo luận nhóm, làm bài tập tập thể” cũng được các em hưởng ứng bởi các em đã được làm quen trước đó", cô Hiền tâm sự.

Nhận được “tín hiệu” tích cực từ học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền dành 1 ngày để chuẩn bị giáo án và giảng thử cho những đồng nghiệp của mình. Nhưng vốn bản tính hay lo, đêm trước kỳ thi chị gần như thức trắng. Thậm chí, dù chỉ còn vài tiếng để vào hội thi chị  vẫn quyết định đổi lại thiết kế bài giảng vì tin rằng phương án mới sẽ phù hợp với học sinh của trường.

Trước đó, dù chỉ mới làm quen với học sinh trong một thời gian rất ngắn ngủi nhưng chị đã kịp nhớ sơ đồ lớp, nhớ tên và thậm chí “biệt danh” của một số học sinh đặc biệt trong lớp. Vì thế, bước vào tiết dạy chị và lớp “bắt nhịp” rất nhanh và thực hiện đúng với giáo án đã soạn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền và các học sinh của Trường THCS Diễn Hồng tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm 2020. Ảnh: PV
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền và các học sinh của Trường THCS Diễn Hồng tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm 2020. Ảnh: PV

Sự cố chỉ xảy ra khi trong một tình huống yêu cầu học sinh lên chữa bài, các em đã không hoàn thành bài tập của mình. Hay ở phần sử dụng giáo án điện tử, bài giảng được tích hợp sẵn theo phân phối chương trình không phù hợp với thiết bị điện tử của nhà trường. Tuy nhiên, những tình huống phát sinh này, sau đó lại chính là yếu tố để chị ghi điểm bởi cách xử lý linh hoạt và nhanh nhạy nhưng vẫn đảm bảo yếu tố sư phạm.

Ở bài giảng này, chị cũng đã sử dụng phiếu bài tập để giúp học sinh làm bài một cách thành thạo, hứng thú, khắc phục được hạn chế về một bài giảng dài, nhiều kiến thức và khó nhớ. Bài giảng ngay sau đó được ban giám khảo đánh giá là có tính sáng tạo, không theo khuôn mẫu, kiến thức đưa ra rõ ràng và tổ chức được nhiều hoạt động giữa giáo viên và thường xuyên.

Mục tiêu chính của giáo viên là hướng đến học trò

Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp THCS năm 2020 cũng là hội thi đầu tiên được triển khai theo hình thức mới. Ngoài phần thi thực hành, bài báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền cũng được đánh giá cao bởi vấn đề chị đưa ra “dạy học phân hóa để nâng cao chất lượng dạy học” vốn là một vấn đề quen thuộc, được chị áp dụng hàng ngày. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm để chị tổ chức những tiết dạy thành công và được rất nhiều học sinh yêu mến.

Là một giáo viên trẻ nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền đã có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: MH
Là một giáo viên trẻ nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền đã có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: MH

Trở về sau cuộc thi, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền lại trở về hình ảnh quen thuộc của một giáo viên dạy Địa lý ở Trường THCS Hà Huy Tập. Ngôi trường đông học sinh nhất tỉnh với hơn 2.000 học sinh và là một trong những ngôi trường được đánh giá cao về chất lượng dạy học. 8 năm gắn bó với ngôi trường này, dù rất áp lực về chuyên môn nhưng chị bảo học hỏi được rất nhiều từ những đồng nghiệp đi trước. Quan trọng hơn, tại đây chị được tin tưởng và được ủng hộ, dù rằng so với rất nhiều giáo viên khác chị ít tuổi hơn, còn ít kinh nghiệm và chưa có nhiều cọ xát với học trò.

8 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền từ một sinh viên mới tốt nghiệp Trường Đại học Vinh cũng đã có nhiều cơ hội để trưởng thành. Chị nhớ, ngày mới được nhận vào trường, chị phải mất gần 1 năm đầu tiên để dự giờ, thao giảng và tự rút kinh nghiệm. Sau này, khi đã chính thức được đứng lớp, chị phải đối diện với nhiều áp lực.

Trường chúng tôi rất đông học sinh và trong một lớp có nhiều đối tượng, nhiều năng lực khác nhau. Vì thế, để tổ chức một tiết dạy hiệu quả và thú vị thì rất khó khăn bởi dạy dễ quá thì những học sinh khá giỏi sẽ chủ quan. Nhưng nếu dạy khó quá thì những học sinh yếu hơn sẽ chán nản, bỏ bê môn học...

Tham dự các kỳ thi cũng là cách để chị chia sẻ khó khăn với học trò. Ảnh: MH
Tham dự các kỳ thi cũng là cách để chị chia sẻ khó khăn với học trò và có cơ hội để được cọ xát nâng cao nghiệp vụ. Ảnh: PV

Cũng bởi những trăn trở này nên dù chưa được làm chủ nhiệm, dạy môn Địa lý vốn được xem là “môn phụ” nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền chưa bao giờ dễ dãi với mình. Một kỷ niệm chị còn nhớ mãi đó là tiết học đầu tiên chị lên lớp và chị đi muộn 5 phút. Tuy nhiên lý do cho sự chậm trễ này rất dễ được thông cảm vì “cô giáo mải đi tìm một dụng cụ để hỗ trợ cho bài giảng”. Sau này, học sinh của chị hào hứng với môn Địa lý bởi mỗi một bài giảng đều được chị đầu tư, làm mới và truyền thụ một cách dễ hiểu, dễ nhớ.

Mặc dù đi dạy chưa lâu nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền cũng là người có duyên trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Để làm được điều này, từ khi mới bắt đầu được phân lớp chị đã xây dựng được những bộ câu hỏi để phân hóa được học sinh. Quá trình chọn các em vào đội tuyển, chị lấy tiêu chí “đam mê” lên đầu và cố gắng truyền niềm đam mê, yêu thích của mình đến với học trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền và đội tuyển học sinh giỏi Địa lý của Trường THCS Hà Huy Tập. Ảnh: MH
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền và đội tuyển học sinh giỏi Địa lý của Trường THCS Hà Huy Tập. Ảnh: MH

Trong quá trình giảng dạy, có thời điểm học sinh phải học liên tục kéo dài trong nhiều tháng nên để tạo động lực cho học sinh chị thay đổi cách dạy, cách học và cách chấm bài thường xuyên và thậm chí để học sinh tự chữa, tự chấm bài cho nhau. Qua đó, các em tự biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình và cũng có thể tự học hỏi các bạn.

Là giáo viên nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền cũng là bạn, là chị và là người thân được học sinh tin tưởng và yêu quý.Thế nên, quyết định tham dự các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cũng là cách để chị được đồng hành với học trò và chia sẻ với những vất vả của các em trong quá trình tham dự các kỳ thi. Niềm vui lớn nhất đó là khi chị đạt giải Nhất tại Kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và sau này là giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh thì học trò của chị cũng gặt hái được nhiều thành công khi đã có em đạt giải Nhì, giải Ba của tỉnh và nay có 2 em đang học ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã vào được đội tuyển quốc gia của trường...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành khen thưởng cho những giáo viên đạt điểm cao nhất tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh. Ảnh: MH
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành khen thưởng cho những giáo viên đạt điểm cao nhất tại Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh (cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, áo vàng, đứng thứ 6 từ phải qua). Ảnh: MH

Với rất nhiều những thành công, ở tuổi 30 cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền dường như cũng đã đi đến “đích” của mình. Tuy nhiên, sau những thành công, cô giáo sinh năm 9X tự biết đó chỉ là “thành quả của một thời điểm” còn mục tiêu lâu dài mà chị hướng tới chính là học sinh, là để tạo ra những tiết học hào hứng.

Người giáo viên trẻ này cũng tự nhủ “không bao giờ hài lòng với bản thân mà phải tiếp tục trau dồi, mở rộng, nâng cao năng lực chuyên môn”. Và, đó cũng là cách để chị tôn trọng chính mình, tôn trọng ngôi trường đã nâng đỡ chị và tôn trọng học trò, tôn trọng với nghiệp lái đò mà chị yêu mến và nguyện đi theo đến hết cuộc đời...

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.