Thủ lĩnh của đồng bào Thái ở thung Tồm
(Baonghean.vn) - Về thung Tồm (Châu Lý, Quỳ Hợp) hôm nay giữa bạt ngàn rừng keo xanh tốt và những đàn đại gia súc được chăm sóc khỏe mạnh khiến ta quên đi một thời thung Tồm của trước đây rừng sâu núi thẳm, tứ bề gian khó. Người góp công lớn thay đổi sắc diện thung Tồm là Nguyễn Đức Bình.
Anh Bình vốn là người miền xuôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Châu Lý và trở thành hạt nhân tiên phong khai hoang vùng đất này để phát triển kinh tế, tạo ra sức lan tỏa cho hơn 30 hộ bà con đồng bào Thái quần cư nơi đây vươn lên làm giàu vượt khó.
Vậy là đã tròn 2 tháng kể từ thời điểm bắt đầu trồng keo vụ Thu, những ngày này anh Nguyễn Đức Bình (Châu Cường, Quỳ Hợp) đang tất bật làm cỏ, xây rào chắn, tưới nước giữ ẩm cho đất để đảm bảo cho hơn 5 ha keo con vụ này được phát triển tốt nhất.
Cây keo đã có mặt trên đất bản Dền lâu lắm rồi, nhưng 5 năm trở lại đây cây trồng này mới được mở rộng diện tích và trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con. Với riêng anh Nguyễn Đức Bình có hơn 20 ha keo trải dài xanh mướt khắp vùng thung Tồm của bản.
Diện tích trồng keo tại thung Tồm của anh Nguyễn Đức Bình (giữa) |
Kể về quá trình đưa cây keo về bén đất bản Dền, anh vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên vào năm 2006, khi đó thung Tồm là vùng rừng thiêng nước độc, đường vào là những lối mòn nhỏ chỉ đủ một người đi. Để đưa được giống cây vào anh và mọi người trong gia đình phải gánh giống đi bộ hàng cây số để trồng 7 ha vụ đầu tiên. Rồi việc phát cỏ, làm đất cũng phải dùng sức người bởi không thể vận chuyển được máy móc vào.
Sau khi cây con đã bắt đầu khỏe mạnh, anh lại lăn lộn với việc phá núi mở đường kéo dài trong suốt 4 tháng trời với chiều dài hơn 3 km từ chân núi vào thung. Trời không phụ lòng người, sau 6 năm dày công chăm sóc, 7 ha keo của gia đình anh cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Từ đó, anh dần mở rộng diện tích và đầu tư về kỹ thuật để nâng tổng vùng trồng lên 20 ha ở bản Dền và 30 ha ở vùng bản Na Lạng, bản Xáo.
Theo tính toán, mỗi ha keo cho năng suất bình quân khoảng 120 tấn, sau 6 năm chăm sóc thì bình quân mỗi ha thu về 100 triệu đồng thu nhập. Đặc biệt, tại những diện tích đất tốt thì năng suất mỗi ha có thể lên tới 150 tấn và thời gian chăm sóc cũng được rút ngắn từ 6 tháng đến 1 năm. Trong đó chi phí vận chuyển, tiền giống và công tác chăm sóc chiếm khoảng 40 % tổng thu nhập. Tính ra mỗi năm 1 ha keo cho lãi ròng trên dưới 60 triệu đồng. Mặc dù đó chưa phải là một con số lớn nhưng đối với anh thì đó là chìa khóa để thoát nghèo.
Ngoài 3 km đường chính dẫn từ bản Dền vào vùng trồng keo thì nhiều tuyến đường nối liền giữa các vùng đồi canh tác cũng được anh Bình đầu tư đào đắp. |
Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ cây keo nên anh có điều kiện quay vòng phát triển chăn nuôi. Hiện tại chăn nuôi bán chăn thả 25 con bò và hơn 30 con dê địa phương. Với dê, thổ nhưỡng ở vùng đất này rất phù hợp. Dê ít bị dịch bệnh như những loại gia súc khác, lại là loài động vật dễ tính, nguồn thức ăn phong phú. Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 đến 12 tháng, thời điểm này dê sẽ đạt trọng lượng từ 30-35kg/con, có những con trưởng thành có cân nặng gần 45 kg. Với giá bán trên 120.000đồng/kg hơi mang lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình mỗi lứa.
Tận dụng diện tích đồi rộng lớn, anh phát triển đàn dê núi theo phương thức bán chăn thả cho hiệu quả kinh tế cao. |
Tương tự, với đàn bò của gia đình được chăn thả hằng năm, cũng mang lại thu nhập khá cao bởi mỗi con trưởng thành đã cầm chắc hơn 20 triệu đồng. Ngoài cho bò ăn thức ăn truyền thống anh còn bổ sung thêm các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như cỏ VA06, lá ngô, cám... nên đàn bò sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt, quan trọng là tiêm phòng định kỳ để phòng tránh dịch bệnh, nên hiệu quả tăng rõ rệt. Bình quân mỗi con bò cái đẻ mỗi năm 1 lứa, mỗi con trừ chi phí cũng thu về chục triệu đồng.
Đàn bò vàng 25 con cũng phát triển khỏe mạnh và có đầu ra ổn định. |
Từ thành công của anh đã mở ra hướng đi mới tạo sức lan tỏa cho bà con nơi đây hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo trong cộng đồng bà con trong bản. Toàn bản Dền có 28 hộ, bà con đều là người Thái. Trước đây cuộc sống gặp nhiều khó khăn vất vả. Từ ngày một số hộ mạnh dạn khai hoang đất đồi để trồng keo kết hợp chăn nuôi bán chăn thả, tập quán thả rông từ bấy lâu nay được bỏ dần.
Ngoài chăm sóc cho diện tích keo của gia đình,anh Bình còn trở thành người sát cánh cùng bà con trong bản để truyền đạt kinh nghiệm. Trong ảnh, anh Bình đang hướng dẫn cách chăm sóc cây keo cho ông Lương Văn Châu, trưởng bản Dền. |
Đối với bà con bản Dền nói riêng và xã Châu Lý nói chung, anh Nguyễn Đức Bình chính là điểm tựa tinh thần để họ thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình./.
Thanh Quỳnh
TIN LIÊN QUAN |
---|