Thủ tướng Anh đối mặt nguy cơ bị phế truất sau bỏ phiếu bất tín nhiệm
Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt nguy cơ bị phế truất khi 40 nghị sĩ Quốc hội nhất trí ký vào lá thư chung bày tỏ bất tín nhiệm đối với bà.
Những bất đồng trong nội bộ đảng bảo thủ cầm quyền và Quốc hội Anh diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu đang diễn ra chậm chạp và không có nhiều bước tiến.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Evening Standard. |
Theo tờ Thời báo Chủ nhật, hàng chục nghị sỹ từ Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đang liên kết với những người ủng hộ trong việc kêu gọi cách chức Thủ tướng. Nếu có thêm 8 nghị sỹ nữa nhất trí ký tên vào bức thư, điều này sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, với khả năng Thủ tướng May có thể bị phế truất và thay thế bằng một lãnh đạo Đảng bảo thủ khác. Nó cũng diễn ra sau một tuần bất ổn với chính phủ Anh, với sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nhân đạo Priti Patel.
Thủ tướng May đang phải vất vả duy trì uy tín trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền của mình, kể từ sau cuộc bầu cử sớm vào mùng 8/6 vừa qua với việc đảng của bà mất thế đa số trong Quốc hội. Hiện các nghị sĩ trong Đảng cũng đối mặt với chia rẽ liên quan đến dự luật Brexit với việc ấn định chính thức thời điểm Anh rời khỏi EU vào 11 giờ đêm ngày 29/3/2019. Những nghị sĩ có tư tưởng thân EU ngay lập tức phản đối, cho rằng điều khoản bổ sung của Chính phủ vào Dự luật EU sẽ “trói tay” nước Anh và có thể cản trở việc đạt được một thỏa thuận có lợi trong trường hợp cần có thêm thời gian để đàm phán. Thủ tướng Anh cảnh báo sẽ không chấp nhận những ý đồ nhằm “ngừng lại hoặc trì hoãn” Brexit bằng cách ngăn chặn dự luật nói trên được thông qua tại Quốc hội.
Bất chấp sức ép như vậy, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Anh ra khỏi EU David Dayvis vẫn bác bỏ việc chính phủ đang phải đối mặt với khủng hoảng: “Thủ tướng Theresa May sẽ vẫn tiếp tục lãnh đạo nước Anh trong quá trình Brexit. Tôi hoàn toàn chắc chắn về khả năng chèo lái của bà vượt qua khó khăn của Anh”.
Với những chia rẽ trong nội bộ nước Anh, giới quan sát cho rằng, đột phá trong các cuộc đàm phán Brexit sẽ là một lợi thế để giúp bà vượt qua khủng hoảng hiện nay. Hiện có nhiều mong đợi rằng Thủ tướng Anh có thể đạt được những bước tiến trong các cuộc đàm phán Brexit, sau đó đưa ra các đề xuất ngân sách và có thể là tiếp tục cải cách Nội các. Điều này có thể giúp bà tiếp tục tại nhiệm và vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, có nhiều bước cản khiến Thủ tướng khó đạt được những mục tiêu này.
Với việc Đảng bảo thủ không chiếm đa số trong quốc hội, chính phủ sẽ khó khăn trong việc thông qua các luật Brexit. Trong khi đó, vòng đàm phán Brexit mới nhất trong tuần qua cũng không mang lại kết quả cụ thể nào, buộc các nhà đàm phán châu Âu phải ra tối hậu thư yêu cầu Anh trong 2 tuần phải đưa ra những nhượng bộ về thỏa thuận "ly hôn" nếu muốn tiến tới giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán trong tháng 12 tới. Với những vấn đề mà Thủ tướng Anh đang phải đối mặt, sẽ không quá khó hiểu khi các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố đang chuẩn bị cho sự sụp đổ của chính phủ Anh trong một vài tháng tới.
Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, hiện vẫn chưa là thời điểm để các bên muốn Thủ tướng Theresa May phải rời bỏ chức vụ. Những người muốn nhanh chóng rời khỏi EU lo ngại, toàn bộ quá trình Brexit sẽ bị trệch hướng nếu bà Theresa May bị phế truất. Trong khi đó, những người bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU cũng tin tưởng rằng, một cuộc bỏ phiếu thay đổi lãnh đạo đảng cũng gần như chắc chắn sẽ thuộc về một ứng cử viên muốn Anh nhanh chóng ra khỏi EU.
Hiện cũng chưa có một thỏa thuận trong đảng về người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Theresa May, trong khi những ứng cử viên tương lai cũng không quá “vội vàng” đảm nhiệm một chính phủ chưa ổn định với một quá trình Brexit đầy khó khăn./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|