Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tăng tốc, thúc đẩy ngoại giao kinh tế
Chiều tối 22/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng 2 con số giai đoạn tiếp theo.
Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 34 UBND tỉnh, thành phố.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Chủ động, thực chất, mở ra nhiều hướng đi mới

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao: 6 tháng đầu năm 2025, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, cụ thể, thực chất, mở ra nhiều hướng đi mới, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, nước ta đã nâng cấp quan hệ với 10 nước, ký kết 253 thỏa thuận hợp tác, gấp đôi năm 2024, trong đó, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ là trọng tâm.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2025, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước; hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết 30 thỏa thuận với các đối tác quốc tế.
Hoạt động đối ngoại đã góp phần thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52%, là mức cao nhất trong 15 năm qua, cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất khẩu tăng, xuất siêu trên 7,6 tỷ USD. Đầu tư FDI đăng ký đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng hơn 32,6%, cao nhất 15 năm qua, FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%. Du lịch quốc tế là điểm sáng, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 20,7%...
Tại tỉnh Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2025 đã triển khai quyết liệt, sát sao Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026. Nhờ vậy, công tác ngoại giao kinh tế của Nghệ An đã chuyển biến mạnh mẽ.

Nổi bật là tỉnh đã tổ chức thành công các đoàn của lãnh đạo tỉnh đi công tác tại Trung Quốc, Anh, Đức, Liên bang Nga, Singapore và tháp tùng Tổng Bí thư Tô Lâm thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Indonesia, thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Ban Thư ký ASEAN với các hoạt động trọng tâm về hợp tác kinh tế, như làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp nước sở tại, các tập đoàn và doanh nghiệp lớn.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh của nước bạn Lào ngày càng hiệu quả.
.jpg)
Tỉnh phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt) thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thu hút đầu tư FDI vào Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An.
Tính đến ngày 30/6/2025, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã cấp mới cho 8 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 76,2 triệu USD, điều chỉnh vốn cho 7 dự án, tăng 215,9 triệu USD; tổng vốn cấp mới và điều chỉnh là 292,1 triệu USD.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang triển khai huy động 4 dự án mới sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi với tổng mức đầu tư dự kiến 3.190,732 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, có 1 dự án đang hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và 3 dự án đang làm thủ tục đề xuất dự án. Các dự án đề xuất mới tập trung vào các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng bền vững.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh Nghệ An ước đạt 1.800 triệu USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.324 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có khoảng 9.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; lao động chủ yếu tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Âu…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, đúc rút bài học kinh nghiệm về triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua; phân tích, đánh giá sâu về các tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân chủ quan.
Từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, sát thực tiễn, cả trước mắt và lâu dài để tăng cường và tạo đột phá đối với các trọng tâm của ngoại giao kinh tế thời gian tới, đưa ngoại giao kinh tế trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của đối ngoại, trở thành động lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước như tinh thần Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, góp phần đưa đất nước bứt tốc để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

Tạo đột phá các động lực tăng trưởng
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian qua đã được các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt được những kết quả quan trọng, mở ra các cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp ngày càng hiệu quả, thực chất vào các thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Công tác đối ngoại là điểm sáng trong kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2025 của cả nước, trong đó có sự đóng góp của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm chắc tình hình sở tại; phân tích, đánh giá, tham mưu kịp thời để lãnh đạo Đảng, Nhà nước không bất ngờ về đối ngoại; tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển.

Theo Thủ tướng, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 8,3 – 8,5% trong năm 2025, Việt Nam cần thực hiện đường lối đối ngoại theo định hướng độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Thủ tướng nhấn mạnh: Ngoại giao kinh tế là trọng tâm của công tác đối ngoại, ngoại giao trong giai đoạn mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu kết nối các nền kinh tế, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nước; thúc đẩy ký kết các Hiệp định thương mại tự do mà lãnh đạo cấp cao đã thống nhất; thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực chất lượng cao, khai thác hiệu quả mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ quá trình phát triển, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững, lâu dài trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích, tạo lập những đột phá mới, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn phát sinh trong quan hệ; thúc đẩy và tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; các hình thức giao lưu, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt ở tất cả các cấp, các kênh; tạo môi trường thuận lợi cho tăng cường hợp tác.
Các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam tại các nước tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài và thu hút đầu tư vào Việt Nam, nhất là thúc đẩy hợp tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật...
Cùng với đó, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Ấn Độ, Brazil....; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm như công nghệ, điện tử, ô tô, máy móc, dệt may, da giày... mở rộng xuất khẩu, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị chủ động, tích cực thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục thích ứng chủ động, linh hoạt với tình hình mới về thương mại, đầu tư quốc tế; tích cực, quyết liệt hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc trong các dự án đầu tư, hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài tại Việt Nam cũng như thị trường nước ngoài.

Cho rằng, nhiệm vụ đạt mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025 là rất nặng nề, khó khăn, nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ, cùng nhau phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả ngoại giao kinh tế; góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay, tạo đà, tạo thế, tạo lực để đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới.