Thủ tướng Chính phủ: Việt Nam hướng tới chính sách xã hội toàn dân, toàn diện, tiến bộ, công bằng, bao trùm và bền vững
(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mô hình an sinh xã hội của Việt Nam hướng tới chính sách xã hội toàn dân, toàn diện, tiến bộ, công bằng, bao trùm và bền vững.
Sáng 4/12, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII.
Dự tại điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Cùng dự có các đồng chí ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương;…
Trong toàn Đảng bộ tỉnh Nghệ An có hơn 40.400 đảng viên dự tại 613 điểm cầu. Tại điểm cầu chính, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội cấp tỉnh;…
Tại Nghệ An, hội nghị được truyền trực tiếp đến 36 điểm cấp huyện và đảng ủy trực thuộc, 576 điểm cầu cấp cơ sở.
LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM, LÀ CHỦ THỂ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề liên quan đến nội dung Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.
Quan điểm của Đảng khẳng định: Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã phân tích, làm rõ quan điểm, các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 9 nhóm, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 42-NQ/TW.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong điều kiện đối tượng nhiều, địa bàn rộng, tính chất phức tạp nên đòi hỏi việc triển khai chính sách xã hội phải hết sức bình tĩnh, không nóng vội, không thể giải quyết trong một vài năm mà đây là vấn đề lâu dài.
Thủ tướng cho biết: Trên thế giới hiện có nhiều mô hình gồm: Mô hình chính sách xã hội trong nền kinh tế thị trường tự do như ở Mỹ, mô hình chính sách xã hội trong nền kinh tế thị trường xã hội như ở Đức, mô hình chính sách xã hội theo phúc lợi xã hội như ở các nước Bắc Âu và mô hình chính sách xã hội bao cấp như tại Cuba.
Căn cứ vào điều kiện, tình hình, đặc điểm của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, người đứng đầu Chính phủ cho biết: Nước ta lấy ưu điểm các mô hình trên để xây dựng một mô hình chính sách xã hội phù hợp với một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; tôn trọng sự phát triển của thị trường với sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; phù hợp với nền tảng phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, mà xuyên suốt là yếu tố con người; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội; không hy sinh an sinh xã hội; không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
“Mô hình an sinh xã hội của Việt Nam hướng tới chính sách xã hội toàn dân, toàn diện, tiến bộ, công bằng, bao trùm và bền vững”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
CHUYỂN TỪ "BẢO ĐẢM VÀ ỔN ĐỊNH" SANG "ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN"
Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra các điểm mới trong cách tiếp cận của Nghị quyết số 42-NQ/TW, như: Chuyển đổi cách tiếp cận từ “bảo đảm và ổn định” sang “ổn định và phát triển”; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội khác để đảm bảo ổn định xã hội; tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết số 42 cũng mở rộng phạm vi ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện, bao gồm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; chính sách đảm bảo an sinh xã hội (trụ cột là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, giảm nghèo).
Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và đảm bảo tiếp cận dịch vụ xã hội (về y tế, giáo dục, nhà ở, văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin); chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.