Thủ tướng chủ trì hội nghị về Logistics: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ“

Trân Châu 16/04/2018 10:17

(Baonghean.vn) - Dẫn lời của Benjamin Franklin, chính trị gia, một trong những người lập quốc nổi tiếng nhất của Mỹ khi nói: "Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò to lớn của Logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, là ngành kinh doanh hấp dẫn nhưng đang còn rất nhiều hạn chế.

Thủ tướng cũng cho rằng, tất cả bộ, ngành, các địa phương phải nhận thức đầy đủ hơn và thực hiện tốt hơn, bởi đây là điểm nghẽn, giải quyết tốt sẽ tiết kiệm được chi phí, tăng giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị về logistics. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị về logistics. Ảnh: chinhphu.vn

Sáng 16/4, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Logistics, các giải pháp chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham dự của các ngành, các doanh nghiệp có tham gia hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dịch vụ logistics Việt Nam bắt đầu phát triển trên cơ sở dịch vụ giao nhận vận tải (freight forwarding) từ những năm 1986. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành Logistics Việt Nam khoảng 14 -16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên, vấn đề nội cộm nhất là chi phí Logistics của Việt Nam còn ở mức cao; theo nghiên cứu của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, gần cao nhất trên thế giới, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Do vậy, việc cắt giảm chi phí Logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An; cùng dự có các ngành, các doanh nghiệp có tham gia hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trân Châu

Tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới có chi phí vận tải luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí Logistics, cụ thể tỷ lệ này tại các nước như sau: Việt Nam khoảng 59%, Mỹ khoảng 63,6%, Thái Lan khoảng 53,5%.

Ngoài một số hạn chế về hạ tầng, doanh nghiệp, thị trường vận tải ở Việt Nam còn chưa minh bạch, thiếu thông tin, giá cước vận tải cao, hiệu quả khai thác thấp, hệ số chạy rỗng cao.

Tại Nghệ An, có cụm cảng Quốc tế Cửa Lò gồm cảng Cửa Lò, cảng nước sâu Cửa Lò, cảng chuyên dùng The Vissai, cảng xăng dầu DKC, cảng Đông Hồi; tổng sản lượng hàng qua cảng mỗi năm đạt 6,3 triệu tấn. Chi phí Logistics ở Nghệ An cũng rất cao, nhất là chi phí vận tải bộ, thủy. Nghệ An cũng đang tìm các giải pháp để giảm chi phí Logistics.

Biểu đồ về chi phí vận tải Container tại Nghệ An ra Hải Phòng so với các địa phương khác. Đồ họa: Hữu Quân

Tại hội nghị, Bộ GTVT cũng đề xuất các giải pháp làm giảm chi phí Logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải: Đó là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ Logistics; Phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng Logistics; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải ; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải.

Báo Nghệ An tiếp tục đưa tin về vấn đề này.

Tính đến tháng 12/2017, tổng số bến cảng của hệ thống cảng biển Việt Nam là 251 bến cảng, với khoảng 88 km chiều dài cầu cảng và 18 khu neo đậu, chuyển tải; tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm. So với những năm đầu tiên triển khai thực hiện quy hoạch (năm 2000), hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài bến cảng (năm 2000 đạt khoảng 20.000 m, đến nay đạt 87.550 m).

Nghệ An có tên trong 12 cảng biển loại 1 của Việt Nam.

Mới nhất

x
Thủ tướng chủ trì hội nghị về Logistics: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ“
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO