Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: Thắng lợi để giành quyền miễn trừ truy tố
(Baonghean.vn) - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 26/12 đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc đua tranh chiếc ghế lãnh đạo đảng cầm quyền Likud. Kết quả này trao cho nhà lãnh đạo đang gặp khó của Israel một động lực quan trọng, trước thềm cuộc bầu cử thứ ba chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm ở quốc gia này.
“Chiến thắng vĩ đại”
Màn “trình diễn” mạnh mẽ này của nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất Israel có thể trao cho ông thêm một cơ hội nữa, để thành lập một chính phủ mới sau cuộc bầu cử tháng Ba năm tới, sau 2 nỗ lực thất bại vừa qua trong năm 2019 này. Thông qua việc dễ dàng “đẩy lùi” được nhà lập pháp đảng Likud là Gideon Saar, ông Netanyahu cũng giữ lại những hy vọng giành được quyền miễn trừ truy tố, sau khi hồi tháng trước bị cáo buộc một loạt tội danh tham nhũng.
Trên mạng xã hội Twitter hôm 27/12, chỉ 1 giờ đồng hồ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, ông Netanyahu viết: “Một chiến thắng vĩ đại. Nhờ vào lòng tin, sự ủng hộ và tình cảm của các thành viên đảng Likud. Tôi sẽ dẫn dắt Likud tới một chiến thắng lớn trong các cuộc bầu cử sắp tới”.
Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và ông Gideon Sa'ar. Ảnh: Ynet News |
"Bất kỳ ai nếu không sẵn sàng chấp nhận rủi ro trên con đường mình tin tưởng thì sẽ không bao giờ giành chiến thắng”.
Trong khi đó, Saar cũng đăng trạng thái chúc mừng Netanyahu và tuyên bố ông sẽ ủng hộ thủ tướng trong cuộc bầu cử toàn quốc. Ông nói: “Tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái với quyết định tranh cử của mình. Bất kỳ ai nếu không sẵn sàng chấp nhận rủi ro trên con đường mình tin tưởng thì sẽ không bao giờ giành chiến thắng”.
Các kết quả chính thức được đảng Likud công bố cho thấy ông Netanyahu giành được 41.792 phiếu bầu, tương đương 72%, so với 15.885 phiếu, tương đương 28% dành cho ông Saar.
Dù kết quả nói trên đã xóa bỏ bất kỳ hoài nghi nào còn sót lại về vị thế của ông Netanyahu trong đảng cầm quyền, nhưng cùng với đó, nó cũng có khả năng kéo dài thêm thế bất ổn chính trị ở Israel. Netanyahu sẽ vẫn là người đứng mũi chịu sào của đảng Likud xuyên suốt các cuộc bầu cử vào tháng Ba năm sau, và những rắc rối pháp lý kéo dài của ông có thể một lần nữa phá vỡ những nỗ lực nhằm thành lập một chính phủ sau đó.
Chính khách kỳ cựu Saar đã hy vọng thế chỗ ông Netanyahu nhưng bất thành. Ảnh: AP |
Nhìn lại cuộc bầu cử tháng 9 vừa qua, cả đảng Likud lẫn đối thủ chính của họ là đảng Xanh - Trắng theo đường lối trung dung, đều không thể bảo đảm được thế đa số trong Quốc hội và tự mình thành lập chính phủ. 2 đảng này nếu hợp lại có thể chiếm được đa số vững chắc số ghế trong Quốc hội, mở ra khả năng thành lập một chính phủ liên minh quốc gia, xem đó là cách tốt nhất để bước ra khỏi khủng hoảng. Nhưng đảng Xanh-Trắng đã từ chối cộng tác với ông Netanyahu khi nhà lãnh đạo này đang trong tình trạng bị truy tố.
Các cuộc thăm dò dư luận dự báo một kết quả tương tự sẽ xảy đến trong cuộc bầu cử vào năm sau, tăng khả năng tiếp diễn thêm nhiều tháng trời “tê liệt” trên chính trường, nhất là trong bối cảnh suốt năm qua đất nước này đã phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ tạm thời.
Vận may giảm sút?
Netanyahu, nhân vật đã lãnh đạo đất nước Israel suốt thập niên qua, duy trì vị thế trên đỉnh cao chính trị của mình thông qua việc chăm chút cho hình ảnh một vị chính khách kỳ cựu với mối quan hệ thân thiết cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác.
Thủ tướng Israel có mối quan hệ thân thiết cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác. |
Việc ông từ chối đưa ra nhượng bộ đối với người Palestine đã được “quả ngọt” sau khi ông Trump nhậm chức, cụ thể là Mỹ bắt đầu công khai đứng về phía Israel trong một số vấn đề then chốt, càng tăng thêm giá trị đường hướng tiếp cận của Netanyahu trong con mắt của nhiều người Israel và tăng thêm bầu không khí thần bí của nhà lãnh đạo này.
Đường hướng cứng rắn của Netanyahu đối với Iran cũng đã chứng minh là được lòng dân. Ông là người phản đối kịch liệt thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, vốn dĩ đã phần nào đổ vỡ khi ông Trump rút khỏi văn kiện này. Một loạt vụ tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến Iran tại Syria, Liban và Iraq càng đánh bóng thêm những tuyên bố quả quyết của Netanyahu về việc bảo vệ Israel trước các kẻ thù.
Dẫu vậy, vận may của ông đã giảm sút trong năm qua, sau khi ông không thể thành lập chính phủ sau các cuộc bầu cử liên tiếp vô tiền khoáng hậu vào tháng 3 và tháng 9. Đảng của ông chỉ giành được vị trí số 2 hồi tháng 9, khiến nhiều nhà quan sát nhìn nhận rằng, cuộc bỏ phiếu thời điểm ấy là khởi đầu cho hồi kết của nhà lãnh đạo này.
Áp phích in hình ông Netanyahu tại thành phố Hadera ở phía Bắc Israel. Ảnh: AP |
Vào tháng 11, Netanyahu bị truy tố các tội danh lừa đảo, phá vỡ lòng tin và nhận hối lộ, đỉnh điểm của 3 cuộc điều tra tham nhũng kéo dài. Netanyahu đã cam kết tiếp tục tại nhiệm, bác bỏ cáo buộc, xem đó là “âm mưu đảo chính” của giới truyền thông và hành pháp thù địch.
Không ít trở ngại
Reuven Hazan, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hebrew, Jerusalem nhận định rằng, chiến thắng vừa rồi của Netanyahu cũng sẽ chẳng đem lại tác động nào tới cuộc tổng tuyển cử, mà chỉ đơn thuần có nghĩa là ông đã thành công duy trì quyền kiểm soát trong đảng.
Trong những tuần gần đây, Netanyahu tỏ ra rào rạt sức sống trong quá trình bắt đầu chiến dịch tranh cử, tham gia vài sự kiện trực tiếp mỗi ngày, tập trung người ủng hộ trong những buổi gặp gỡ quy mô nhỏ và những cuộc gặp mặt đối mặt. Cách tiếp cận này có vẻ đem lại thành công và sẽ là hình mẫu cho một chiến dịch vận động tổng tuyển cử hiệu quả hơn. Trong khi đó, Israel sẽ vẫn phải duy trì tình thế bất ổn định trong ít nhất là thêm 2 tháng nữa.
Trước mắt Thủ tướng Netanyahu vẫn còn không ít trở ngại. Trong ảnh: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) tại trụ sở đảng Likud ở Tel Aviv. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Netanyahu đang tìm mọi cách để có thể tiếp tục trụ lại, có được “tấm lá chắn” trước “cơn bão” truy tố tội danh tham nhũng đang đến.
Có thể khẳng định, ông Netanyahu đang tìm mọi cách để có thể tiếp tục trụ lại, có được “tấm lá chắn” trước “cơn bão” truy tố tội danh tham nhũng đang đến. Tuy nhiên, kể cả trong cuộc bỏ phiếu vừa qua ông giành được chiến thắng, thì trước mắt Netanyahu vẫn còn không ít trở ngại. Tuần tới, Tòa án tối cao của nước này sẽ bắt đầu cân nhắc liệu một thành viên Quốc hội bị truy tố có thể được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới hay không. Quyết định này có thể khiến Netanyahu không đủ điều kiện để lãnh đạo chính phủ kế tiếp.
Thế bất ổn định về chính trị tại quốc gia này cũng đã dẫn tới việc chính quyền Trump phải hoãn công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông được đồn đoán bấy lâu. Người Palestine phản đối kế hoạch này, cho rằng chính quyền xứ cờ hoa thiên vị Israel. Trong khi đó, Netanyahu khẳng định Israel đang nỗ lực bảo đảm sự ủng hộ của Mỹ đối với việc sáp nhập các khu vực rộng lớn của Bờ Tây bị chiếm đóng, nhưng chỉ với điều kiện ông tiếp tục nắm quyền. Nếu điều này được hiện thực hóa, sẽ dập tắt hy vọng của Palestine về một ngày nào đó thiết lập một nhà nước độc lập, song sẽ củng cố di sản của Netanyahu - nhân vật có thể được ca tụng là nhà lãnh đạo cánh hữu thành công nhất trong lịch sử nước này./.