Thủ tướng Italy từ chức
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte từ chức hôm qua sau khi chỉ trích Phó thủ tướng Matteo Salvini theo đuổi lợi ích cá nhân khiến chính phủ khủng hoảng.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trong cuộc họp quốc hội ngày 20/8. Ảnh: AFP |
Giuseppe Conte, 55 tuổi, thông báo quyết định từ chức trong bài phát biểu trước quốc hội Italy ngày 20/8, phiên làm việc đầu tiên sau khi các nghị sĩ quay trở về từ kỳ nghỉ hè. Ông cáo buộc Phó thủ tướng, Bộ trưởng nội vụ, lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini tìm cách kiếm tiền từ sự nổi tiếng của mình.
"Bộ trưởng Nội vụ đã cho thấy ông ấy đi theo những lợi ích cá nhân và đảng của ông ấy. Những quyết định của ông ấy sẽ tạo ra rủi ro lớn cho quốc gia", Conte phát biểu trong khi Salvini giữ bộ mặt lạnh lùng ở bên cạnh.
Trong một động thái gây bất ngờ ngày 8/8, Salvini tuyên bố liên minh cầm quyền giữa đảng Liên đoàn của ông với đảng Phong trào 5 Sao đã chết và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, động thái này được đánh giá có thể là một sai lầm chính trị lớn, mở ra cánh cửa dẫn đến quyền lực cho các đối thủ của ông.
Conte mô tả những hành động của Salvini là liều lĩnh, "tiềm ẩn nguy cơ đưa đất nước vào một vòng xoáy bất ổn chính trị và tài chính". Các chính trị gia từ đảng 5 sao và đảng Dân chủ trung tả đang công khai thảo luận về một liên minh mới mà theo đó sẽ đẩy đảng Liên đoàn về phía đối lập.
Phó thủ tướng Matteo Salvini. Ảnh: Reuters |
Sau phiên tranh luận trước thượng viện, Conte đã nộp đơn từ chức cho Tổng thống Sergio Mattarella, người sẽ chủ trì phiên họp giữa các đảng để tìm cách thành lập liên minh chính phủ mới vào ngày 21/8. Nếu không đạt được điều đó, Tổng thống phải giải tán quốc hội và một cuộc bầu cử sớm hơn lịch trình 3,5 năm sẽ diễn ra.
Salvini bác bỏ những bình luận từ Conte, nói rằng các đảng khác sợ phải tham gia bầu cử và mất đi tầm ảnh hưởng. Ông cho biết mục tiêu chính trị mình theo đuổi là thách thức các quy tắc tài khóa của Liên minh châu Âu (EU). Salvini đổ lỗi cho EU đã khiến Italy lâm vào khó khăn. Theo ông, Rome cần chi ít nhất 50 tỷ euro (55 tỷ USD) để kích thích nền kinh tế yếu kém.