Thủ tướng: 'Lãnh đạo phải máu lửa, xông pha chứ không làm cầm chừng'
Bộ máy lãnh đạo các cấp phải máu lửa, trách nhiệm, xông pha trận mạc; phải loại bỏ cán bộ vô trách nhiệm với nhân dân.
Sáng 28/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Thủ tướng cho rằng, phải xây dựng tỉnh Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững và toàn diện; cùng với Đà Nẵng và Quảng Ngãi, là trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung Bộ.
Thủ tướng đề nghị phải xây dựng Quảng Nam cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi thành trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung Bộ. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, Quảng Nam là tỉnh lớn ở miền Trung, có cảng biển, sân bay, di sản văn hóa đặc biệt, có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là vùng đất anh hùng, có truyền thống cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, Quảng Nam có 100.000 liệt sỹ, trong đó có 70.000 là người dân địa phương.
Phát huy truyền thống cách mạng đó, Quảng Nam đã không ngừng vươn lên. Kể từ khi tách tỉnh cách đây 20 năm, từ chỗ ngân sách tỉnh lúc đó chỉ 120 tỷ đồng, thì nay trở thành tỉnh thu ngân sách lớn, đến năm 2017 sẽ trở thành tỉnh đóng góp cho ngân sách Trung ương. 9 tháng qua, thu ngân sách của tỉnh đạt 100% kế hoạch, với gần 12.460 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ và đã đạt 90% dự toán.
Theo báo cáo của tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội hiện có chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua đạt 12%, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, có hơn 640 doanh nghiệp mới thành lập. Từ năm 2017, tỉnh có thể điều tiết về ngân sách Trung ương khoảng 7.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, Quảng Nam có 53 xã và thị xã Điện Bàn, Huyện Phú Ninh đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, Quảng Nam vẫn có 9 huyện miền núi trong đó có 6 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Với nhiều lợi thế, đại diện các bộ đều đánh giá, Quảng Nam có đủ điều kiện phát triển thành tỉnh kinh tế lớn của vùng, trong đó có thể phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh đô thị hóa; tính đến việc quy hoạch để phát triển Cảng Chu Lai thành cảng trung chuyển quốc tế.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu, Quảng Nam cần lưu ý mặn xâm nhập ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Quảng Nam cũng cần tận dụng lợi thế phát triển mạnh du lịch, liên kết với các tỉnh từ Huế đến Khánh Hòa, thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam.
Thủ tướng đề nghị phải xây dựng Quảng Nam cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi thành trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung Bộ Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Quảng Nam đã phát triển tốt các mũi nhọn là phát triển du lịch, cơ khí, cơ sở hạ tầng. Đời sống nhân dân được nâng lên; cải cách hành chính nhiều tiến bộ; nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Xúc tiến đầu tư đạt kết quả tốt, nhất là vào Khu Kinh tế Chu Lai, giải quyết việc làm cho 250.000 người.
Thủ tướng biểu dương Quảng Nam từ tỉnh nhận trợ cấp, từ 2017, tỉnh có thể điều tiết về ngân sách Trung ương. Đây là niềm tự hào đối với Quảng Nam, bởi cả nước mới chỉ có 13 tỉnh điều tiết về ngân sách Trung ương.
Thủ tướng cũng đánh giá Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam có sự đoàn kết, tạo động lực phát triển. Trên tinh thần đó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đạt được.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, Quảng Nam còn nhiều khó khăn trong chặng đường phát triển. Đó là tỷ lệ nghèo còn cao, chủ yếu ở khu vực miền núi. Số doanh nghiệp còn thấp, 280 người dân/1 doanh nghiệp, trong khi cả nước là 160 người dân/1 doanh nghiệp; số dự án lớn mang tính đột phá, là quả đấm thép còn ít. Thủ tướng cũng lưu ý tỷ lệ lao động trong nông nghiệp của tỉnh còn lớn, nên tỉnh phải quan tâm đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho người nông dân.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo: “Phải xây dựng tỉnh Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững và toàn diện; cùng với Đà Nẵng và Quảng Ngãi, là trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung Bộ. Về quy mô kinh tế, không gian phát triển của Quảng Nam tốt hơn Đà Nẵng; tổng thu ngân sách của Quảng Nam cũng lớn hơn Đà Nẵng. Đất đai của Quảng Nam còn lớn, gấp 12 lần Đà Nẵng. Do vậy, phải xây dựng Quảng Nam cùng với Đà Nẵng và Quảng Ngãi, trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung Trung Bộ”.
Để làm được điều đó, Thủ tướng cho rằng, Quảng Nam cần tập trung các nguồn lực, xây dựng chính quyền liêm chính kiến tạo; đi trước đón đầu. Quảng Nam phải tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó, giảm tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nhưng nâng quy mô, tập trung đánh bắt xa bờ; chăn nuôi đại gia súc.
Đánh giá Quảng Nam có nhiều di tích văn hóa, có hai di sản văn hóa thế giới, bãi biển đẹp, Thủ tướng cho rằng tỉnh cần tận dụng lợi thế này để phát triển mạnh du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đối với vùng khó khăn phía Tây của tỉnh, phải quy hoạch, sắp xếp lại dân cư gắn với phát triển nông nghiệp và làng nghề, phục vụ du lịch, nâng cao đời sống cho người dân.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến trách nhiệm của bộ máy lãnh đạo tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. “Bộ máy lãnh đạo các cấp, từ cấp tỉnh, thành phố, huyện phải máu lửa, trách nhiệm, xông pha trận mạc, làm việc ngày đêm vì nhân dân tỉnh nhà. Cán bộ nào phong trào đó, không thể làm việc cầm chừng. Phải loại bỏ cán bộ vô trách nhiệm với nhân dân. Nhất là xây dựng tinh thần này trong tỉnh ủy và lớp trẻ”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh về công tác quy hoạch, tránh xung đột giữa phát triển công nghiệp và du lịch. Cùng với đó, Quảng Nam phải có chương trình phát triển doanh nghiệp; có giải pháp thu hút đầu tư lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Một nhiệm vụ quan trọng khác Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam phải quan tâm phát triển, đó là cơ sở hạ tầng.
“Quảng Nam phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống cảng, sân bay; hành lang kinh tế Đông – Tây, Quốc lộ 14D, đường lên Tây Nguyên, đường cao tốc chỉ mới thành công bước đầu. Phải nạo vét các cảng, xã hội hóa để có đón các tàu quốc tế lớn. Quảng Nam có sân bay Chu Lai, có sẵn đường băng, có mặt bằng 3.000 héc ta không phải giải phóng mặt bằng. Việc cần làm tiếp theo là xây dựng nhà ga. Tôi giao Quảng Nam và Bộ Giao thông - Vận tải cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, phải có hội nghị chuyên đề bàn về hệ thống hạ tầng này. Coi đây là nút thắt cần tháo gỡ cho sự phát triển của tỉnh Quảng Nam”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng cho rằng, Quảng Nam cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra cơ chế để phát triển thành trung tâm cơ khí ô tô cả nước./.
Theo VOV