Thủ tướng Mahathir đệ đơn từ chức, Malaysia rơi vào vòng xoáy hỗn loạn chính trị

Hoàng Bách 26/02/2020 08:16

(Baonghean) - Đầu tuần này, liên minh cầm quyền tại Malaysia đã tan rã sau khi đương kim Thủ tướng Mahathir Mohamad - nhà lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới - đã đưa ra quyết định chấn động, đệ đơn từ chức lên Quốc vương. Người đứng đầu hoàng gia đã chấp thuận nguyện vọng này, nhưng đồng thời cũng đề nghị ông Mahathir đảm đương cương vị thủ tướng lâm thời. Chính trường Malaysia đang đứng trước nhiều bất ổn, nhất là khi các đảng chính trị đối lập chạy đua để tiến đến thỏa thuận và thành lập chính phủ.

Chính trường nổi sóng

Báo chí phương Tây đã dành khá nhiều “đất” để đề cập đến biến động trên chính trường quốc gia Đông Nam Á Malaysia. Theo AP, sau nhiều tháng đứng trước sức ép yêu cầu chuyển giao vai trò thủ tướng cho người kế nhiệm Anwar Ibrahim, rốt cuộc ông Mahathir đã quyết định dứt áo ra đi vào tuần này, giữa lúc những người ủng hộ Mahathir lên kế hoạch bắt tay với các đảng đối lập để thành lập chính phủ mới và phá vỡ kế hoạch chuyển giao quyền lực cho ông Anwar. Đảng Bersatu của ông Mahathir cũng rút khỏi liên minh cầm quyền, khiến liên minh này giảm đi 37 ghế và mất đi thế đa số trong quốc hội, đồng nghĩa với việc đẩy Malaysia vào sâu trong cảnh hỗn loạn.

Đoàn xe của Thủ tướng Malaysia đến Dinh Quốc gia tại Kuala Lumpur hôm 24/2. Ảnh: EPA
Đoàn xe của Thủ tướng Malaysia đến Dinh Quốc gia tại Kuala Lumpur hôm 24/2. Ảnh: EPA

Tờ Guardian cũng quan tâm đến lý do ông Mahathir đệ đơn từ chức, dù bản thân nhà lãnh đạo này chưa từng lên tiếng giải thích cụ thể về quyết định của mình. Nguồn tin của Anh cho rằng, vốn dĩ trong liên minh cầm quyền đã hiện hữu những căng thẳng không phải ngày một ngày hai, trong đó nhất thiết không thể bỏ qua mối cộng tác tưởng như khó có thể đạt được giữa ông Mahathir và ông Anwar. 2 chính khách này đã có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” suốt nhiều thập kỷ.

Thực tế, ông Anwar từng làm phó tướng cho ông Mahathir khi ông đảm nhiệm chiếc ghế thủ tướng Malaysia lần thứ nhất. Tuy nhiên, do những bất đồng trong việc điều hành, quản lý lĩnh vực kinh tế, Anwar đã bị Mahathir sa thải năm 1998. Cho đến trước các cuộc bầu cử năm 2018, 2 chính trị gia bất ngờ gác lại “mối thù xưa”, bắt tay hợp tác để cùng lật đổ chính phủ của ông Najib Razak, nhân vật bị vướng vào đại án tham nhũng liên quan đến quỹ 1MDB, vốn dĩ vẫn thường được nhắc đến là vụ án lớn nhất thế giới trong lĩnh vực tài chính. Theo thỏa thuận đạt được giữa đôi bên, ông Mahathir đã hứa hẹn rằng bản thân sẽ trao lại vị trí cho Anwar, song không định thời gian cụ thể cho việc này.

Mahathir Mohamad (phải) và Anwar Ibrahim đã có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” suốt nhiều thập kỷ. Ảnh: AFP
Mahathir Mohamad (phải) và Anwar Ibrahim đã có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” suốt nhiều thập kỷ. Ảnh: AFP

Mãi cho đến thứ Sáu tuần trước, kịch tính bắt đầu nổ ra trên sân khấu chính trị Malaysia, sau khi liên minh cầm quyền nhất trí cho ông Mahathir tự do quyết định thời điểm thôi giữ chức thủ tướng. Đến Chủ nhật, sự đối đầu giữa 2 phe phái của 2 chính trị gia nói trên lên tới đỉnh điểm, khi những người ủng hộ ông Mahathir được cho là đã gặp gỡ với đảng đối lập liên quan đến bê bối 1MDB để bàn thỏa việc thành lập chính phủ mới. Ngày 24/2, ông Anwar lên tiếng khẳng định rằng ông Mahathir đã có cuộc trao đổi với mình, và tuyên bố “rất rõ rằng ông không bao giờ hợp tác với những người liên quan đến chế độ cũ”. Theo tiết lộ này, rất có thể ông Mahathir từ chức do không chấp nhận cáo buộc rằng ông sẽ hợp tác với chế độ trước đây.

Lùi một bước, tiến hai bước

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu nước cờ từ chức có phải là hồi kết cho thời đại của ông Mahathir? Theo một số chuyên gia phân tích, điều này không nhất thiết được lý giải như vậy. Thậm chí, dù xin thôi giữ chức, thì ông Mahathir hiện lại sở hữu vị thế mạnh hơn cả hồi năm 2018. Các đảng chính trị ở cả 2 phe, kể cả những người ủng hộ ông nhưng đã rút khỏi liên minh cầm quyền, có vẻ vẫn trung trinh ủng hộ nhà lãnh đạo ngoài cửu tuần. Hiện cũng chưa rõ liệu bản thân Mahathir có thực sự muốn “nghỉ ngơi” hay chưa. Chỉ biết rằng, ông đã chấp thuận đề nghị làm thủ tướng lâm thời, và sáng 25/2 đã trở lại văn phòng làm việc như thường lệ, đăng lên Twitter trạng thái “Lại thêm một ngày nữa ở văn phòng”. Có điều, giờ đây nội các của ông đã được Quốc vương giải tán, và ông có quyền tự tay chọn lựa những gương mặt mới vào vòng tròn thân cận của mình.

“Không nghi ngờ gì ông ấy trở nên còn quyền lực hơn trước. Tất cả đảng phái đều cam kết hợp tác với ông ấy. Đây có thể xem là một chiến lược, nhưng quan trọng là cũng không được quên rằng toàn bộ sự tan rã này phản ánh mặt yếu kém của ông trên cương vị lãnh đạo và cũng không đem lại lợi ích gì cho Malaysia”.

Bridget Welsh - chuyên gia đang làm việc tại Đại học Nottingham của Malaysia

Ông Mahathir đăng ảnh lên Twitter sau khi trở lại nơi làm việc với cương vị thủ tướng lâm thời. Ảnh: Twitter
Ông Mahathir đăng ảnh lên Twitter sau khi trở lại nơi làm việc với cương vị thủ tướng lâm thời. Ảnh: Twitter

Trong khi đó, James Chin - người đứng đầu Viện nghiên cứu châu Á tại Đại học Tasmania của Australia lại cho rằng: “Đó là bước đi chiến thuật cho phép ông được linh hoạt tối đa thành lập chính phủ mới. Ông ấy đã phải từ chức để toàn bộ chính phủ không còn nữa. Điều này cho phép ông lập ra một liên minh mới mà không có cặn bã từ liên minh cũ. Ông sẽ rảnh tay để chọn mặt gửi vàng”.

Khó có thể đưa ra dự báo kịch bản trong dài hạn, nhưng trước mắt, trong tuần này nhiều khả năng sẽ diễn ra một cuộc đua rốt ráo tại Malaysia. Các chính khách giờ đây có khe cửa hẹp để thành lập chính phủ, do đó các phe phái đối đầu đang tranh thủ thời gian để đạt thỏa thuận. Nhưng điều này cũng không dễ, bởi theo quy định, nếu muốn thành lập chính phủ, một liên minh phải có tối thiểu 112 ghế trong tổng số 222 ghế tại quốc hội.

Một kịch bản khả dĩ là ông Mahathir sẽ thành lập chính phủ cùng các đảng còn trụ lại trong liên minh cầm quyền, kiếm thêm sự ủng hộ từ những địa chỉ khác. Hoặc, ông có thể theo chân những người ủng hộ truyền thống của mình, nay đã rời liên minh, và hợp sức cùng những người mà ông đã tước quyền vào năm 2018, song kịch bản này được đánh giá là khó có khả năng. Chưa hết, Mahathir có thể chọn phương án lui về khỏi thế trận rối ren, và mở đường cho cuộc đua giữa Anwar với những nhân vật trong đảng Bersatu của mình. Nếu không bên nào giành đủ số lượng ghế như đã đề cập trên, khi ấy Quốc vương Malaysia sẽ có thể tổ chức bầu cử sớm.

Quốc vương Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah (phải) và Thủ tướng Mahathir. Ảnh: AFP

Có lẽ nhận thức rõ rằng dù ngã rẽ nào đang đón đợi ở phía trước, thì vẫn cần thời gian khá dài chính trường Malaysia mới có thể phục hồi, thoát khỏi vũng lầy bất ổn, nên mới đây Quốc vương nước này đã bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng đang bày ra, đồng thời hối thúc người dân giữ bình tĩnh. “Hãy cho phép tôi hoàn thành trách nhiệm của mình. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất cho đất nước”, đó có lẽ không chỉ là mong đợi của riêng nhà vua Malaysia.

Mới nhất

x
Thủ tướng Mahathir đệ đơn từ chức, Malaysia rơi vào vòng xoáy hỗn loạn chính trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO