Thủ tướng yêu cầu thực hiện triệt để ‘6 rõ’ trong đầu tư công
Tại Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện triệt để “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm và rõ thẩm quyền nhằm đạt tỷ lệ giải ngân 100%.
Sáng 20/5, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Đồng chủ trì có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.

Rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, quản lý
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị cần phân tích những động lực để thúc đẩy đầu tư công, ví như những động lực truyền thống, động lực mới tác động tới nền kinh tế cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công,…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hội nghị phân tích các nguyên nhân, rút ra bài học trong lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là người đứng đầu phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thay đổi tư duy, phân cấp, phân quyền, giao rõ việc, rõ thẩm quyền và rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, quản lý. Thực hiện triệt để “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm và rõ thẩm quyền, nhằm đạt tỷ lệ giải ngân 100%.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Theo đó, đến ngày 30/4/2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 99% kế hoạch. Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 ước thanh toán từ đầu năm đến ngày ngày 30/4/2025 là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%).
Như vậy, về giá trị tuyệt đối, năm 2025 giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2024 khoảng 18 nghìn tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao thì thấp hơn. Giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 13,33% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,79%); giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 17,20% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%).
Giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG) đạt 21,43%.
Trong 4 tháng năm 2025, có 10 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tỉnh Nghệ An, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình... Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp.

Đề xuất giải pháp để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100%
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã báo cáo tiến độ giải ngân đầu tư công của Nghệ An.
Đến ngày 10/5, tiến độ giải ngân của Nghệ An đạt 25,49% trên tổng kế hoạch và đạt 28,12% so kế hoạch đã giao (cao hơn so với cùng kỳ 26,36%). Trong đó, một số nguồn giải ngân đạt khá như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (đạt 59,65%), ngân sách địa phương (đạt 27,08%),…
Qua rà soát, tỉnh Nghệ An còn một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của tỉnh đạt 10,5%.
Các đồng chí Phó Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp Nhà nước cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Các ý kiến tại hội nghị ngoài báo cáo tiến độ giải ngân vốn, các bộ, ngành, địa phương tập trung nêu các nguyên nhân, các kiến nghị nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng giải ngân đầu tư công. Trong đó, có nhiều nguyên nhân vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên, vật liệu, đơn giá, định mức; quy hoạch; phát sinh vướng mắc liên quan sáp nhập địa giới hành chính và tổ chức bộ máy…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các điểm sáng của đầu tư công về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt và kết quả giải ngân cao của 10 bộ, ngành, 38 địa phương. Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng đã ban hành 1 Chỉ thị, 3 Công điện đôn đốc giải ngân đầu tư công; thực hiện 4 phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về các công trình trọng điểm. Các nội dung đầu tư công được đưa vào chương trình làm việc, phiên họp của Chính phủ, bộ, ngành.
Năm 2025, có khoảng 830 nghìn tỷ đồng để đầu tư, chưa kể nguồn tăng thu, tiết kiệm chi. Thời gian tới, Trung ương sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế đầu tư công, sửa đổi bổ sung các luật; phát huy vai trò của các tổ công tác, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc với tinh thần “6 rõ”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng bày tỏ cảm ơn nhân dân đã nhường mặt bằng, nhường nơi ăn, chốn ở, nơi thờ tự, ruộng, vườn cho các dự án của quốc gia, góp phần xây dựng hạ tầng địa phương, giải ngân vốn đầu tư công.
Đến nay, còn 21 địa phương chưa phân bổ hết các nguồn vốn, Thủ tướng đề nghị phân bố hết trong tháng 5/2025. 37 cơ quan và 27 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước cũng cần nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để đạt mục tiêu giải ngân 100% của năm 2025.