Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn – Bài 1: Vào cuộc cùng nông dân

Rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn mang lại giá trị kinh tế cao, mở ra những cơ hội mới cho bà con nông dân. Kết quả đó có sự chung tay tích cực của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cùng các cấp, ngành, địa phương. Hoạt động được ghi nhận từ công tác tuyên truyền đến tham gia trong các khâu sản xuất, chế biến, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, Chứng nhận OCOP) đến liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Khi Hội Nông dân huyện Thanh Chương phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình trồng chè hữu cơ, ông Hoàng Kim Huỳnh ở xóm 6, xã Thanh Hương hào hứng tham gia. Sau khi tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật, ông tìm đọc thêm sách về kỹ thuật trồng chè, áp dụng vào chính vườn chè của gia đình. Nhờ đó, 3,2 ha chè của gia đình ông phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch khoảng 60 tấn chè, thu nhập gần 250 triệu đồng/năm. Ông Huỳnh chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ bất cứ ngành nghề gì, muốn thành công phải chăm chỉ, chủ động tìm hướng đi mới. Tôi quyết tâm theo đuổi ý tưởng trồng chè hữu cơ của mình, dồn sức cải tạo vườn chè, thu mua phân chuồng, học cách phối trộn, ủ thành phân vi sinh chăm bón cho từng gốc chè. Quá trình sản xuất sạch phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ khâu chăm sóc, bón phân, thu hoạch”.

Hội Nông dân Thanh Chương cũng phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Tổng đội Thanh Đức hỗ trợ 15 hộ gia đình trồng trên 15 ha cam theo mô hình tiêu chuẩn cam hữu cơ sạch bệnh. Diện tích cam phát triển ổn định, tỷ lệ đậu quả cao và đặc biệt là không bị rụng quả, sâu bệnh như một số mô hình ở địa bàn khác. Đến nay, cam cho thu hoạch bình quân đạt 25-27 tấn/ha, thời gian thu hoạch rộ vào tháng 10-11 âm lịch.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương – ông Nguyễn Xuân Khánh cho biết: “Hội Nông dân huyện đã xây dựng triển khai 38/38 xã, thị trấn về xây dựng các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn. Cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, Huyện hội đã chủ động kết nối với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp xây dựng các mô hình trồng trọt an toàn, chăn nuôi sinh học. Hội Nông dân huyện triển khai mô hình thâm canh 6 ha cây bưởi da xanh trồng xen ổi an toàn sinh học, đồng thời thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả tại xã Hạnh Lâm”.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Thanh Chương.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Thanh Chương.

Tại huyện Nghĩa Đàn, nhiều chương trình, đề án phát triển nông nghiệp được quan tâm triển khai gắn với chủ trương xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một trong những kết quả nổi bật là huyện khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hộ từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới. Huyện Nghĩa Đàn hiện có 27 vườn chuẩn được công nhận. Mỗi vườn chuẩn đều được đầu tư hệ thống tưới tiêu khoa học, quy hoạch theo từng vùng sản xuất cụ thể và được Hội Nông dân huyện, xã thường xuyên quan tâm hỗ trợ. Năm 2021, huyện Nghĩa Đàn tiếp tục hỗ trợ 22 hộ xây dựng vườn chuẩn, định mức hỗ trợ 20 triệu đồng/vườn.

Ông Hoàng Văn Hồng ở xóm Sơn Mộng là hộ đầu tiên ở xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) mạnh dạn đầu tư trồng 1 ha măng tây vào giữa năm 2020. Toàn bộ diện tích măng được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và tuân thủ quy trình chăm sóc sạch. Sản phẩm từ vườn của ông Hồng được siêu thị ở thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn và một số địa phương thu mua. Hiện nay, măng tây của ông Hồng cho thu hoạch quay vòng khoảng  50 – 70 kg măng/ngày. Giá bán tại vườn khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg…

Vườn chuẩn nông thôn mới ở xã Nghĩa Lộc; Cán bộ nông dân xã Nghĩa Hiếu khảo sát mô hình măng tây của nông dân; Mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau an toàn.
Vườn chuẩn nông thôn mới ở xã Nghĩa Lộc; Cán bộ nông dân xã Nghĩa Hiếu khảo sát mô hình măng tây của nông dân; Mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau an toàn.

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có nhiều giải pháp vận động bà con nông dân áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu triển khai chủ trương “nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn” bằng những việc làm cụ thể: Thành lập 5 HTX nông nghiệp; hình thành câu lạc bộ sản xuất rau an toàn tại xã Quỳnh Lương với 70 hội viên; xây dựng các chuỗi liên kết hộ với 61 tổ hội nghề nghiệp, 11 chi hội nghề nghiệp; tạo chuỗi liên kết, giúp nhau về kỹ thuật, về vốn, tư vấn cho nhau về bao tiêu sản phẩm. Hàng năm tập huấn, khuyến cáo, ký cam kết giữa các hội viên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cấm, đẩy mạnh sử dụng chế phẩm sinh học an toàn để phục vụ sản xuất, chăn nuôi…

Tại xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) hiện có trên 205 ha sản xuất rau màu an toàn và chuyên canh VietGAP cho thu nhập cao. Bà con nông dân đầu tư thâm canh rau màu phù hợp với từng cánh đồng, xây dựng hệ thống điện, nước tưới tiêu, máy móc làm đất, nhà lưới và thành lập chuỗi sản xuất liên kết hộ giúp nhau sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, tiêu thụ sản phẩm.


Cánh đồng rau sạch Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu).
Cánh đồng rau sạch Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu).

Trong lĩnh vực chăn nuôi, anh Lê Văn Dương (SN 1990), hội viên Hội Nông dân xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) là một trong những điển hình. Anh Dương thuê 8.000 m2 đất xây dựng trang trại nuôi gà thảo mộc với quy mô trên 10.000 con. “Quá trình xây dựng mô hình, tôi nhận được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp. Việc nuôi gà thảo mộc đẻ trứng có giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với nuôi bình thường. Hiện, tôi có 7.000 con gà mái đẻ, mỗi tháng tôi cung ứng cho thị trường 60.000 quả trứng…” – anh Lê Văn Dương chia sẻ.

Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2020 – 2023”. Mục tiêu của đề án là cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng những chương trình hành động của Hội về tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.

Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 12 mô hình điểm về sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021 – 2023; Xây dựng 10 mô hình cửa hàng trưng bày, giới thiệu kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn nhằm hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm của các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, làng nghề, trang trại, hộ gia đình tại các huyện, thành, thị.

Các mô hình chăn nuôi ở xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn), Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu); Làng nghề chế biến nước mắm ở Diễn Châu.
Các mô hình chăn nuôi ở xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn), Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu); Làng nghề chế biến nước mắm ở Diễn Châu.

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai đề án, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tổ chức lễ phát động, xây dựng các video phóng sự, các bài viết để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân; tổ chức các cuộc thi, xây dựng 3 câu lạc bộ “Nông dân sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn”, tổ chức 12 lớp tập huấn trang bị kiến thức cho 600 hội viên, nông dân về sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, thành lập 3 cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Nguyễn Quang Tùng cho biết: Quá trình triển khai Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2020 – 2023”, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Thông qua nhiều hình thức từ truyền thông, xây dựng mô hình, phát động, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chế biến. Nhiều mô hình sản xuất, chế biến an toàn trên các lĩnh vực thành công, trong đó, chủ yếu là trồng trọt, chế biến thực phẩm. Việc triển khai đề án, bước đầu tạo bước chuyển tương đối tích cực của người nông dân trong sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn.

(Còn nữa)