Thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công từ vốn vay nước ngoài
Chiều 3/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về tình hình giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài năm 2024.
Chủ trì hội nghị từ điểm cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành liên quan và điểm cầu 47/63 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài.
Chủ trì hội nghị từ điểm cầu Nghệ An có đồng chí Trịnh Thanh Hải- Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính. Cùng dự có đại diện các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương có dự án đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài.
Năm 2024, trên toàn quốc, mặc dù được giao kế hoạch và nhập hệ thống thông tin quản lý ngân sách (Tabmis) khá sớm, quá trình triển khai, Cục và Bộ liên tục đôn đốc, nhắc nhở... nhưng do nhiều khó khăn, vướng mắc, nên kết quả, tiến độ giải ngân nguồn vốn này nói chung còn thấp. Đến ngày 30/11/2024, toàn quốc giải ngân được nguồn vốn cấp phát đạt khoảng 39% và các địa phương vay lại chỉ đạt khoảng 32%.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương có vốn đầu tư công bằng vốn vay lớn như Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình... báo cáo tình hình, tiến độ giải ngân, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giải ngân tốt; đồng thời, nêu lên các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn địa phương mình, qua đó, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ.
Tại Nghệ An, trong tổng số 6 dự án sử dụng vốn nước ngoài hiện đang triển khai, có 3 dự án được bố trí kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024 và 3 dự án còn lại chưa được bố trí kế hoạch vốn. Trong đó, 2 dự án vay vốn Chính phủ Đức vừa hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện nên chưa có nhu cầu vốn trong năm 2024, có 1 dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới vừa hoàn thành ký kết Hiệp định vay vào tháng 8/2024 và hiện đang triển khai các nội dung liên quan.
Nghệ An phấn đấu cuối năm 2024 đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 50% từ nguồn vốn vay.
Tại hội nghị, phát biểu của đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân cơ bản khiến tiến độ giải ngân cả nước chậm là do liên quan đến thủ tục chuẩn bị dự án đầu tư, bị động về kế hoạch vốn nên xây dựng triển khai đầu tư không sát. Một số dự án phải thay đổi hoặc gia hạn nhưng điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư chậm khiến tiến độ giải ngân chậm theo.
Thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương kịp thời khắc phục các hạn chế trên để nâng tỷ lệ giải ngân hết năm 2024 phải đạt tối thiểu trên 50%; đồng thời, chuẩn bị tốt giai đoạn đầu tư để triển khai các dự án được phân bổ vốn năm 2025.
Trên cơ sở tiếp thu kiến nghị, Bộ Tài chính sẽ trao đổi, tham vấn với các chuyên gia tư vấn quốc tế và tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc./.