Thực hiện cải cách, tiền lương sẽ tăng bao nhiêu?
Cử tri đang rất quan tâm tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu. Do đó, cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức.
Tháng 10/2023, Chính phủ sẽ trình phương án cải cách tổng thể tiền lương
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội). |
Phát biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), bày tỏ quan tâm đến một vấn đề không mới nhưng đây là điều người dân quan tâm là chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đại biểu, tháng 10 tới đây nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đại biểu nhấn mạnh, chính sách tiền lương là chính sách vô cùng quan trọng. Một chính sách tiền lương đúng đắn có tác động thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến xã hội.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến đời sống người dân. Đến nay chúng ta đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương. Tuy nhiên, có một thực tế không thể không nhìn thấy là mức lương cán bộ, công chức tại thời điểm hiện nay khá thấp.
Lương công chức Việt Nam trung bình 10 triệu đồng; Campuchia 17 triệu; Thái Lan 56,7 triệu
"Vậy chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới?", đại biểu nêu vấn đề và cho rằng sẽ là khập khiễng nếu so sánh với các nước phát triển. Song chỉ cần so với các nước trong khu vực sẽ thấy một khoảng cách không nhỏ.
Theo đại biểu, một sinh viên mới ra trường có mức thu nhập là hơn 3,4 triệu đồng, mức lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng. Nếu quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan có thu nhập là hơn 56 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng, Campuchia là 17 triệu đồng…
Xét về căn cứ chính trị, đại biểu cho biết, Nghị quyết 27-NQ-CP của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn. Trong 3 năm liên tiếp Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm cải cách tiền lương. Nguyên nhân là chúng ta cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi kinh tế, đó là chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, đến nay sau hơn 2 năm thực hiện, mặc dù Chính phủ cũng quyết liệt đôn đốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài Chính cũng đôn đốc nhưng vẫn còn hơn 14.000 tỷ đồng vốn chương trình phục hồi kinh tế chưa thể phân bổ, hơn 429.000 tỷ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được giao.
"Như vậy, trong lúc nước ta thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để đầu tư phát triển thì một phần nguồn lực vẫn chưa được phát huy hiệu quả trong nền kinh tế. Đây là điều đáng tiếc", đại biểu bày tỏ.
Cải cách tiền lương phải thay đổi căn bản, thực chất
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, một điều mà cử tri quan tâm là tới đây cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu. Tại thời điểm hiện nay sẽ không có thông tin nào được coi là chính xác vì Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, rất cần một sự thay đổi căn bản mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức.
Đại biểu cho rằng có ý kiến đề nghị tăng ở mức 21-22%. Tuy nhiên, với mức này thì một người đang hưởng lương 10 triệu cũng chỉ thêm được 2,1 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu rất rõ ràng, đó là tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu. Chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế.
Theo đại biểu, hiện nay cuộc cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang diễn ra gay gắt, đặc biệt với những nước già hóa dân số. Nếu như không có một chính sách hợp lý thì chúng ta có thể "thua ngay trên sân nhà" trong cuộc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về kiến nghị, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW, theo đó hàng năm cần dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách thực hiện của ngân sách địa phương, 40% tăng thu ngân sách trung ương để thực hiện cho cải cách tiền lương.
Thứ hai, cần tuân thủ đúng trật tự ưu tiên trong phân bổ nguồn tăng thu. Theo đó, luật quy định rất rõ ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét các dự án đầu tư. Năm 2022 nước ta tăng thu khá lớn, ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 208.000 tỷ đồng, số chuyển nguồn cải cách tiền lương là 260.000 tỷ đồng. Trong nguồn lực này, cần ưu tiên để có nguồn lực tương xứng cho chính sách cải cách tiền lương.
Thứ ba, cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh: Chỉ khi chúng ta có mức đầu tư tương xứng thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước chúng ta không thiếu người tài, không thiếu những người tâm huyết muốn cống hiến ngay trên đất nước mình nhưng thực sự cần một chính sách đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động./.