Thực hiện dồn điền, đổi thửa ở Anh Sơn: Phát huy vai trò dân chủ

31/01/2012 17:28

(Baonghean.vn) - Chúng tôi về thôn 4, xã Long Sơn (huyện Anh Sơn) đúng vào thời điểm bà con nhân dân nơi đây hoàn thành chuyển đất màu và đất vệ kém hiệu quả, hình thành nên một vùng mía khá rộng.

Ông Trần Văn Hòa trong xóm để tiện canh tác", cũng trong tâm lý vui mừng sau dồn đổi đất, ông Trần Văn Hòa - thôn trưởng thôn 4 chỉ tay về phía vùng mía, phấn khởi: "Vùng đất vệ này có tổng diện tích gần 5 ha, trước đây gồm có 45 hộ làm lạc, đậu, bây giờ chuyển đổi còn 21 hộ trồng độc canh cây mía. Trồng mía được nhà máy Mía đường Sông Lam hỗ trợ, đầu tư 100% chi phí nên bà con rất tích cực. Nhiều hộ trong thôn như ông Phạm Văn Công có 9 sào mía, ông Trần Văn Sửu có 12 sào, ông Trần Văn Lộc có 14 sào mía...".



Bà con nông dân xã Long Sơn phát huy thế mạnh cây mía trên vùng đất vệ sau chuyển đổi.


Ông Phạm Bá Đồng - Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Ngay sau khi có Nghị quyết của Huyện ủy ban hành, tháng 10/2011, xã đã triển khai họp hội đồng, bí thư và các xóm trưởng, sau đó giao trách nhiệm tổ chức họp dân tại các xóm để thống nhất ngày cắm mốc. Để đảm bảo lợi ích thiết thực trong sản xuất, xã tập trung vận động bà con chuyển đất vệ, đất màu không hiệu quả sang trồng mía và dưa hấu. Đất có hiệu quả song manh mún thì phải dồn đổi đất giữa các hộ để tạo ra vùng chuyên canh lớn.

Mục tiêu cuộc vận động là dân chủ, công khai, coi trọng ý kiến và biết đặt quyền lợi của nhân dân lên hàng đầu. Chỉ sau hơn 1 tháng vận động, xã đã hoàn thành việc chuyển đổi trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở tất cả các xóm. Sau dồn đổi, mỗi hộ từ 5 - 6 thửa còn 1 - 2 thửa. Hiệu quả lớn nhất là xã đã tích tụ, quy hoạch tập trung được 260 ha lúa, 120 đất màu bãi, trong đó chuyên canh 100 ha ngô, 22 ha mía.

Ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: Trên tinh thần của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của BCH Đảng bộ huyện khóa 19 và Quyết định số 2750 tháng 8/2011 của UBND huyện về việc tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất, huyện đã ban hành đề án cụ thể, giao trách nhiệm cho các xã, trên tinh thần đó thành lập ban chỉ đạo chung, đôn đốc các địa phương xây dựng đề án và triển khai trên thực địa càng nhanh gọn càng tốt. Trong kế hoạch chung, đến hết năm 2011, các xã và thị trấn phải hoàn chỉnh việc xây dựng và ban hành phương án, kế hoạch chuyển đổi ruộng đất của từng đơn vị, năm 2012 tiến hành chuyển đổi ở thực địa.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay có 7 đơn vị xã đã hoàn thành việc triển khai trên thực địa là Bình Sơn, Tường Sơn, Đức Sơn, Long Sơn, Lạng Sơn, Hùng Sơn và Cẩm Sơn. Đặc biệt, 2 xã Cẩm Sơn và Hùng Sơn đã gắn chuyển đổi ruộng đất với xây dựng nông thôn mới. Hai địa phương này đã hoàn thành các bước chuyển đổi đất nông nghiệp ngoài thực địa.

Xã Hùng Sơn đã thực hiện khá bài bản, có trình tự công tác tư tưởng nên tranh thủ được sự vào cuộc nhanh của nhân dân, nay đã dồn đổi được trên 170 ha, xã Cẩm Sơn thực hiện dồn đổi gần 140 ha. Riêng xã Tường Sơn, xã chỉ đạo dồn đổi đất làm điểm trên 25 ha diện tích đất màu, đến nay 100% diện tích đất màu trên đã được chuyển đổi...


Tuy nhiên, rất nhiều địa phương như Tào Sơn, Cao Sơn, Thọ Sơn, Thị trấn và nhiều địa phương khác đến nay mới triển khai lấy ý kiến của nhân dân, việc xây dựng đề án và kế hoạch thực hiện việc dồn đổi đất chậm trễ. Nguyên nhân được xác định do những khó khăn chung về điều kiện tự nhiên, về công tác vận động tư tưởng và vào cuộc chưa thực sự kịp thời của các cấp chính quyền địa phương.


Thời gian tới, huyện Anh Sơn gắn công tác chuyển đổi ruộng đất với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2012 hoàn thành công tác chuyển đổi ngoài thực địa trên địa bàn 100% các xã.


Lương Mai

Mới nhất
x
Thực hiện dồn điền, đổi thửa ở Anh Sơn: Phát huy vai trò dân chủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO