Thực hiện nghiêm phương châm '4 tại chỗ' trong phòng, chống cháy rừng

Quang An 05/05/2024 17:30

(Baonghean.vn) - Chiều 5/5, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.

Tham dự chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Kon Tum có đồng chí Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành. Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương có diện tích rừng trên địa bàn tỉnh.

Cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng là 14,8 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên là 10,1 triệu ha, rừng trồng hơn 4,7 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.

bna_toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An ảnh Quang An.jpg
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với cùng kỳ năm 2022, diện tích rừng bị tác động là 1.047,8 ha.

4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182,2 ha, giảm 75,7 ha. Các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên...

bna_3.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Mặc dù số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khu vực Tây nguyên, Đông Nam Bộ.

Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, năm 2023, cả nước đã xảy ra 310 vụ, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5 ha, trong đó: Diện tích rừng có khả năng tự phục hồi khoảng 487,5 ha, diện tích rừng khó có khả năng tự phục hồi khoảng 187 ha.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng, với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498 ha, chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng EL NINO, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng đã dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng.

Các vụ cháy rừng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt, có những vụ cháy rừng đã gây thiệt hại về người. Trong 4 tháng đầu năm, đã có 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng bị tử vong, cụ thể, vụ cháy rừng tại khu rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh đã làm 2 cán bộ Kiểm lâm tử vong, 1 người tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

bna_1.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Đại diện Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2024, nhiệt độ trung bình của cả nước tăng cao hơn so với các năm, đặc biệt, trong đợt nắng nóng kỷ lục tháng 4/2024. Nắng nóng năm nay đến sớm hơn, gay gắt hơn, là điều hiếm thấy trong nhiều năm qua. Nguyên nhân chính gây ra nắng nóng kỷ lục là do ảnh hưởng của hiện tượng EL NINO và biến đổi khí hậu. Thời gian tới, nắng nóng vẫn còn kéo dài, điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng tăng cao.

Giữ được tỷ lệ che phủ rừng

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, với trên 1,0 triệu ha (trong đó: rừng tự nhiên trên 790 nghìn ha; rừng trồng trên 210 nghìn ha), độ che phủ rừng năm 2023 đạt 58,33%. Rừng tập trung chủ yếu phía Tây, giáp Lào, địa hình hiểm trở, bị chia cắt, độ dốc lớn; khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, nắng nóng khô hạn, nhất là vào mùa Hè có gió phơn Tây Nam khô nóng.

bna_Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại điểm cầu Nghệ An ảnh Quang An.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An
Diện tích rừng Nghệ An.png
Đồ hoạ: Hữu Quân

Đặc biệt, Nghệ An hiện có trên 15.476 ha rừng trồng là thông và hơn 42.900 ha rừng tự nhiên tre, nứa, là những vùng trọng điểm rất dễ xảy ra cháy rừng.

Trong đợt nắng nóng vừa qua, Nghệ An đã xảy ra 1 vụ cháy rừng vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Khu vực cháy là vùng giáp ranh giữa 2 huyện Thanh Chương và Nam Đàn nơi có địa hình dốc, loài cây chủ yếu là thông, keo... đám cháy đã lan rộng trên diện tích khoảng 18 ha, chủ yếu là thông, keo, tráng cỏ, lau lách, bổi vọt...

bna_6.jpg
Nghệ An xảy ra cháy rừng trong dịp nghỉ lễ 40/4 - 1/5 vừa qua. Ảnh: Quang An

Ngay khi xảy ra cháy rừng, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, lực lượng kiểm lâm; chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo và tổ chức các phương án chữa cháy rừng, dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để lây lan ra diện rộng.

bna_2.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quang An

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bình quân hàng năm trồng mới rừng trên 18.000 ha; thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) tăng mạnh, đạt 24.826 ha; công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tương đối phát triển; dịch vụ môi trường rừng vẫn khẳng định vai trò là nguồn thu tài chính quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành đã trình bày hiện trạng rừng tại địa phương, đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét về một số vấn đề như: Sớm phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về lâm nghiệp trên địa bàn; Hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng để tiến hành thu dọn thực bì dưới tán rừng, tu sửa, làm đường băng cản lửa, mua sắm dụng cụ, lắp đặt hệ thống camera, xây dựng hệ thống cảnh báo cháy rừng; Xem xét chủ trương duy trì biên chế cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (không tinh giảm) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW là "Xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng"...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, ghi nhận thời gian qua, các địa phương đã tăng cường công tác quản lý rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; nhận thức người dân về công tác này được nâng lên rõ rệt...

bna_19024260_1052022.jpg
Lực lượng chức năng thu gom thực bì, giảm thiểu cháy rừng tại Nghệ An. Ảnh: Quang An

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp để nâng cao năng lực về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững. Các bộ, ngành chỉ đạo kịp thời thông báo tình hình thời tiết; thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng...

Các địa phương không được lơ là, chủ quan, đặc biệt trong thời tiết diễn biến thất thường, cực đoan; đề cao trách nhiệm người đứng đầu tại địa phương trong công tác phòng, chống cháy rừng; tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", "4 sẵn sàng", chủ động tổ chức nguồn lực huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất. Rà soát lại các phương án, kịch bản mẫu điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn; chăm lo chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng; ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng...

Mới nhất

x
Thực hiện nghiêm phương châm '4 tại chỗ' trong phòng, chống cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO