Thực hiện nghiêm túc Quy chế Chất vấn trong Đảng
(Baonghean.vn) - Chất vấn là ghép từ hai chữ "chất" và "vấn". "Chất" có nghĩa là thật thà gạn hỏi; "vấn" là hỏi, trao đổi thông tin với nhau. Chất vấn là hỏi và yêu cầu phải giải thích rõ ràng, gạn hỏi nhiều chiều, làm cho rõ một nội dung nào đó.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. |
Chất vấn là để làm rõ theo hướng thuận chiều với mục đích tốt đẹp, thật thà, xây dựng. Chất vấn khác với phản biện. Phản biện là để chống lại cái đã nêu, nói trái (xoay lại) với cái đã nêu để thay đổi, chỉnh sửa cái đã nêu. Phản biện cũng có tính tích cực, nhằm không để xảy ra sự sai trái.
Chất vấn là một khái niệm, một hoạt động không phải mới. Tuy nhiên thực hiện cho có chất lượng việc chất vấn không phải dễ dàng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Bộ Chính trị khóa X đã ra Quyết định số 158-QĐ/TW, ngày 12-5-2008, ban hành Quy chế Chất vấn trong Đảng. Đây là văn bản đầu tiên quy định về vấn đề chất vấn trong Đảng, một hoạt động mang tính chiến đấu cao, vì mục tiêu “phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên". Thông qua chất vấn để làm sáng tỏ những vấn đề mà người hỏi chưa rõ; cũng từ đó tạo ra niềm tin, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân.
Trong nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cũng yêu cầu: “Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế Chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp”.Quy chế Chất vấn trong Đảng phải sớm được thực thi như là một hoạt động mang tính cấp thiết, để thiết thực góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Bí thư chi bộ khối Xuân Hòa, Thị trấn Nam Đàn trao đổi về đóng góp của đảng viên hưu trí trong xây dựng HTCT cơ sở. Ảnh tư liệu: Gia Huy |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc thực hiện Quy chế này.
Thực hiện chất vấn trong Đảng vừa là sự tiếp tục, vừa như “anh em sinh đôi” của tự phê bình và phê bình trong nội bộ cấp ủy, rộng ra là trong toàn Đảng.
Theo đó, việc chất vấn trong Đảng được tổ chức tại một hội nghị riêng hoặc dành ra một phần trong các cuộc hội nghị do cấp ủy các cấp tổ chức. Việc chất vấn và trả lời chất vấn được chuẩn bị nghiêm túc, có nguyên tắc, có hướng dẫn cụ thể.
Đã có nhiều cuộc chất vấn và trả lời chất vấn có chất lượng, mang lại hiệu quả tốt, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, góp phần củng cố niềm tin, sự đồng thuận trong cộng đồng, xã hội, tạo ra sự chuyển biến tích cực.
Muốn chất vấn đạt được mục đích thì người chất vấn và cơ quan hoặc người trả lời chất vấn cần có cái tâm trong sáng, có sự chuẩn bị với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, tạo ra một không khí cởi mở, cầu thị, dân chủ, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những góp ý thẳng thắn, đúng đắn.
Hành trang mỗi ủy viên cấp ủy, mỗi đảng viên mang đến hội nghị phải gồm cả những “câu hỏi chất vấn” của cán bộ, đảng viên trong đảng bộ hoặc lĩnh vực của mình. Cuộc sống đặt ra biết bao câu hỏi. Chỉ những cấp ủy viên không sâu sát thực tiễn, không biết lắng nghe mới không nắm bắt được. Từ cương vị, trách nhiệm công tác của mình, mỗi cấp ủy viên đứng trước không ít khó khăn do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, do sự chỉ đạo của cấp trên chưa sâu sát và kịp thời, khi thẩm quyền của mình không thể tháo gỡ được. Đó cũng là những gợi mở cho chất vấn. Đó cũng chính là sự thể hiện tính sâu sát, trách nhiệm, bản lĩnh của mỗi cấp ủy viên. Câu hỏi chất vấn phải mang tính trách nhiệm, khách quan, xây dựng cao trong “cấp độ chất vấn”; và câu trả lời chất vấn phải chứa đựng tính tự phê bình, trung thực, khách quan, minh bạch, cầu thị.
Buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ xóm Bắc Bố Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Nhật Tuấn |
Những người nêu câu hỏi cần tập trung vào những vấn đề chưa rõ, chưa thỏa đáng mà nhiều người quan tâm, những nội dung ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể địa phương, đơn vị. Không nên lợi dụng diễn đàn chất vấn để đố kị, làm khó, gây hoang mang, mất niềm tin, mất đoàn kết. Các câu hỏi phải đúng đối tượng, đúng lĩnh vực của người phụ trách, phải đưa ra trước để người trả lời có thời gian chuẩn bị thì mới đạt yêu cầu.
Người trả lời chất vấn phải ý thức được nguyên tắc, ý nghĩa, trách nhiệm của việc trả lời chất vấn. Phải xác định rõ: Được chất vấn là dịp "tự tách mình ra khỏi chính mình" để tự phê bình. Đó chính là khả năng tự phân thân, tự đánh giá mình. Như vậy, chất vấn trở thành hoạt động mang tính khoa học trong xây dựng Đảng. Phải chuẩn bị nội dung chu đáo, trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, thẳng thắn, cầu thị, không quanh co, né tránh, vòng vo tam quốc. Đặc biệt là không được định kiến với những người hay chất vấn,...
Mỗi cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm tạo dựng môi trường dân chủ để chất vấn trong Đảng song hành cùng tự phê bình và phê bình, làm cho sinh hoạt Đảng thực sự thiết thực và hiệu quả. Đồng thời, quan tâm đến việc thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng ở các cấp dưới. Làm được như vậy thì niềm tin được lan tỏa, thấm sâu, ngấm lâu nơi quần chúng Nhân dân.