Thực hiện tốt các định hướng, mục tiêu về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(Baonghean.vn) - Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX và kế hoạch 5 năm của Sở Nông nghiệp và PTNT, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có bước phát triển quan trọng, góp phần thực hiện tốt các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Để triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, các nghị quyết của tổ chức Đảng cấp trên và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của UBND tỉnh và của ngành, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, công nhân viên chức trong toàn ngành; đồng thời, cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XIX bằng các chương trình, kế hoạch, đề án... (15 chương trình, kế hoạch, đề án)...
Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế nông nghiệp ở Nghệ An tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong nông nghiệp thuần tỷ trọng trồng trọt giảm, tỷ trọng chăn nuôi tăng khá. Năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi tăng nhanh, đặc biệt giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng khá. Thu hút, xúc tiến đầu tư vào nông, lâm nghiệp có nhiều khởi sắc; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn trong phục vụ sản xuất và dân sinh, nhất là khu vực nông thôn miền núi.
Các chương trình mục tiêu như: Xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… tiếp tục được tăng cường đầu tư và đạt hiệu quả cao. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chính sách trong ngành Nông nghiệp và PTNT có nhiều tiến bộ… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được đảm bảo và có nhiều mặt chuyển biến tốt.
Về một số kết quả cụ thể: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 3 năm 2021-2023 ước đạt 4,74%, dự kiến cả giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 4,7-4,8%, đạt mục tiêu Nghị quyết và chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025 (4,5-5,0%); Cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, trong nông nghiệp thuần có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ (tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp năm 2022 đạt 47,94%); Xây dựng nông thôn mới tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75,18/KHNQ 82% số xã trên toàn tỉnh, đạt 91,68% kế hoạch đến 2025 (309/KH337 xã).
Trong đó, có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 17,15%/KHNQ 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 1,94%/KHNQ 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh; bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,98 tiêu chí/xã; 197 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới; 9/KHNQ 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm: TP. Vinh, TX. Thái Hòa, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, TX. Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Đô Lương và huyện Diễn Châu.
Dự kiến đến năm 2025, có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó chỉ đạo đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ); đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Về độ che phủ rừng: Đến cuối năm 2022 tỷ lệ che phủ đạt 58,36%, dự kiến đến năm 2025, độ che phủ rừng có tỷ lệ 58%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết XIX.
Về tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn: Đến cuối năm 2022, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn 4826/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT đạt 87%; dự kiến đến năm 2025 đạt 90%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu của ngành đều đạt kết quả quan trọng tạo tiền đề cho việc hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trong tổng số các chỉ tiêu sản xuất, dự báo có 17/20 chỉ tiêu sẽ đạt và vượt, đó là: sản lượng lương thực có hạt, sắn nguyên liệu, mía nguyên liệu, chè công nghiệp; tổng đàn trâu bò, lợn, gia cầm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng, sản lượng sữa; khai thác gỗ, diêm nghiệp, sản lượng thủy sản; số HTX nông nghiệp, số làng nghề, sản phẩm OCOP,... (3/20 chỉ tiêu dự báo khó đạt về các cây: lạc, cam tập trung, cao su).
Nhìn chung các định hướng mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX thuộc lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã được ngành triển khai thực hiện chủ động, quyết liệt, nên từ năm 2021 đến nay sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An tiếp tục bám sát mục tiêu, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã đề ra; tập trung huy động cao độ các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, tập trung tháo gỡ khó khăn từ cơ sở nhằm nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu dự báo khó đạt theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và chỉ tiêu kế hoạch 2021-2025 đã đề ra.
Từ nay đến năm 2025, ngành tập trung vào 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Công tác quy hoạch; Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 49-CTr/TU ngày 13/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW Ngày 18/7/2023 Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến tổ chức tiêu thụ; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; Ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo đột phá trong nông nghiệp; Phát triển các hệ thống tiêu thụ nông sản phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghệ 4.0; đẩy nhanh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, đặc sản của địa phương; Bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.