Thực hiện VNEN ở Nghệ An: Không 'đá bóng' cho phụ huynh và nhà trường!

08/09/2017 19:15

(Baonghean.vn) - Năm học 2017 – 2018 là năm học thứ 3 Nghệ An triển khai dạy học theo mô hình trường học mới (trước đây gọi là mô hình trường học mới VNEN) ở bậc THCS. Thế nhưng, xung quanh chủ trương này vẫn còn những băn khoăn, chưa đồng tình ở cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Xin bỏ... học VNEN

Đó là sự việc đã xảy ra ở Trường THCS Hưng Dũng 3 năm nay, kể từ khi trường là một trong những đơn vị đầu tỉnh được chọn thí điểm dạy và học chương trình trường học mới ở bậc THCS.

Cho đến thời điểm này, đây cũng là trường có số lớp được triển khai dạy nhiều nhất tỉnh với 4 lớp 7 và 5 lớp 8 với tổng số 316 học sinh. Trước đó, khi mô hình bắt đầu được triển khai tại trường, hiệu trưởng đã nhiều lần kiến nghị xin tạm chưa triển khai tại trường do chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Thực tế, hai năm mô hình được triển khai tại Trường THCS Hưng Dũng, nhiều phụ huynh đã làm đơn xin chuyển trường cho con vì lo sợ chương trình không đảm bảo chất lượng.

Đơn kiến nghị của phụ huynh Trường THCS Hưng Dũng. Ảnh: MH
Đơn kiến nghị của phụ huynh Trường THCS Hưng Dũng. Ảnh: MH

Khó khăn càng nhiều hơn, khi bước vào năm học 2017 - 2018, theo “lệ” thì trường sẽ “đón” các học sinh học theo chương trình trường học mới ở bậc tiểu học lên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã bước vào năm học mới nhưng việc dạy và học theo chương trình nào vẫn chưa được xác định.

Trong khi đó, phụ huynh của học sinh các khóa 7, 8 tiếp tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Ngày 24/8/2017, trong lá đơn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Đinh Văn Công viết: "Chúng tôi đại diện cho 290/316 phụ huynh đang có học tại trường yêu cầu dừng chương trình dạy học theo mô hình trường học mới tại trường với các lý do: cơ sở vật chất không đủ điều kiện, số lượng học sinh quá đông (trên 35 học sinh/lớp) và sách giáo khoa không đồng bộ".

Ngay sau khi nhận được đơn này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cùng với Phòng Giáo dục thành phố Vinh đến làm việc và đối thoại với phụ huynh tại Trường THCS Hưng Dũng nhằm mục đích tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và nhà trường. Mặc dù vậy, buổi làm việc vẫn chưa có kết quả. Rất nhiều phụ huynh băn khoăn khi cho rằng: việc dạy và học phải có sự đồng thuận và không được ép buộc. Nhưng, ở trường Hưng Dũng, thực tế lại đang đi ngược lại với chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của lãnh đạo tỉnh.

Lớp học đồng, điều kiện vật chất chưa đảm bảo là những hạn chế khiến việc dạy học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS Hưng Dũng không nhận được sự đồng tình. Ảnh: MH
Lớp học đông, điều kiện vật chất chưa đảm bảo là những hạn chế khiến việc dạy học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS Hưng Dũng không nhận được sự đồng tình. Ảnh: MH


Sự việc bắt đầu có chuyển biến vào ngày 7/9, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản trả lời về đơn kiến nghị của phụ huynh nhà trường. Trong đó, dù chưa khẳng định có hay không việc triển khai dạy học theo mô hình trường học mới, nhưng Sở đồng ý để ban giám hiệu nhà trường lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh về phương án lựa chọn sách giáo khoa.

Theo phương án này, có thể hiểu nếu đại đa số phụ huynh chọn sách giáo khoa hướng dẫn học của chương trình trường học mới thì nhà trường tiếp tục dạy học theo chương trình này. Ngược lại, nếu các ý kiến lựa chọn sách giáo khoa hiện hành thì nhà trường sẽ trở lại dạy học theo chương trình phổ thông hiện tại.

Nhận được quyết định này, ông Ninh Viết Tăng, hiệu trưởng nhà trường không giấu được niềm vui bởi hơn bao giờ hết ông rất muốn nhà trường sớm ổn định chương trình để triển khai việc dạy và học có hiệu quả, nhất là khi việc tựu trường đã được 2 tuần.

Về phía phụ huynh, khi có thông tin này, rất nhiều ý kiến, bình luận cũng đã được chia sẻ. Ông Nguyễn Khắc Liên, Chi hội phó Chi hội phụ huynh lớp 8C nói rằng: Theo tôi, đáng lẽ, đây là việc đã phải làm từ các năm trước để các cháu yên tâm học tập. Không nên để các cháu học sinh ra làm thí nghiệm bởi sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ và tương lai của các cháu.

Không “đá bóng” cho các nhà trường và phụ huynh

Kết thúc năm học 2016 - 2017, theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành có 33 trường triển khai theo mô hình trường học mới ở bậc THCS với 64 lớp 6 và 65 lớp 7. Bước sang năm học 2017 - 2018, đến thời điểm này, Sở mới tiến hành rà soát trên toàn tỉnh nhưng xu hướng chung số lớp, số trường triển khai có thể sẽ giảm.

Tại Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, thị xã Cửa Lò, đây là năm thứ 2 trường triển khai dạy học theo mô hình này. Tuy nhiên, việc triển khai cũng chỉ dừng lại ở 2 lớp 7, thí điểm từ năm học trước. Còn năm học này, dù có 2 lớp dạy học theo mô hình VNEN chuyển từ trường tiểu học Nghi Thủy lên nhưng nhà trường quyết định “dừng” dạy theo mô hình trường học mới cho học sinh lớp 6.

Nói về lý do, cô giáo Phan Thị Thu Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến mùa tuyển sinh, chúng tôi rất khó khăn khi giải thích cho phụ huynh về mô hình trường học mới và đa phần phụ huynh đều bày tỏ sự nghi ngại về chương trình này. Khi đã không nhận được sự đồng thuận thì nhà trường quyết định không triển khai để phụ huynh và học sinh yên tâm theo học.

Giờ thảo luận theo nhóm của học sinh lớp 7, Trường THCS Bạch Liêu - Thị xã Cửa Lò. Ảnh: MH
Giờ thảo luận theo nhóm của học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Thị Bạch Cát - Thị xã Cửa Lò. Ảnh: MH


Là tổ trưởng tổ KHXH và là giáo viên dạy Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Hằng giáo viên chủ nhiệm lớp 7A – Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của chương trình trường học mới khiến chương trình triển khai không hiệu quả: Đó là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng học sinh đông nên khó bao quát đánh giá hết học sinh một cách chu đáo. Với sách giáo khoa, phần nội dung khó phân tiết một cách rõ ràng, phần lý thuyết và thực hành bị tách rời nên khó củng cố kiến thức.

Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, do chương trình không nặng về kiểm tra, mỗi kỳ chỉ có hai bài thi (thay vì 10 bài thi) như các chương trình hiện hành nên không đánh giá đúng năng lực học sinh, không có động lực cho học sinh phấn đấu. Công tác làm sổ sách, đánh giá học sinh “nặng nề” và “rườm rà”. Học sinh ngoài vở và sách giáo khoa khó tìm tài liệu để tham khảo.

Những hạn chế trên cũng là điều gặp phải ở nhiều trường THCS đang dạy thí điểm chương trình trường học mới khác. Điều bất cập là ở chỗ, dù đang có nhiều ý kiến nghi ngại về chương trình nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo lại chưa tổ chức một hội nghị toàn ngành để lấy ý kiến từ cơ sở để bàn phương án triển khai trong năm học này và những năm học tiếp theo. Thay vào đó, lại là những ý kiến chỉ đạo còn mang tính chung chung như “chủ động lựa chọn một số thành tố của mô hình để thực hiện đổi mới phương thức giáo dục” hay phải thực hiện “linh hoạt, không rập khuôn, cứng nhắc” khiến các trường bị động trong quá trình thực hiện.

Mặc dù đã được ưu tiên, nhưng cơ sở vật chất của lớp học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS Bạch Cát - Thị xã Cửa Lò vẫn chưa đủ chuẩn theo quy định. Ảnh: MH
Mặc dù đã được ưu tiên, nhưng cơ sở vật chất của lớp học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS Lê Thị Bạch Cát - thị xã Cửa Lò vẫn chưa đủ chuẩn theo quy định. Ảnh: MH


Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Đức Nhân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Cửa Lò, thẳng thắn cho rằng: Đổi mới là việc tất yếu nhưng đó là khi phải có sự chuẩn bị đầy đủ, phải có sự kiểm tra đánh giá một cách chính xác, khoa học. Về phía giáo viên, phải có sự đảm bảo về mặt phương pháp, phải có quá trình tập huấn, bồi dưỡng đào tạo và có một quá trình tích lũy. Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo phải rõ ràng, không nên chỉ đạo theo kiểu “lấy ý kiến” bởi lẽ với phụ huynh và thậm chí học sinh họ không hiểu hết chương trình, không có chuyên môn để lựa chọn, đánh giá…và mọi ý kiến đưa ra sẽ chỉ là chủ quan, thiếu chính xác.

Dư luận cũng lo ngại, nếu ngành giáo dục không sớm có chỉ đạo rõ ràng thì không chỉ Trường THCS Hưng Dũng mà nhiều trường học khác cũng sẽ có những phản ứng tương tự và việc giải quyết sẽ không còn là chuyện “một sớm, một chiều”.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Thực hiện VNEN ở Nghệ An: Không 'đá bóng' cho phụ huynh và nhà trường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO