Thực hư khoản chênh lệch 3.500 tỷ đồng xăng dầu

26/03/2016 21:38

Số tiền còn lại ở 12 DN tư nhân chỉ là khoảng 254 tỷ đồng, không phải là mức chênh lệch đến 3.500 tỷ đồng như một số thông tin đã nêu.

Tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3 (sáng 26/3), báo cáo Thủ tướng về việc hoàn thuế 2015 của 23 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, mà theo một số báo chí nói là “móc túi” 3.500 tỷ đồng của người dân. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra để có số liệu cụ thể và phương án xử lý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên hiện nay, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua rà soát sơ bộ thì số liệu báo chí đã nêu không chính xác. Theo số liệu thống kê, tổng số thuế xăng dầu nhập khẩu đã thu năm 2015 là 35.000 tỷ đồng và tổng số thuế được hoàn của 23 DN kinh doanh đầu mối trong năm 2015 tính đến ngày 24/3 là 3.475 tỷ đồng. Trong đó số thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 335 tỷ đồng, đây là số được hoàn thuế, không làm giảm tổng thu của ngân sách vì hoàn ở khâu nhập khẩu thì phải nộp tăng ở khâu tiêu thụ. Do đó, thực chất số tiền hoàn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) còn lại là 3.120 tỷ đồng. Trong đó có 2.794 tỷ đồng là của 11 DNNN, chiếm 88% thị phần xăng dầu tiêu thụ và 325 tỷ đồng của DN tư nhân (12% thị phần).

Với tổng số 3.120 tỷ đồng của 23 DN, sau khi hạch toán vào thu nhập và kê khai nộp thuế thu nhập DN vào NSNN là 668 tỷ đồng (với mức thuế 22%). Số tiền còn lại là 2.434 tỷ đồng, trong đó của 11 DNNN là 2179 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật thì đã nộp vào NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội. “Như vậy, số tiền còn lại ở 12 DN tư nhân chỉ là khoảng 254 tỷ đồng, không phải là mức chênh lệch đến 3.500 tỷ đồng như một số thông tin đã nêu” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra và báo cáo để có phương án xử lý theo quy định của pháp luật và thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của ngành trong việc điều hành giá xăng dầu. “Chúng tôi sai là nhận trách nhiệm, và sai là sửa, không đổ lỗi cho nhau vì như vậy không giải quyết được vấn đề gì”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo Nghị định 83 của Chính phủ, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, được điều chỉnh bằng giá cơ sở do liên Bộ Công thương và Tài chính chịu trách nhiệm.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần làm rõ những thông tin này để người dân cùng hiểu.

“Trong quá trình, điều trình điều hành, hội nhập, các mức thuế có sự khác nhau. Khi phát hiện ra vấn đề về tính giá cơ sở, chúng ta đã chọn tính theo giá bình quân gia quyền. Tới đây, cần giải đáp, giải trình công khai minh bạch để dân hiểu, các chuyên gia hiểu, cách tính bình quân gia quyền có lợi ra sao cho người tiêu dùng. Về vấn đề hoàn thuế, cần làm rõ số thu nộp ngân sách theo Nghị quyết Quốc hội, số còn lại ở DN tư nhân, nếu thu phải đúng pháp luật”, Thủ tướng yêu cầu.

Thuế tính giá xăng dầu cơ sở mới có lợi cho người tiêu dùng

Với việc xác định thuế nhập khẩu để tính giá xăng dầu cơ sở theo cách bình quân gia quyền, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn. Mức thuế tính giá xăng trước đây là 20%, nay theo cách bình quân gia quyền sẽ giảm còn xấp xỉ 18%.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo cụ thể về vấn đề liên quan đến điều hành giá xăng dầu cũng như thuế nhập khẩu xăng dầu đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây.

Giải thích thông tin về mức chênh lệch giữa thuế nhập khẩu ưu đãi xăng dầu và mức thuế xác định giá cơ sở điều hành bán lẻ xăng dầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay xăng dầu nhập khẩu chịu thuế nhập khẩu và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Tuỳ theo điều kiện và khu vực cụ thể, các mức thuế suất nhập khẩu này khác nhau. Cụ thể, trong các nước nội khối ASEAN, thuế nhập khẩu xăng là 20%, dầu hoả, nhiên liệu bay, diesel và mazut là 0% từ năm 2016 trở đi. Trong Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc, thuế với xăng là 10% từ ngày 20/12/ 2015, dầu diesel, hoả, nhiên liệu bay là 5%, dầu mazut là 0%. Trong khi đó, theo hiệp định ASEAN – Trung Quốc, thuế nhập khẩu xăng là 20%, các mặt hàng dầu là 5, 8 và 10% kể từ năm 2016.

Với nhiều mức thuế khác nhau như vậy kể từ đầu năm 2016, việc lấy một mức thuế nhập khẩu ưu đãi để tính giá cơ sở xăng dầu đã không còn phù hợp. Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ áp dụng mức thuế để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi, theo thực tế hàng hoá nhập khẩu từng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau. Đồng thời, để giảm mức chênh lệch thuế nhập khẩu giữa các nguồn nhập khẩu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48 giảm thuế nhập khẩu ưu đãi của dầu từ 13 xuống 7%, xăng giữ nguyên 20%.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cách tính bình quân gia quyền như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hơn. Mức thuế tính giá xăng trước đây là 20%, nếu theo cách bình quân gia quyền sẽ giảm còn 18,08%. Với dầu, thuế tính theo mức cũ là 7%, nay giảm mạnh còn 0,6%. Cũng với cách điều hành giá hiện nay, giá xăng dầu của Việt Nam thấp thứ 27/180 nước trên thế giới và thấp hơn nhiều nước trong khu vực. “Giá xăng dầu càng thấp thì càng tốt cho người tiêu dùng, cho nền kinh tế, nhưng cũng phải đảm bảo cân đối, hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thực hư khoản chênh lệch 3.500 tỷ đồng xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO