Thức xuyên đêm, thợ cắm lan kiếm bộn tiền dịp Tết
(Baonghean.vn) - Bắt đầu từ tháng Chạp, các gian hàng bán lan hồ điệp tại thành phố Vinh đã nhộn nhịp bán mua. Những người thợ kết lan tất bật ngày đêm với việc tạo hình, lên chậu phục vụ khách hàng. Bù lại, có những thợ tay nghề cao kiếm cả chục triệu mỗi ngày từ nghề thời vụ này…
Khoảng mươi năm trở lại đây, người dân rất ưa chuộng các loại lan hồ điệp để chơi Tết. Bởi ngoài màu sắc tươi tắn, bắt mắt, độ bền cao thì mỗi chậu lan chính là một tác phẩm nghệ thuật được sắp đặt bởi bàn tay những người thợ cắm hoa. Bắt đầu từ tháng Chạp, thị trường lan hồ điệp ở thành phố Vinh đã rất sôi động. Do đó, thợ kết lan làm việc không ngơi tay.
Hầu hết, thợ kết lan từ Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội, Thanh Hoá vào Vinh theo sự thoả thuận giữa các chủ bán hoa. Chị Phạm Thị Thuỷ, chủ 3 cửa hàng lan hồ điệp ở Vinh cho biết: “Vụ Tết năm nay, tôi phải thuê 10 thợ chính và 20 thợ phụ kết lan theo yêu cầu của khách. Mọi năm, tôi thuê thợ từ Huế, Đà Lạt ra. Năm nay, tôi kiếm được thợ ở Thanh Hoá, Hà Nội. Thợ chính tiền công tính theo cành kết được, mỗi cành dao động từ 20-30.000 đồng; thợ phụ thì tính theo ngày công hoặc sản phẩm”.
Theo chị Thuỷ cho biết, thợ chính, có những người thu nhập 3-5 triệu đồng/ngày tuỳ theo năng suất làm việc. Có những thợ, chỉ riêng mùa lan Tết (kéo dài khoảng 15-20 ngày) bỏ túi cả trăm triệu đồng.
Từ Thanh Hoá vào Nghệ An kết lan cho cơ sở kinh doanh lan hồ điệp của chị Thuỷ, anh Nguyễn Văn Hải (đến từ Thanh Hoá) cho biết: “Tết năm ngoái, trong vòng 15 ngày làm việc hết công suất, tôi thu về gần 100 triệu đồng tiền công từ việc kết lan. Ngày cao điểm có thể kết được 200-300 bầu vào chậu, vào gỗ lũa, vào tre… Mỗi bầu được trả công 20.000 đồng, tính ra “bỏ túi” 5-6 triệu đồng/ngày”.
Theo chia sẻ của anh Hải, kết lan là nghề thời vụ “hái ra tiền” nhưng người cắm phải có óc sáng tạo, tư duy nghệ thuật cao, am hiểu về lan, hiểu biết về phong thuỷ… Đặc biệt người thợ phải nhẫn nại, phải tỉ mỉ và cẩn trọng trong công việc. Để kết được một chậu lan đẹp tốn khá nhiều công sức.
“Mỗi thợ có một cách kết riêng và tuỳ theo thị hiếu, yêu cầu của khách. Tuy nhiên, phải đáp ứng được các quy chuẩn về màu sắc, về sự cân xứng, về phong thuỷ, về ý nghĩa của thế dáng. Tuỳ theo chất liệu khác nhau (chậu sứ, gỗ lũa hay thân tre nứa..) mà có cách cắm khác nhau”, anh Hải cho biết.
Thời điểm từ Rằm tháng Chạp trở đi, thị trường lan hồ điệp bắt đầu nhộn nhịp, người dân mua lan về chưng Tết khá nhiều, do đó thợ kết lan phải làm việc hết công suất, chạy đua với thời gian, có những hôm phải làm việc xuyên đêm.
Anh Nguyễn Trần Xuân, một thợ cắm lan đến từ Đà Lạt cho biết: “Đây là năm thứ 5 tôi vào Vinh kết lan cho các chủ cửa hàng kinh doanh lan hồ điệp. Vụ Tết năm nay, tôi nhận lời kết lan cho 3 cơ sở ở Vinh. Mỗi ngày, trung bình tôi kết được khoảng 200 bầu lan, nhận về 5 triệu tiền công, chủ bao ăn ở trọn gói.
Nhưng, để “bỏ túi” 5 triệu đồng thì tôi phải làm việc 20 tiếng mỗi ngày. Để kịp hoàn thiện sản phẩm giao khách, việc kết lan kéo dài đến 1-2h sáng là chuyện thường”.
Áp Tết, nhu cầu mua sắm hoa lan càng cao nên thợ kết lan càng bận rộn. Do khối lượng công việc nhiều, người thợ phải làm việc hết công suất, nhanh tay, nhanh mắt nhưng vẫn phải tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết.
“Mấy hôm nay, trời nắng ấm còn đỡ. Tuần trước đó, trời rét đậm, tôi ở Sài Gòn ra, chưa quen thời tiết lại phải căng ra để làm nên rất mệt mỏi. Thợ kết lan như chúng tôi là nghề sáng tạo nên đòi hỏi sự yên tĩnh, ban đêm, khách đến xem hoa ít, mình chú tâm hơn trong công việc. Do đó, hầu như mỗi đêm chúng tôi chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ”, anh Nguyễn Nhật Quang, thợ kết lan đến từ Sài Gòn cho biết.
Vất vả nhưng chính công việc thời vụ này đã đem lại thu nhập cao cho thợ kết lan. Hiện, trên địa bàn thành phố Vinh, có hàng chục cơ sở bán lan hồ điệp quy mô lớn, nhập hoa từ Đà Lạt, Trung Quốc về và thuê thợ kết theo yêu cầu của khách, theo đó, có hàng trăm thợ kết lan đang vào mùa “hái ra tiền”, phần lớn là thợ ngoại tỉnh.