Thương binh nặng chế 'đôi chân mới' giúp người cùng cảnh ngộ
(Baonghean.vn) - Với đầu óc sáng tạo, thương binh Đinh Văn Cảnh (SN 1959), trú xóm 4, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu đã sáng chế những chiếc xe lăn, xe máy ba bánh hỗ trợ đồng đội và người khuyết tật.
Luyện đi bằng tay
Gặp thương binh Đinh Văn Cảnh eetrong ngôi nhà 3 tầng nằm trên Quốc lộ 1A, cũng là cửa hàng sửa chữa xe lăn và xe máy cho người khuyết tật của ông. Vợ ông, bà Phạm Thị Lai hàng ngày tự lái chiếc xe tải nhỏ đi nhập bia cho các cửa hàng trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Có khách, ông Cảnh đang sửa dở chiếc xe máy ba bánh vội dừng tay. Ông thoăn thoắt nắm lấy hai chiếc ghế gỗ rồi dùng tay... bước đến bàn pha trà mời khách.
Sinh ra trong gia đình nông thôn tại xã Diễn Thọ, Đinh Văn Cảnh may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa khi được học hết THPT. Năm 1979, khi vừa tròn 20, Cảnh tình nguyện gia nhập vào lực lượng công an vũ trang. Thời điểm anh nhập ngũ cũng là lúc tình hình biên giới hai đầu đất nước đang rất nóng bỏng. Phía Bắc là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc gây nên, biên giới Tây Nam, lực lượng Pol Pot liên tục quấy phá, leo thang.
Ngay khi hoàn thành khóa huấn luyện, Đinh Văn Cảnh được điều động vào bộ phận cơ khí, gia nhập đơn vị lính tình nguyện sang Campuchia làm nhiệm vụ Quốc tế đánh đuổi quân Pol Pot. Đã có rất nhiều chiến sỹ Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến tàn khốc này.
Thương binh Đinh Văn Cảnh tự làm mọi việc bằng chính đôi tay của mình. Ảnh: Xuân Hòa |
Trong trận tấn công vào một căn cứ của quân Pol Pot vào tháng 9/1983, ông Cảnh đã bị thương do vướng phải mìn quân địch cài quanh căn cứ. Sau tiếng nổ chát chúa đó, ông nằm bất động với 2 chân nát bét. Đồng đội không ai nghĩ ông có thể sống được. Nhưng với sự may mắn kèm với nghị lực phi thường anh Cảnh đã vượt qua bàn tay tử thần.
Thương tật 1/4 cụt cả hai chân là một cú sốc lớn đối với chàng trai Diễn Châu. Mọi sinh hoạt, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng trở nên khó khăn vô cùng. Nhưng với ông Cảnh, được sống và trở về với quê hương vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội. Tuy vậy ông cũng không muốn mình trở thành gánh nặng cho xã hội nên sau khi vết thương lành anh tìm cách tự đi bằng tay. Với bản lĩnh của một người đã trải qua sự tàn khốc của chiến tranh, ông Cảnh đã dần vượt qua sự thiếu khuyết của cơ thể, lấy lại thăng bằng và bình tâm trở lại.
Sau một thời gian được chuyển về Khu điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An, nhưng vì nhớ quê hương, cha mẹ già nên ông Cảnh đã viết đơn xin trở về địa phương.
Giúp người khuyết tật “đôi chân mới”
Ông Cảnh đang sửa xe ba bánh cho người khuyết tật. Ảnh: Xuân Hòa |
Trở về đời thường, với chiếc xe lắc tay 3 bánh nhà nước cấp, hàng ngày ông Cảnh tìm đến chợ, gặp gì buôn bán nấy. Có hôm đi đến giữa đồng, thì gặp trời mưa, hàng trên xe nặng, gặp bùn lầy không thể di chuyển được, vậy là dầm mưa suốt đêm, may có người đi soi ếch phát hiện ra giúp đẩy về. Đợt đó, vết thương tái phát ông ốm mất mấy tuần liền.
Sau đợt ốm, trong đầu người thương binh luôn thường trực ý tưởng sáng chế xe máy 3 bánh hộp số lùi để thuận tiện cho việc di chuyển. Có ý tưởng nhưng ông Cảnh không có tiền để mua linh kiện, cũng không biết vay mượn ai nên ông quyết tâm buôn bán để góp nhặt và mua từng bộ phận... Sau hơn 1 năm cuối cùng linh kiện cơ bản cũng đầy đủ...
Với vốn kiến thức cơ khí được đào tạo trong quân ngũ, ông tự mày mò suốt đêm ngày để dựng thành một chiếc xe ba bánh số tự động. Ông làm một mình, làm đi làm lại nhiều lần, lết chỗ này, xịch chỗ kia rất vất vả. Sau gần một năm với nhiều lần thử nghiệm, chiếc xe 3 bánh cài hộp số lùi như mong muốn của ông cũng hoàn thành.
Khi thấy người thương binh dong chiếc xe ba bánh số tự động chạy trên đường làng, nhiều người đã trầm trồ thán thục về tài năng của ông. Có “đôi chân mới" ông cũng thuận lợi hơn trong việc đi lại buôn bán. Thấy ông đi xe thuận tiện, nhiều người cũng là thương binh liên hệ, rồi cả người khuyết tật đến nhà đặt hàng nhờ ông làm. Lúc đầu là ông làm giúp và yêu cầu các gia đình mua linh kiện đến để mình lắp ghép. Nhưng các linh kiện mua về không đạt tiêu chuẩn nên rất khó, vậy nên ông bỏ luôn việc buôn bán ở chợ để về nhà lắp xe để bán cho người tàn tật.
“Lúc đầu họ thấy thì cũng đến nhờ làm giúp. Nhưng linh kiện họ mua về không ăn khớp, khó lắp ráp nên rất mất thời gian, nên tôi đã tự tay đi mua và lắp ráp rồi bán lại cho họ. Nói là bán nhưng cũng chỉ trừ tiền linh kiện đi lấy đôi đồng tiền công để lo cuộc sống cho chính mình và lo cho gia đình” - ông Cảnh tâm sự.
Vợ chồng ông Đinh Văn Cảnh và bà Phạm Thị Lai. Ảnh: Xuân Hòa |
Nhưng những cái khó bắt đầu nảy sinh cho công việc tạo ra những chiếc xe ba bánh số. Bởi việc tìm ra linh kiện để lắp được một chiếc xe ba bánh số không hề dễ. Nhưng với ý chí phải tạo được “đôi chân mới” giúp người khuyết tật, trong đó có không ít trường hợp thương binh, ông đã ra các tỉnh phía Bắc có nhiều linh kiện như Quảng Ninh, Hải Phòng … đi chọn mua từng con ốc để về lắp cho được nhiều chiếc xe cho nhiều người khuyết tật.
Không những vậy ông Cảnh còn sáng tạo thêm xe lăn tay, xe lắc có thể dùng điện và quay tay phù hợp với tình trạng khuyết tật của từng người. Ông đã tạo được hàng trăm “đôi chân” cho thương binh, người khuyết tật để họ thuận lợi hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Dũng, tại xã Diễn Hoa (huyện Diễn Châu) cho biết: “Không chỉ làm xe 3 bánh, mà anh Cảnh còn giúp những thương binh nặng như chúng tôi về vốn và chỉ bảo cách làm ăn. Nhờ có anh nên rất nhiều thương binh như chúng tôi đã vươn lên hòa nhập với cộng đồng và làm giàu chính đáng.”
Cảm phục trước ý chí của thương binh Đinh Văn Cảnh, bà Phạm Thị Lai, người phụ nữ xinh đẹp quê xã Diễn Phúc (huyện Diễn Châu) đã đem lòng yêu mến. Rồi một đám cưới ấm áp diễn ra là kết quả viên mãn dành cho người thương binh cụt hai chân.
“Tôi mến phục anh qua nhiều lần gặp anh đi sửa và lắp xe cho người khuyết tật. Rồi tình cảm đó đã vượt qua mọi rào cản và tôi quyết định đến với anh” - bà Lai chia sẻ.
Giờ vợ chồng ông Cảnh có một cơ ngơi khang trang tại xã Diễn Thọ. Ngôi nhà còn lại ở thị trấn Diễn Châu gia đình ông vừa cho thuê, vừa làm nơi kinh doanh cho gia đình. 4 người con đều khôn lớn, khỏe mạnh. Hai người con gái, một đang là sinh viên ĐH Y Dược Huế, một là sinh viên Học viện Ngân Hàng Hà Nội.
Từ sự nỗ lực vươn lên hoàn cảnh, anh Cảnh đã được Bộ Lao động Thương binh và xã hội tặng Bằng khen, được nhiều cấp ngành biểu dương, khen thưởng.
Xuân Hòa
TIN LIÊN QUAN |
---|