Thượng đỉnh liên Triều lần 3 - Thách thức mới với Tổng thống Hàn Quốc?

Phú Bình (Theo Yonhap)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 trong năm nay giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ đặt ra những thách thức mới cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong bối cảnh ông tìm cách phá vỡ thế bế tắc hiện hữu trong các đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ. Đây là nhận định của các chuyên gia phân tích được hãng tin Yonhap đăng tải hôm 14/8.
Lãnh đạo Triều Tiên - Hàn Quốc gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 4. Ảnh: Internet
Lãnh đạo Triều Tiên - Hàn Quốc gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 4. Ảnh: Internet

Sau các cuộc đàm phán cấp cao hôm 13/8, Hàn Quốc và Triều Tiên thông báo, ông Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tổ chức cuộc gặp thứ 3 tại Bình Nhưỡng vào tháng tới, một phần trong thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 4.

Thời gian và chương trình nghị sự chưa được tiết lộ, nhưng trọng tâm chính của cuộc gặp tới dự kiến là về vấn đề dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, một cam kết mà ông Kim đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh trước đó với ông Moon cũng như cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Donald Trump vào tháng 6.

Theo chuyên gia cấp cao về Triều Tiên tại Viện Hòa Bình Mỹ Frank Aum, ông Moon, người được cho là “kiến trúc sư” cho cuộc gặp Trump-Kim tại Singapore sau nhiều tháng căng thẳng leo thang liên quan đến hoạt động thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng nhằm vào Mỹ, giờ sẽ phải đối mặt với thử thách xem liệu ông vẫn có thể là một trung gian hiệu quả hay không.

“Tôi nghĩ cuộc gặp có thể giúp đem lại một bước đột phá vì Tổng thống Moon có vẻ hiểu được những động cơ và quan ngại của mỗi bên”, Aum khẳng định trong cuộc phỏng vấn qua email với Yonhap. “Tổng thống Moon nên nỗ lực tìm ra một sự thỏa hiệp sáng tạo không làm thỏa mãn cả 2 bên 100%, nhưng cho phép tiến trình ngoại giao tiến về phía trước”.

Những bình luận của chuyên gia Aum phản ánh những quan ngại trong giới ngoại giao và chuyên gia rằng cả Mỹ và Triều Tiên đều không sẵn lòng thay đổi lập trường của mình về phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể thẩm tra với việc thiết lập một cơ chế hòa bình đi kèm xoa dịu trừng phạt.

Tuần trước, John Bolton - cố vấn an ninh quốc gia của Trump đã thẳng thừng cáo buộc Triều Tiên không hoàn thành cam kết phi hạt nhân hóa của nước này.

Trong khi đó, Trump tiếp tục lên tiếng lạc quan rằng Kim sẽ “tôn trọng” thỏa thuận của họ, và đã hoàn thành thỏa thuận ông Kim đưa ra là trao trả hài cốt một số lính Mỹ tử nạn trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Adam Mount - một thành viên cấp cao kiêm Giám đốc Dự án Tình trạng Quốc phòng tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, đã khen ngợi những nỗ lực của Seoul nhằm khiến Bình Nhưỡng can dự vào các vấn đề an ninh và kinh tế.

Nhưng ông cũng lưu ý rằng Triều Tiên “đã tỏ ra bướng bỉnh với cả hai” và “một bước đột phá trên một trong hai mặt trận là khó có thể xảy ra”.

“Hầu như không có bằng chứng rằng Kim Jong-un đã chọn bỏ lại quá khứ của đất nước và theo đuổi một con đường mới”, Mount viết trong email gửi Yonhap.

Tuy vậy, nếu các đàm phán không xóa bỏ được kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, ít nhất chúng có thể “định hình kho vũ khí đó và sự phát triển của chế độ”.

“Ưu tiên trước mắt phải là giữ cho lò phản ứng mới Yongbyon không khởi động và luật hóa việc đóng băng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa”, ông đề xuất. “Đây là những chiến thắng trong tầm tay nhưng có ý nghĩa đáng kể”.

Mount cũng kêu gọi một chiến lược đàm phán phối hợp Seoul-Washington nhằm tối đa hóa đòn bẩy trong các đàm phán và ngăn tổn thất kéo dài cho liên minh này. “Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tìm cách chia rẽ Washington và Seoul”, ông nói.

Người dân ủng hộ cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim. Ảnh: Reuters
Người dân ủng hộ cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim. Ảnh: Reuters

Những chuyên gia khác đưa ra một cái nhìn hoài nghi hơn về thượng đỉnh đã được lên kế hoạch, chỉ ra những điều được cho là việc Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

“Hàn Quốc đứng trước rủi ro khi quá háo hức đưa ra những lợi ích cho Triều Tiên mà không áp sức ép tương ứng vào Bình Nhưỡng để thực thi các bước phi hạt nhân hóa quan trọng”, Bruce Klingner - thành viên nghiên cứu cấp cao phụ trách Đông Bắc Á tại Quỹ Heritage nói. “Việc Seoul đưa ra đề xuất về lợi ích không cân xứng và đóng vai trò trung gian cho Triều Tiên với Mỹ làm giảm quyết tâm quốc tế nhằm thực thi những trừng phạt cần thiết”.

3 công ty Hàn Quốc gần đây đã bị phát hiện nhập khẩu than Triều Tiên thông qua Nga, có thể vi phạm các trừng phạt của Liên Hợp quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tuần trước thận trọng đưa ra bình luận, nói rằng Hàn Quốc là “một đối tác trung thành và đáng tin cậy trong việc thực thi trên biển” các đòn trừng phạt và các đồng minh “hợp tác chặt chẽ với nhau” trong phản ứng phối hợp với Triều Tiên.

“Trong hội nghị thượng đỉnh lần 3 của mình, ông Moon không nên đưa ra những miếng mồi bổ sung về kinh tế, mà thay vào đó nên yêu cầu ông Kim Jong-un nêu rõ các bước phi hạt nhân hóa của chế độ này”, Klingner nói.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.