Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cơn địa chấn ngoại giao thành sự thật?

Trần Khánh 09/03/2018 10:39

Lời đề nghị về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp thuận.

“Canh bạc tất tay” của ông Trump

Theo New York Times, việc ông Trump chấp thuận lời đề nghị của ông Kim Jong-un được coi là “cơn địa chấn” ngoại giao khi trước đó không lâu, cả hai nhà lãnh đạo vẫn liên tục có những tuyên bố hết sức gay gắt nhằm về phía đối phương.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Dù vậy, theo các chuyên gia, đây vẫn là “một bước đột phá tích cực” đối với quan hệ 2 nước và càng đáng chú ý hơn khi người truyền tin vui này đến thế giới lại chính là ông Chung Eui-yong- người tham gia phái đoàn Hàn Quốc đến Triều Tiên vừa qua.

Thông tin này cũng được chính Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders xác nhận kèm theo tuyên bố chính thức rằng “thời gian và địa điểm cuộc gặp đang được thu xếp và Mỹ đang hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Dù vậy, bà Sanders cảnh báo: “Trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đó, tất cả lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vẫn được giữ nguyên”.

Theo nhiều chuyên gia, việc ông Trump chấp thuận gặp ông Kim Jong-un được coi là một “canh bạc tất tay”. Điều này là bởi trước đó chưa một Tổng thống Mỹ đang đương chức nào từng gặp gỡ một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Mỹ-Triều đồng thời xuống nước

Hơn nữa, chính ông Trump từng công khai bác bỏ khả năng đối thoại trực tiếp với Triều Tiên trừ khi nước này có “những bước đi cụ thể” trong việc giải giáp kho vũ khí hạt nhân cũng như phải có thêm những hành động cụ thể để chứng tỏ sự chân thành của mình.

Dù vẫn chưa có “hành động cụ thể nào” như đòi hỏi của ông Trump, phía Triều Tiên cũng ít nhiều cho thấy thiện chí của mình khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi đầu tuần tuyên bố với các đại biểu Hàn Quốc rằng Triều tiên sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Ông Kim Jong-un cũng đề xuất việc Triều Tiên tạm dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đàm phán và khẳng định sẽ không phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4 tới như những lần trước đó.

Đề xuất này của ông Kim Jong-un sau đó được 2 đại diện của Hàn Quốc là Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Moon-Jae-in, ông Chung Eui-yong và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Suh Hoon truyền đạt lại với ông Trump trong cuộc gặp tại Nhà Trắng. Hai quan chức Hàn Quốc được cho là còn chuyển đến ông Trump “thông điệp bí mật” mà Bình Nhưỡng muốn gửi đến Washington.

Chuyến thăm Bình Nhưỡng và Washington của ông Chung Eui-yong và ông Suh Hoon được các chuyên gia đánh giá là nỗ lực to lớn của phía Hàn Quốc trong việc thuyết phục Triều Tiên và Mỹ hạ nhiệt căng thẳng nhằm hướng tới một cuộc đối thoại.

Bản thân phía Hàn Quốc cũng đang muốn đẩy nhanh quá trình cải thiện quan hệ với phía Triều Tiên và hai miền Triều Tiên cũng đã nhất trí sẽ tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên vào cuối tháng 4- ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Nhịp cầu Hàn Quốc

Kể từ khi lên nắm quyền tháng 5/2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã liên tục kêu gọi Triều Tiên chấp thuận đối thoại ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn muốn gia tăng áp lực với phía Triều Tiên bằng cách thắt chặt các lệnh trừng phạt, gia tăng các động thái về quân sự và tung lên tài khoản Twitter những dòng trạng thái cứng rắn.

Phía Triều Tiên đón nhận thiện chí của ông Moon Jae-in một cách hết sức thận trọng và dè chừng. Triều Tiên vẫn tiếp tục một loạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của mình và chỉ bất ngờ đưa ra lời đề nghị đối thoại với phía Hàn Quốc đúng vào ngày đầu tiên của năm 2018 kèm theo tuyên bố sẵn sàng cử VĐV tham gia Olympic PyeongChang, Hàn Quốc.

Triều Tiên đã thực hiện đúng những tuyên bố của mình khi gửi sang Hàn Quốc hàng trăm VĐV, đội ngũ cổ vũ và các ca sĩ tham gia Olympic PyeongChang, thổi một “luồng gió ấm” vào kỳ Thế Vận hội mùa Đông đầy cảm xúc cả về chính trị và thể thao này.

Cũng trong thời gian diễn ra Olympic PyeongChang hai miền Triều Tiên đã tiến hành trao đổi đoàn cấp cao. Đặc biệt, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cử em gái mình là Kim Yo-jong làm đặc phái viên để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Các chuyên gia cho rằng, thông qua Olympic PyeongChang, Hàn Quốc đã đóng vai trò cầu nối tích cực giúp Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn cũng như tránh được nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cơn địa chấn ngoại giao thành sự thật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO