Thưởng kỷ lục cho tác giả bài báo gây tiếng vang trong giới y học thế giới
Trường ĐH Y dược TPHCM vừa công bố mức thưởng gần 300 triệu đồng cho Tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - tác giả chính của bài báo về thụ tinh ống nghiệm gây xôn xao thế giới vào đầu năm 2018. Đây là mức thưởng được cho là xác lập kỷ lục thưởng cho một bài báo công bố quốc tế ở Việt Nam.
PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM vừa ký quyết định khen thưởng cho TS.BS Vương Thị Ngọc Lan - phó chủ nhiệm bộ môn Phụ sản khoa Y, tác giả chính bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có bình duyệt năm 2018, với số tiền kỷ lục 289.624.000 đồng.
TS-BS Vương Thị Ngọc Lan là người chủ trì dự án nghiên cứu về thụ tinh ống nghiệm với kết quả được đăng trên tạp chí nổi tiếng y học thế giới. Ảnh: NVCC |
TS.BS Vương Thị Ngọc Lan (bộ môn Phụ sản Trường ĐH Y dược TP.HCM) là tác giả chính và là người chủ trì dự án nghiên cứu về “IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without polycystic Ovaries" được đăng trên tạp chí y khoa danh tiếng thế giới The New England journal of medicine (chỉ số trích dẫn 72,406).
Đây là bài báo đầu tiên của ngành Sản phụ khoa Việt Nam trên tạp chí này, nghiên cứu hoàn toàn thực hiện tại Việt Nam.
Trước đó, khi chia sẻ với Dân trí về kết quả nghiên cứu này, TS.BS Vương Thị Ngọc Lan cho biết “Trên thế giới có hai phương án chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm (TTON). Đó là chuyển phôi tươi vào tử cung hoặc đông lạnh phôi trước, sau đó mới chuyển phôi sau rã đông vào tử cung.
Nghe qua thì nhiều người tưởng chừng nhưng đó là việc rất bình thường vì kỹ thuật chuyển phôi tươi hay kỹ thuật trữ phôi đông lạnh đã được thực hiện từ lâu. Nhưng vấn đề là phương pháp nào hiệu quả hơn, chi phí ít, biến chứng thấp, thời gian có thai nhanh hơn thì chưa ai có câu trả lời thỏa đáng hết. Do đó, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đi tìm câu trả lời khi nghiên cứu so sánh hai phương pháp điều trị cho vấn đề này”.
Đại diện trường ĐH Y dược TPHCM cho biết, theo quy định của trường, bất kỳ bài báo nào được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế đều được thưởng. Tuy nhiên mức thưởng sẽ khác nhau dựa vào chỉ số Impact factor của bài báo (2 triệu đồng/1 chỉ số).
BS Ngọc Lan là tác giả thứ nhất vừa là người trả lời tất cả phản biện bình duyệt nên được nhân đôi mức thưởng. Đến thời điểm này, đây là bài báo có mức thưởng cao nhất trong lịch sử của trường.
Điều đặc biệt, mặc dù được thưởng nhưng tác giả bài báo không nhận mà tặng vào quỹ nghiên cứu khoa học trẻ của trường. Quỹ này dùng để thưởng cho các bài báo khoa học quốc tế nhưng không phát tiền mặt mà chi trả chuyến đi tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế.